Tham vọng của Hàn Quốc

Hàn Quốc đặt mục tiêu lọt vào danh sách 4 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Với tham vọng này, Seoul nỗ lực hiện đại hóa và liên tục cải tiến ngành công nghiệp quốc phòng.

Pháo tự hành K9 phóng đạn lên một ngọn đồi vừa bị trúng tên lửa bắn từ trực thăng. Sau đó, xe tăng K2 tiến tới, vừa tăng tốc và khai hỏa vừa di chuyển.

Đây là một cảnh tượng tại DX Korea - triển lãm quốc phòng Hàn Quốc kéo dài 4 ngày tổ chức hồi tháng 9 tại một trường bắn ở Pocheon, cách biên giới Triều Tiên khoảng 30 km.

Trình chiếu những cảnh này trước 2.000 người, gồm cả quan chức quân sự từ hơn 20 quốc gia, là một cách Hàn Quốc rao bán vũ khí.

Các phái đoàn đến từ những nơi xa xôi như Mexico, Thái Lan, Nigeria và Philippines. Một vị tướng Ấn Độ hỏi tầm bắn của loại vũ khí đang được trưng bày. Các sĩ quan Qatar kiểm tra cận cảnh chiếc K2.

Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn bán thêm vũ khí, con số đủ để Seoul tăng 4 bậc và trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới.

“Bằng cách lọt vào danh sách 4 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp, ngành công nghiệp quốc phòng (Hàn Quốc) sẽ trở thành ngành công nghiệp hóa chiến lược và cường quốc quốc phòng”, Japan Times dẫn lời ông Yoon cho hay.

Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc cần bán vũ khí nhanh hơn Vương quốc Anh, Italy, Đức và cuối cùng là Trung Quốc - quốc gia nắm giữ 4,6% thị trường xuất khẩu giai đoạn 2017-2021, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

CNN nhận định đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng Seoul đang đúng hướng. Năm 2012-2016, Hàn Quốc chỉ chiếm 1% trên thị trường vũ khí toàn cầu. 5 năm sau, con số này tăng hơn gấp đôi, chiếm 2,8%. Đây là mức tăng lớn nhất trong số 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, năm 2021, nước này bán số vũ khí trị giá 7 tỷ USD. Và Seoul tin kho của nước này đủ lớn để giành lấy thị phần lớn hơn nữa.

Nỗ lực tự lực

Dù xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc mới tăng vọt trong những năm gần đây, nước này dành nhiều thập niên để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng.

Theo SIPRI, tính đến năm 2020, chi tiêu quân sự chiếm 2,8% tổng GDP của Hàn Quốc, cao hơn nhiều ngưỡng 2% mà nhiều đồng minh của Mỹ đặt ra.

“Mối đe dọa từ Triều Tiên đã cho chúng tôi lý do chính đáng và động lực để đảm bảo chất lượng vũ khí”, Chun In-bum - cựu trung tướng Quân đội Hàn Quốc - nói.

Thực tế, Chiến tranh Triều Tiên có thể không bao giờ đi đến hồi kết, bởi dấu mốc chấm dứt chiến tranh năm 1953 là hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

Trong những thập kỷ đầu tiên sau khi cuộc chiến kết thúc, nền quốc phòng Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào những năm 1970.

Mẫu xe tăng K2 của Hyundai Rotem. Ảnh: Asianmilitaryreview.

Theo Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), Hàn Quốc bắt đầu chú ý tới lĩnh vực quốc phòng và đầu tư 42 triệu USD từ gói viện trợ của Mỹ vào nhà máy sản xuất súng trường M-16.

Theo báo cáo năm 2014 của KDI, vào cuối thập niên này, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc - dưới sự chỉ đạo của Viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia - chế tạo thành công tất cả loại vũ khí cơ bản.

Với mối đe dọa luôn hiện hữu từ miền Bắc, Seoul đã khởi xướng gói thuế quốc phòng. Thuế quốc phòng chi trả cho lĩnh vực phát triển quân đội hiện đại, gồm hệ thống bọc thép và thiết bị quân sự mà các công ty quốc phòng Hàn Quốc tiếp thị ngày nay.

Cái nôi ngành công nghiệp vũ khí hiện đại

Nỗi lo thường trực về việc bị Triều Tiên tấn công là một trong những lý do khiến các dây chuyền sản xuất quân sự xây dựng tại thành phố cảng Changwon. Đây được coi là cái nôi công nghiệp vũ khí hiện đại của Hàn Quốc.

Thành phố có địa hình lòng chảo tự nhiên, tứ phía có núi bao bọc nên dễ phòng thủ. Con đường chính của thành phố, Changwon-daero, có đoạn đường dài 14,9 km và có thể dùng làm đường băng trong trường hợp khẩn cấp.

Ở đầu phía nam của Changwon là Khu liên hợp công nghiệp quốc gia Changwon. Khu này được thành lập vào những năm 1970 và là nơi đặt nhà máy Hanwha Defense và Hyundai Rotem.

Hàn Quốc đang triển khai các đơn hàng trong năm nay, đáng chú ý là thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Ba Lan.

Hồi tháng 9, Hàn Quốc ký một thỏa thuận với Ba Lan về thương vụ bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay, trong đó nước này cung cấp cho Warsaw gần 1.000 xe tăng K2 của Hyundai Rotem, hơn 600 chiếc K9 của Hanwha và hàng chục máy bay chiến đấu từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc.

