'Thần y' của dân bản vùng cao Quế Phong

Đó là cách gọi dân dã, ngưỡng mộ của đồng đội và đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới vùng cao biên giới huyện Quế Phòng dành cho Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức - 'Thầy thuốc quân hàm xanh' Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An. Bằng tình cảm, trách nhiệm, y đức và y thuật của mình, Thiếu tá Lê Anh Đức đã cứu sống hơn 20 bệnh nhân khỏi 'lưỡi hái của tử thần' khi nhiễm độc lá ngón.

Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức (khi đó mang quân hàm Đại úy) cấp cứu nạn nhân bị ngộ độc do ăn lá ngón tự tử. Bằng bài thuốc của mình, đến nay, anh đã cứu sống hơn 20 bệnh nhân khỏi "lưỡi hái tử thần". Ảnh: Lê Thạch

Cũng phải sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Thiếu tá Lê Anh Đức, bởi anh luôn bận bịu với những công việc mà anh gọi là “không tên”. Bác sĩ Lê Anh Đức và các đồng đội cùng đội ngũ y, bác sĩ của Trạm y tế xã Tri Lễ vừa hoàn thành chuyến công tác tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ trở về. Đợt này, các anh tiến hành tuyên truyền cho đồng bào về tác hại của cây lá ngón và vận động bà con tiến hành chiến dịch phá nhổ loại cây “thần chết”.

Thiếu tá Lê Anh Đức chia sẻ: “Chúng tôi hướng dẫn nhân viên y tế bản và cán bộ quân y tăng cường tại Trạm xá quân dân y bản Mường Lống phương pháp cấp cứu người bị ngộ độc do ăn lá ngón tự tử. Bởi ở các bản xa trung tâm, đường sá đi lại rất khó khăn, nếu người bị nhiễm độc lá ngón được cấp cứu kịp thời sẽ có cơ hội được cứu sống”.

Tri Lễ là xã biên giới của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên rộng 20.290,18ha, với 18,53km đường biên giới tiếp giáp với cụm bản Phăn Thoong, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Xã có 16 bản, với 2.086 hộ dân/10.366 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống gồm: Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh. Nơi đây vẫn tồn tại một số hủ tục, phụ nữ (đặc biệt là dân tộc Mông) thường sống khép kín, ít giao lưu với cộng đồng ngoài bản (làng), tính mặc cảm, tự ti cao; mỗi khi mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, chị em thường nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, ăn lá ngón tự tử.

Quá trình công tác tại địa bàn, bác sĩ Lê Anh Đức đã chứng kiến một số bệnh nhân tử vong do ăn lá ngón. Có người tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có những em nhỏ mới 11-12 tuổi chỉ vì hiểu biết còn hạn chế, thiếu kỹ năng sống, nên khi gặp bức xúc trong cuộc sống như: Bị gia đình phản đối mối quan hệ tình cảm nam nữ; vợ chồng, cha con, anh em có mâu thuẫn, cãi vã nhau... đã tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón. Chính điều đó đã làm cho anh trăn trở, day dứt, khiến anh phải tìm ra phương cách để cứu các bệnh nhân ngộ độc lá ngón. Qua những kiến thức thu nhận được từ nhà trường, cùng quá trình tìm tòi học hỏi và nghiên cứu, bác sĩ Lê Anh Đức đã tìm ra được bài thuốc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân nhiễm độc lá ngón.

Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn cán bộ đơn vị và nhân viên y tế thôn, bản về bài thuốc cấp cứu nạn nhân bị ngộ độc do ăn lá ngón. Ảnh: Lê Thạch

