Thân gái vượt sóng dữ cứu người

'Cứ mỗi lần sóng bổ (đập) vào đầu thì em lặn xuống rồi bơi ra, bơi ra mãi. Nhưng tới lúc quay về bờ thì nghĩ, chắc mình chết rồi'. Chị Lê Thị Hồng Tâm (1977), người cùng anh Phạm Văn Phó lao ra biển cứu học sinh đuối nước kể lại.

"Cứ mỗi lần sóng bổ (đập) vào đầu thì em lặn xuống rồi bơi ra, bơi ra mãi. Nhưng tới lúc quay về bờ thì nghĩ, chắc mình chết rồi". Chị Lê Thị Hồng Tâm (1977), người cùng anh Phạm Văn Phó lao ra biển cứu học sinh đuối nước kể lại.

Chị Tâm kể lại giây phút sinh tử, trong lúc đầu không ngớt đau nhói.

* Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho biết, đây là hành động xả thân đầy xúc động của 2 công dân. Vợ anh Phó là giáo viên, đang dạy học xa nhà, nên sẽ được hỗ trợ để về dạy gần quê, tiện chăm sóc gia đình. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang làm thủ tục khen thưởng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho công dân dũng cảm.

Phút sinh tử

Trên chiếc giường xếp đặt giữa ngôi nhà ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, chị Tâm vẫn nằm vùi và thỉnh thoảng buông vài câu vô định "cứu cháu... sóng biển dữ quá... anh Phó ơi vô chưa". Người chồng của chị cho biết, sau khi cứu nạn học sinh bị đuối nước ở bãi biển Tịnh Khê và suýt chết, chị được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng để cấp cứu. Từ ngày trở về nhà, chị vẫn kiệt sức, liên tục bị ngã lộn nhào, hiện nay bị chấn thương ở chân phải và vai.

Sáng ngày 20-2, tại bãi biển xã Tịnh Khê, khu vực trước Công ty CP MTV khách sạn, nhà hàng Mỹ Khê (Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi), có 9 em học sinh ở thị trấn La Hà kéo nhau xuống biển tắm, vào thời điểm biển có sóng lớn. Khu vực các em xuống biển rơi đúng xoáy nước mà người dân ở địa phương gọi là ổ lò. Em Nguyễn Trần Gia Khang bị sóng cuốn ra xa, nên các em trên bờ kêu cứu thất thanh. Anh Phạm Văn Phó là cán bộ của công ty đã lao xuống biển để cứu em nhỏ. Chị Tâm vừa đi ăn sáng về cũng vội vã cởi phăng áo để lao xuống biển.

Chị Tâm hồi tưởng, sóng thì lớn, nhưng em tin có khả năng cứu được. Chị kể rằng mình là người có khả năng bơi lội rất tốt, thỉnh thoảng chị vẫn bơi qua sông, bơi dưới biển và có thể thả nổi người trong tư thế bơi ngửa vài tiếng đồng hồ vẫn thấy bình thường. Khi lao người xuống biển, chị bị vài đợt sóng đẩy ngược vào. Nhưng nhìn về phía cánh tay nhỏ cứ giơ cao lên vẫy rồi lại biến mất dưới sóng, vị trí cách bờ khoảng 120 mét, nên chị sải tay bơi.

"Cứ mỗi lượn sóng lớn thì em lại nhũi sâu xuống để ra xa, còn nếu mà mặc áo phao và bơi nổi thì không bao giờ ra được ngoài biển" - chị chia sẻ về kỹ năng cứu nạn khi trên biển có sóng dữ. Khi bơi ra được khoảng 60 mét, chị gặp người đồng nghiệp của mình là anh Phạm Văn Phó đang sải tay bơi ngược vào. "Sóng lớn quá Tâm ơi, em ra thì ra chứ anh không thể ra nổi nữa" - anh Phó nói to át tiếng sóng. Khoảnh cách giữa 2 người bơi sát nhau, nhưng chỉ vài giây sau thì sóng đánh dạt chị Tâm và anh Phó ra 2 hướng khác nhau.

Chỉ 1 mình đơn độc giữa biển, chị Tâm quyết định tiếp tục nhũi dưới những lượn sóng lớn để tiến ra xa, xa hơn nữa, khi mà cánh tay của cậu học sinh ở phía trước mặt đưa lên vẫy mỗi lúc một tuyệt vọng. Chị quyết định bơi vòng ra ngoài xa rồi xuôi ngược vào bờ với dự định, nếu cậu bé này nhào đến ôm chặt lấy thì chị phải đẩy về phía bờ để tránh tình trạng 2 người cùng chết đuối.

"Cuộc gặp gỡ" giữa 2 công dân dũng cảm trên biển sóng, và chị Tâm không ngờ đây lại là giây phút cuối cùng. Anh Phó bơi ngược vào bờ, sau đó áo phao tụt ra khỏi người. Nhưng cũng có người cho rằng, anh chủ động rút áo phao ra khỏi vai để tiếp tục bơi ra xa, vì khi cứu nạn trên biển thì có một nghịch lý khác xa với lý thuyết về kỹ năng cứu nạn, đó là mặc áo phao thì không bơi ra được, liên tục bị sóng nhồi nhừ tử.

