Thanh Hóa: Huy động mọi nguồn lực chăm sóc người có công

Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống các gia đình chính sách. Phong trào 'Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng' đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động huy động cộng đồng tham gia chăm lo đời sống gia đình chính sách. Công tác chi trả chính sách ưu đãi NCC luôn: Đảm bảo thực hiện chi đúng, chi đủ, chi kịp thời.

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa bằng sự đóng góp tự nguyện với trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng. Từ kết quả vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã góp phần hỗ trợ tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng và sửa chữa nhà ở, thăm hỏi người có công với cách mạng hoặc thân nhân khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thăm gia đình thương binh Nguyễn Hữu Mai

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết: “Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hàng vạn người con ưu tú của tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, ngành LĐ-TB&XH đã tập trung giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, phát động mạnh mẽ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Toàn tỉnh hiện đang quản lý gần 349.470 NCC với cách mạng, gồm: 4.630 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 94 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); hơn 55.930 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng; 444 cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 43.570 thương binh; gần 15.960 bệnh binh; gần 14.540 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.065 NCC giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 210.830 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương.

Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 NCC, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% NCC và thân nhân theo quy định. Hiện nay có gần 69.470 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng hằng tháng. Đến nay, đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, hơn 99,8% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng, nhất là thương binh nặng”.

Trong thời gian qua, Thanh Hóa luôn xác định công tác Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về chăm sóc NCC trên địa bàn tỉnh. Với lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú anh dũng hy sinh, hiến dâng một phần xương máu cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội tại Thanh Hóa, công tác chính sách liên quan NCC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất và tinh thần của NCC ngày càng nâng cao.

Kiểm tra sức khỏe thương binh tại Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng NCC Thanh Hóa

"Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với cách mạng, với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, là đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người. Luôn phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người có công ngày càng hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng, đảm bảo công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; phong trào Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội của tỉnh Thanh Hóa.“ – bà Vũ Thị Hương thông tin thêm.

“Để đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh tới huyện, tới xã. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với nước.

Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc NCC với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào phụng dưỡng MVNAH, tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".

Công tác chăm sóc NCC với nước đã được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hình thức phong phú, sáng tạo. Năm 2023, Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với NCC; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống NCC” - Giám đốc Vũ Thị Hương nhấn mạnh.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với cách mạng;trên 95% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC;trên 98% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; các công trình liệt sĩ được xây dựng đảm bảo kiên cố,sạch sẽ, tôn nghiêm;vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Thanh Hóa tiếp tục phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phối hợp thực hiện chính sách NCC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai chế độ chi trả chính sách ưu đãi NCC từ cơ sở, giải quyết trả lời kịp thời những đơn thư, kiến nghị của công dân. Phấn đấu trên 98% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; trên 95% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC. Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

Giải quyết kịp thời các đơn thư của người dân. Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC,chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời các hồ sơ theo đúngquy định, không để hồ sơ tồn đọng tại cơ quan quản lý các cấp. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và chế độ đối với người tham gia kháng chiến. Tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ chính sách nhằm nâng cao nhận thức và củng cố nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách cấp cơ sở. Thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ hưởng các chế độ chính sách; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với NCC; phối hợp thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Vận động toàn dân thực hiện tốt phong trào chăm sóc gia đình và NCC; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nhằm tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc gia đình chính sách.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra thực hiện chi trả chính sách NCC nhằm phát hiện những sai sót vàđề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập trung triển khai đúng tiến độ, đảm bảo các giải pháp kỹ thuật. Đề án số hóa hồ sơ NCC với cách mạng. Công tác chi trả chính sách ưu đãi NCC luôn phải: Đảm bảo thực hiện chi đúng, chi đủ, chi kịp thời. Huy động mọi nguồn lực chăm sóc cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

THU HƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/thanh-hoa-huy-dong-moi-nguon-luc-cham-soc-nguoi-co-cong-20230930152622.htm