Thành Tuyên Quang được xây từ khi nào?

TỪ CHÍNH SỬ VÀ ĐIỀN DÃ

Trên nguyên tắc lấy chính sử làm gốc, kết hợp chặt chẽ với các tư liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử và Hán - Nôm viết về nhà Mạc và thời Mạc và các loại sách địa chí, đi điền dã để xác minh tư liệu, từ sau năm 1960, đến năm 1995. Tôi đã sưu tầm được các loại tài liệu lịch sử viết về Tuyên Quang như sau:

Sách lịch sử gồm 19 cuốn như: Đại Việt sử ký toàn thư; Lịch triều tạp kỷ; Đại Việt sử ký tiền biên; Đại Việt sử ký tục biên; Đại Việt Thông sử, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Lịch triều hiến chương loại chí; Đại Nam thực lục; sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng; Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; Việt sử Tân Biên...

Các sách Địa chí và tài liệu cổ về Tuyên Quang: như Dư địa chí; Phủ biên tạp lục; Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam dư địa chí ước biên; Đồng Khánh dư địa chí; Tuyên Quang tỉnh phú của Đặng Xuân Bảng; Tuyên Quang phong thổ ký của Nguyễn Văn Bân...

Điền dã: Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, Lạng Sơn, về Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, đến thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và thành Đồng Hới Quảng Bình, đặc biệt cụm di tích Cố đô Huế để kiểm chứng và đối chiếu các thành này với thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn và Cao Bằng. Tại các nơi tôi đã đến và nghiên cứu tài liệu, tôi thấy thành Sơn Tây, thành Hưng Hóa, thành Nam Định, thành Bắc Ninh, thành Quảng Bình... đều là những thành xây dựng thời nhà Nguyễn giống như thành Tuyên Quang.

Tại các tỉnh, tôi đã thu thập hàng chục đầu sách về nhà Mạc, của các nhà Sử học, các nhà khoa học họ Mạc, như cuốn “Nhà Mạc và họ Mạc ý chí và mục tiêu chiến lược” của GS. TS Phan Đăng Nhật cuốn “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” GS - TS Hán - Nôm Đinh Khắc Thuân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hán - Nôm của Viện Hán - Nôm; cuốn “Nhà Mạc và thời đại Nhà Mạc hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức” của GS - Trần Thị Vinh. Tuy nhiên điều bất ngờ là tôi không thấy cuốn sách nào đề cập đến việc nhà Mạc xây thành ở Tuyên Quang.

NHÀ MẠC KHÔNG CHIẾM ĐƯỢC TUYÊN QUANG

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: năm 1522 anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã thống lĩnh và cát cứ Tuyên Quang, mãi đến năm 1527 Mạc Đăng Dung mới cướp ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc. Từ năm 1533 khi Nhà Lê trung hưng, cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều xảy ra, nhà Mạc chỉ chiếm được từ Thanh Hóa ra bắc, nhưng không chiếm được Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang, anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật vẫn cát cứ và phò nhà Lê chống lại nhà Mạc. Đại Việt sử ký toàn thư trang 630 - 631 - tập I do NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2004 viết:

“Tân Hợi năm thứ 3 (1551)... thái sư Lạng quốc công sai hàng tướng nhà Mạc là Lê Bá Ly cùng với bọn Vũ Văn Mật (1) tiến quân sát đến kinh sư...”

Chú giải của (1) ở cùng sách trên, trang 631 viết:

“Vũ Văn Mật là em Vũ Văn Uyên. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi thì Vũ Văn Uyên, cựu thần nhà Lê cát cứ ở miền Tuyên Quang cũng tham gia cuộc vận động khôi phục nhà Lê. Văn Uyên vốn là người xã Ba Động huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc trấn Hải Dương), người khỏe mạnh gan dạ, vì tội giết người trốn lên xứ Đại Đồng trấn Tuyên Quang. Bấy giờ người tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét, Văn Uyên thấy thế kết đảng thừa cơ mà cướp lấy đất ấy. Hiện nay tại xã Lương Sơn huyện Lục Yên còn có di tích thành Mị Lang, tục gọi là thành Bầu, tương truyền là thành cũ của Văn Uyên để chống lại quân Mạc.

Trong buổi biến loạn ở đời Lê Chiêu Tôn, có lệnh của triều đình khiến các trấn mộ binh để giữ địa phương, Văn Uyên thừa dịp lập công nên được giao chức Đô tổng binh sứ Tuyên Quang, phong Khánh Dương hầu. Binh bản bộ của Văn Uyên có đến mấy vạn người, cho nên trong khi ở miền xuôi các phe phái xung đột nhau để đến việc họ Mạc cướp ngôi thì Văn Uyên vẫn giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, và cuối cùng cát cứ không chịu theo nhà Mạc...”.

Chú giải viết tiếp:

“Khi thấy nhà Minh thừa nhận sự đầu hàng của họ Mạc thì Văn Uyên biết không thể trông cậy vào nhà Minh mà khôi phục nhà Lê được nữa, bèn phái người vào Sầm Châu xin làm hướng đạo để dẫn quân nhà Lê do đường thượng đạo mà tiến đánh quân Mạc... khi Mạc Phúc Hải cử đại binh ngược dòng sông Hồng để tiến đánh thì Văn Uyên tránh. Quân Mạc tiến lên quá Đại Đồng, đến miền Văn Bàn và Thủy Vĩ. Nhưng khi quân Mạc rút về thì Văn Uyên lại trở lại Đại Đồng. Mạc Phúc Hải lại cho mấy vạn quân tiến công lần nữa thì bị Văn Uyên phục kích phá tan. Từ đó nhà Mạc phải đành chịu cho họ Vũ cát cứ. Văn Uyên chết, em là Vũ Văn Mật nối nghiệp, được vua Lê phong Gia quốc công”.

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi: thời Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung nổi lên lật đổ nhà Lê, quân của Vũ Văn Mật đóng làm 11 doanh: “Huyện Phù Yên có doanh Phù Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh An Bắc, châu Vị Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trần Uy, Yên Biên, và Nam Đương, châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang”, cùng tiếp sức với vua Lê đánh Đăng Dung.

Qua các sách địa chí như: Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Tuyên Quang phong thổ ký của Đặng Xuân Bảng; Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn; Đại Nam dư địa chí ước biên của Tổng tài Cao Xuân Dục; Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ 19 của Viện Hán - Nôm; Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã ở Bắc Kỳ của Viễn đông bác cổ... cho thấy toàn bộ các địa danh này đều thuộc đất Tuyên Quang, do anh em họ Vũ cát cứ, do đó có thể khẳng định nhà Mạc không chiếm được Tuyên Quang và không thể xây thành ở Tuyên Quang trong thời gian từ 1527 đến năm 1592.
Phí Văn Chiến
(còn tiếp)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/thanh-tuyen-quang-duoc-xay-tu-khi-nao-136369.html