'Hào quang Mặt Trời' ở một số nơi tại miền Bắc báo hiệu điều gì về thời tiết?

Vòng tròn sáng quanh Mặt Trời xuất hiện vào buổi trưa ở một số tỉnh thành miền Bắc là một hiện tượng quang học rất đẹp mắt và cũng giúp người xưa dự báo thời tiết ngắn hạn. Vậy quầng sáng này là dấu hiệu của kiểu thời tiết thế nào?

Về cơ bản, vầng “hào quang” này là một quầng sáng hình tròn bao quanh Mặt Trời (hoặc Mặt Trăng) khi ánh sáng Mặt Trời (hoặc Mặt Trăng) khúc xạ qua các tinh thể băng trong một lớp mây ti mỏng. Mây ti là kiểu mây trông như những dải mỏng, nhiều khi trông như đuôi ngựa. Vầng hào quang thì thường trông như một vòng tròn màu trắng sáng, đôi khi cũng có nhiều màu sắc.

Vầng hào quang trên bầu trời Hải Phòng trưa ngày 21/5. Ảnh: Page Hải Phòng/ Báo Lao Động.

Vầng hào quang trên bầu trời Hải Phòng trưa ngày 21/5. Ảnh: Page Hải Phòng/ Báo Lao Động.

Ngoài việc là một hiện tượng quang học đẹp mắt, hào quang Mặt Trời được coi như một dấu hiệu để con người dựa vào mà phán đoán về thời tiết khi ngành khí tượng học, dự báo thời tiết còn chưa phát triển.

Hào quang Mặt Trời ở San Diego (Mỹ) đầu năm 2023. Ảnh: Shawn White/ Storyful.

Hào quang Mặt Trời ở San Diego (Mỹ) đầu năm 2023. Ảnh: Shawn White/ Storyful.

Theo trang Fox WeatherSpectrum News, hào quang Mặt Trời được cho là dấu hiệu sẽ có mưa và/ hoặc dông. Việc này thực ra có cơ sở chứ không phải là sự suy đoán tùy tiện. Vì vầng hào quang được tạo ra khi có mây ti ở trên cao. Mà mây ti ở trên cao lại là dấu hiệu cho biết một khoảng không khí ấm đang dịch chuyển đến khu vực đó - đây lại có thể là một phần của một hệ thống áp thấp.

Không khí ấm nói trên sẽ dịch chuyển lên cao trong bầu khí quyển, vượt lên trên khoảng không khí lạnh hơn, tạo ra nhiều mây ở các độ cao khác nhau. Nhiệt độ cao cộng với mây ngày càng dày lên thì dễ có mưa và/ hoặc dông trong vòng 24 đến 48 giờ sau đó.

Hào quang Mặt Trời ở North Carolina (Mỹ) - có thể thấy cả màn mây ti mỏng. Ảnh: Rick Beacham.

Hào quang Mặt Trời ở North Carolina (Mỹ) - có thể thấy cả màn mây ti mỏng. Ảnh: Rick Beacham.

Tất nhiên, cũng có trường hợp là mây lại trôi đi nơi khác và thời tiết chỉ nóng mà thôi. Nhưng dù sao, trong vòng 2 ngày kể từ khi thấy hào quang Mặt Trời, người dân ra ngoài vẫn nên đề phòng khả năng mưa/ dông đột ngột.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hao-quang-mat-troi-o-mot-so-noi-tai-mien-bac-bao-hieu-dieu-gi-ve-thoi-tiet-post1639215.tpo