"Phải về bờ thôi, ngoài này chỉ còn mỗi 1 mình" - ý nghĩ vang lên trong đầu người phụ nữ đang ngụp lặn giữa biển sóng cuồn cuộn. Chị Tâm sải tay và bơi vào chầm chậm, vì lúc đó cháu học sinh cũng đã mất hút. Nhưng bơi ra biển đã khó, quay trở vào thì cũng là lúc có thể trở thành quả bóng nhồi trước những lượn sóng dữ. Ầm...! đợt sóng đầu tiên cắm thẳng đầu chị xuống, và lại một đợt sóng tiếp theo...

Cậu bé Phạm Hữu Phát, con trai của anh Phạm Văn Phó ngồi bên chiếc xe máy mà cha thường đi làm hàng ngày.

Tìm về nhà

Tôi từng phỏng vấn những ngư dân bị trôi dạt trên biển, sống sót trở về. Họ đều chia sẻ, thời khắc chết là lúc "trở về nhà". Có ngư dân bị sóng lớn cuộn và cắm đầu xuống cát, nhưng sống sót bằng cách ôm chặt một vật cứng lên đỉnh đầu như chiếc mũ bảo hiểm để chống choáng. Chị Tâm cũng rơi vào tình trạng tương tự - bơi vào vòng nước xoáy, nhưng trên tay lại không có vật gì để đội lên đầu.

Chị Tâm bơi ngược trở ra biển, nằm thả trôi trong tư thế bơi ngửa. Nhưng rồi một cơn lạnh ập đến. Chị kể "tự nhiên lạnh buốt cả người, từ ngoài đó nhìn vô bờ cũng không xa, thấy người chạy tới chạy lui, vẫn chưa thấy đội cứu nạn, trong khi đã uống nước mấy lần, thôi thì ráng bơi vô lần nữa". Nghĩ vậy, chị lại tiếp tục bơi. Nhưng rồi vượt qua được lượn sóng thứ nhất, đến lượn sóng thứ 2 thì lại tiếp tục uống nước. Chị cho biết, khó nhất là không thể quan sát phía sau lưng để biết khi nào có đợt sóng và nó sẽ đè lên lưng mình, để bản thân chủ động, sải tay bơi ngang.

Thời gian mà chị đang vật lộn giữa biển sóng thì anh Phó trôi cách đó vài trăm mét, cũng đang chới với khi tìm "đường về quê". Anh Phó liên tục giơ cao cánh tay ra hiệu "đuối rồi, vô không được, cần cứu nạn". Chị Tâm nhớ lại, thông thường, mỗi khi ngụp sâu, trồi lên thì phải lấy hơi thở, sau đó lại ngụp sâu. Tuy nhiên, do không quan sát được lượn sóng sau lưng, vì vậy khi bị sóng lớn đè lún xuống sâu, vừa nổi lên, đưa tay vuốt mặt và chuẩn bị hít hơi vào thì sóng lại nhấn sâu xuống nước, vậy là không đúng nhịp hơi, tiếp tục uống nước.

Lúc gần như tuyệt vọng, chị có nhìn thấy bầu trời tối đen? Tôi hỏi. Chị ngồi lặng đi, đưa tay lên ôm đầu, nhắm mắt lại một hồi lâu. Mỗi ngày chị đều phải tiêm thuốc trợ thần kinh, bổ não để ổn định, giảm sự rối loạn. Chị thì thào và mở mắt ra "thấy thằng cu chết mà không cứu thì không được, nhưng không ngờ bơi ra được, nhưng bơi vô thì coi như không có lối thoát". Chị kể, lúc tuyệt vọng thì xung quanh chỉ có một bức tường nước, nhìn đâu cũng thấy nước biển, người bị đè lún dưới nước rồi lại bật lên, rồi lún xuống, cứ vậy uống no nước.

Chị dùng sức lực cuối cùng và không "tìm về nhà" nữa, mà bơi ngược ra biển, mỗi ngày một xa. Chị thả người nổi trên mặt nước, chân tay đập trong tư thế bơi ngửa để cầm cự. Cuối cùng, 3 nhân viên cứu hộ ở bãi biển Mỹ Khê đã nối dây, bơi áp sát, khiêng chị lên chiếc phao nổi. "Em mửa luôn trên đầu một anh cứu nạn lúc đó, nhưng không biết đó là anh nào, sau đó em ngất đi, em cảm ơn anh em cứu hộ, nhờ đó mà em còn sống" - chị nói giọng nhỏ dần đi và lại nhắm mắt. Chỉ vài phút sau, chị lại nói mê sảng vài câu, chìm vào giấc mộng mị kinh hoàng vẫn đang đeo đẳng.

Người nhà của chị cho biết, lúc chị và anh Phó chia tay trên biển, người bơi ra, người bơi vào và nói "anh đi vào đây", vậy nhưng không ngờ anh Phó lại ra đi mãi mãi. Những ngày nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng, chị cứ ngỡ anh Phó đã vào bờ. Nhưng khi trở về quê thì mới biết, vài giây tạm biệt trên biển, cũng là lời tạ từ lần cuối.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239897_than-gai-vuot-song-du-cuu-nguoi.aspx