Bác sĩ Lê Anh Đức “bật mí” về công thức của bài thuốc: Khi có bệnh nhân bị nhiễm độc bởi ăn phải lá ngón, trước tiên, dùng nước thân cây chuối kết hợp với lá rau má giã nhỏ trộn đều, vắt lấy nước. Sau đó, tìm 2 đến 3 con nhái bén còn sống rửa sạch thả vào nước hỗn hợp nói trên từ 3 đến 5 phút rồi vớt bỏ nhái ra (việc cho nhái bén còn sống vào nước chỉ với mục đích tạo chất tanh cho bệnh nhân dễ nôn). Tiếp đến, cho bệnh nhân uống mỗi lần khoảng 400-500ml, rồi tìm cách gây nôn cho bệnh nhân. Sau đó, tiếp tục cho bệnh nhân uống và gây nôn đến khi hết thức ăn trong dạ dày. Lúc này, cho bệnh nhân uống khoảng 300ml nước thân cây chuối kết hợp với lá rau má giã nhỏ trộn đều (lần này không gây nôn). Nếu gặp trường hợp bệnh nhân nhiễm độc nặng không tự uống được thì đặt sonde dạ dày, dùng 3 đến 5 lít nước hỗn hợp để rửa dạ dày... Cùng với đó, kết hợp dùng thuốc kháng histamin, trợ tim, trợ sức, truyền dịch... Sau khoảng 2-3 giờ tích cực cấp cứu, hồi sức, bệnh nhân sẽ dần hồi phục, hết tím tái, đỡ khó thở... và qua cơn nguy kịch.

Trung tá, bác sĩ Trần Nam Thắng, Chủ nhiệm Quân y BĐBP Nghệ An nhận xét: “Bài thuốc của bác sĩ Lê Anh Đức vừa dân gian, nhưng cũng có tính khoa học, nguyên liệu dễ thấy, dễ tìm ở trong tự nhiên. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn cán bộ quân y các đơn vị nhân rộng bài thuốc này cho nhân viên y tế thôn, bản và người dân nhằm tăng cơ hội cứu sống cho các nạn nhân bị ngộ độc lá ngón”.

Với bài thuốc này, từ năm 2016 đến nay, bác sĩ Lê Anh Đức cùng đồng nghiệp đã trực tiếp cứu sống 23 bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón. Phương pháp cấp cứu, điều trị bệnh nhân ngộ độc lá ngón không chỉ thực hiện tại địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong mà thông qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của bác sĩ Lê Anh Đức, quân y các đồn Biên phòng tuyến núi tỉnh Nghệ An cũng đã áp dụng cấp cứu thành công 3 trường hợp bị ngộ độc lá ngón...

Là một trong số các bệnh nhân được bác sĩ Lê Anh Đức cứu sống, chị Lương Thị Nhân, ở bản Na Hốc, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong nhớ lại: Hôm đó, chồng mình say rượu, sinh ra mâu thuẫn cãi vã, chồng đuổi mình ra khỏi nhà, bản thân mình cảm thấy buồn tủi không muốn sống nữa nên đã ăn lá ngón tự tử. May mắn cho mình và gia đình đã được bác sĩ Đức kịp thời cứu sống. Sau lần đó, mình rất hối hận, thường xuyên khuyên bảo những người thân trong gia đình đừng bao giờ dại dột sử dụng lá ngón để tự tử.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn về tác hại của cây lá ngón và cách phòng ngừa không để sự việc đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Lê Thạch

Được biết, thời gian qua, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng y tế thôn, bản, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào từng bước nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục, không dùng lá ngón để tự tử; đẩy mạnh việc xóa nhổ cây lá ngón khỏi bản, làng, khu dân cư. Với phương thức tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, 2 năm nay, trên địa bàn không có trường hợp nào ăn lá ngón tự tử nữa” - ông Xồng Bá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ phấn khởi cho biết.

Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ chia sẻ: Quá trình công tác, bác sĩ Lê Anh Đức không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp tin tưởng, người dân quý mến. Việc nghiên cứu tìm ra bài thuốc và cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón của bác sĩ Đức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm sáng đẹp hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” trong lòng nhân dân.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vì sức khỏe đồng bào, từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá Lê Anh Đức đã được các cấp, ngành khen thưởng, trong đó có Bằng khen của Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam (năm 2016); Bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2022); Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP (năm 2019 và 2020); Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2018 và 2020)...

Lê Thạch

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/than-y-cua-dan-ban-vung-cao-que-phong-post467100.html