Ba Lan là một trong chín quốc gia mua lựu pháo từ Hanwha. Yonhap đưa tin hôm 19/10, lô hàng K9 đầu tiên đã được chuyển tới Ba Lan.

Lee Boo-hwan - Phó chủ tịch điều hành bộ phận kinh doanh ở nước ngoài của Hanwha Defense - cho biết công ty muốn trở thành đối tác lâu dài với các quốc gia mua vũ khí của họ. Tập đoàn này đang thiết lập các cơ sở sản xuất mới ở Australia, Ai Cập và Ba Lan.

“Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ công nghệ. Trọng tâm chiến lược chính của chúng tôi là thâm nhập các thị trường mới”, ông Lee nói.

Công ty Quốc phòng Hanwha đạt thỏa thuận bán pháo tự hành K9 sang Ba Lan. Ảnh: Yonhap.

Ông cho biết thêm công ty liên tục cập nhật và cải tiến sản phẩm. Ông ví dụ công ty đã tạo mẫu xe tăng K9A2, bố trí tổ lái bên ngoài tháp pháo để khiến khả năng người lái bị tấn công ít hơn. Họ cũng đang phát triển phiên bản thế hệ tiếp theo.

Công nghệ “hoạt động hoàn toàn tự động, nền tảng không người lái”, với trí thông minh nhân tạo cho phép xe tăng học hỏi kinh nghiệm thực chiến, ông nói.

Robot của Hanwha sản xuất các loại pháo cho K9 với tốc độ cứ sau 3-5 ngày sản xuất một đơn vị. Dây chuyền tại Hanwha hoạt động kết hợp giữa robot và con người trên dây chuyền lắp ráp bảy trạm để tạo ra thứ nặng 47 tấn gồm thép, máy móc và thiết bị điện tử.

Tại mỗi trạm đều có cửa gắn đèn xanh, vàng và đỏ. Mọi công nhân đều có thể dừng dây chuyền khi đèn đỏ và triệu tập kỹ sư nếu họ phát hiện ra vấn đề.

Điểm dừng cuối cùng là điểm ngắm, khi họ sẽ kiểm tra độ ngắm bắn chính xác của súng K9. Sau đó, các công nhân sẽ kiểm tra hiệu suất. Mặt đất rung chuyển khi K9 chạy dọc con đường trải nhựa gần tốc độ tối đa 67 km/h. Người lái thử sẽ quay khẩu lựu pháo hết hướng này đến hướng khác.

Ông Lee cho hay Hanwha sẽ tùy chỉnh K9 thể theo các khách hàng nước ngoài. Ví dụ, khách đến từ vùng phía bắc như Na Uy có thêm nguồn nhiệt cho phi hành đoàn; còn khách hàng đến từ nơi có khí hậu nóng như Ấn Độ hoặc Ai Cập sẽ lắp thêm điều hòa.

Jack Watling - nghiên cứu viên cao cấp về chiến tranh trên bộ tại Viện Royal United Services ở London - cho biết Hàn Quốc là nơi thử nghiệm vũ khí hoàn hảo. Nước này có khí hậu lạnh giá lẫn nóng bức, có địa hình bằng phẳng lẫn đồi núi.

Do đó, chính đặc điểm này đã thu hút khách hàng ngoại quốc, ông Watling nói.

Chỉ cách nơi thử nghiệm K9 vài dặm, xe tăng K2 tại nhà máy Hyundai Rotem cũng được chạy thử.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp xuất khẩu (K2)”, Phó chủ tịch Hyundai Rotem họ Kim cho hay.

Chỉ riêng đơn đặt hàng trong nước đã khiến dây chuyền lắp ráp K2 hoạt động hết cỡ. Với thêm yêu cầu từ Ba Lan, Hyundai Rotem phải tìm cách tăng thêm công suất.

Thị trường quan trọng

Hanwha Defense đang đặc biệt chú ý đến thị trường quốc phòng lớn nhất thế giới. Đó chính là Mỹ.

Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong bốn nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Ảnh: CNN.

“Chúng tôi muốn thâm nhập thị trường Mỹ với sự hỗ trợ từ một công ty địa phương. Chúng tôi cũng muốn góp phần vào quân đội Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng địa phương của nước này”, ông Lee nói.

Năm 2021, chi tiêu quân sự của Mỹ là 801 tỷ USD, trong khi xuất khẩu vũ khí và đạn dược của Hàn Quốc sang nước này chỉ chiếm 95 triệu USD.

Ông Chun cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nên được coi là đối tác bổ sung cho Mỹ, thay vì cạnh tranh với Washington, Chun nói.

Mỹ chi tiêu khổng lồ cho các mặt hàng quân sự có chất lượng tốt nhất. Ông Chun chỉ ra Seoul không bán những thứ này.

“Mỹ không sản xuất một số loại vũ khí vì họ cảm thấy không cần thiết. Những thứ này không tạo ra lợi nhuận cho Mỹ, và đó là những gì chúng tôi nhắm tới. Các hệ thống chúng tôi bán cho Ba Lan là hệ thống này”, ông nói.

“Tôi hy vọng Mỹ hiểu đây là quan hệ đối tác”, ông Chun nói thêm. “Mỹ chế tạo những vũ khí lớn và tốt nhất trên thế giới, nhưng họ không chế tạo tất cả loại”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tham-vong-cua-han-quoc-post1379293.html