Thẩm định phim có nên thay đổi

Thông tin mới nhất về câu chuyện nóng lên của 'Đào, phở và piano' chính là việc CGV chính thức phủ nhận việc cụm rạp này đang phát hành bộ phim kể trên của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Và chính việc gây tranh luận này đã mở ra một vấn đề tồn tại khá lâu của điện ảnh Việt Nam hiện nay là quy trình thẩm định phim của các chủ cụm rạp.

Nói thẳng, thị trường điện ảnh đang vận hành đúng theo quy luật kinh tế, đúng theo cán cân cung - cầu và quyền lực của các cụm rạp là rất lớn. Một nhà sản xuất phim có thể tự nhận thấy phim mình tốt, thậm chí có đồng nghiệp xung quanh cũng nhận định tương tự nhưng chưa chắc phim đó đã tốt trong mắt các chủ cụm rạp.

Các diễn viên trong phim “Đào, phở và piano”.

Cơ bản, các chủ cụm rạp đánh giá một bộ phim không chỉ dựa trên các tiêu chí chuyên môn điện ảnh đơn thuần. Họ làm kinh doanh, với cơ sở chiếu phim đa số là đất đi thuê với giá thuê rất cao, trang thiết bị đầu tư tốn kém, đắt tiền… nên do đó, sẽ luôn phải đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu.

Vì thế, với họ, một bộ phim dù đậm chất nghệ thuật đến mấy, được đánh giá tốt đến mấy đi nữa thì vẫn cần phải có các tiêu chí đi kèm như nó có hợp thị hiếu khán giả đương đại hay không, nó có đủ tính câu khách hay không, nó có các chất liệu cũng như ngân sách để tạo ra các đợt sóng truyền thông hay không. Chỉ khi đủ đầy các tiêu chuẩn như thế, bộ phim mới được chủ các cụm rạp chấp thuận cho trình chiếu.

Điều này có thể nhìn vào chính các phim nhập ngoại là chúng ta đủ hiểu. Tại sao đa số phim nhập chỉ là phim Hollywood trong khi hàng năm vẫn có đầy rẫy các phim xuất sắc của châu Âu, châu Á nhưng không thể xuất hiện tại các rạp Việt Nam.

Ngay cả khi một phim qua cửa thẩm định của các cụm rạp rồi cũng không hẳn là nó nghiễm nhiên sẽ tồn tại ở cụm rạp ấy suốt một mùa phim. Rủi ro luôn tồn tại nên tuần chiếu đầu tiên còn mang tính quyết định hơn cả, không khác gì một thẩm định thực tế lần hai. Nếu tuần đầu doanh thu kém, lượng phủ kín thấp, chắc chắn phim sẽ phải rời rạp trong sự ngậm ngùi.

Nhìn vào cái quy trình thẩm định phim đầy rắc rối đó, chắc hẳn không ít người sẽ chê trách chủ các cụm rạp là tham lợi nhuận bỏ qua luôn cả nhiệm vụ văn hóa đối với đại chúng. Song, cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Thực tế, để dẫn tới một quy trình thẩm định phim như thế, tính quyết định nằm ở "khẩu vị" của khán giả rất lớn. Chính vì khán giả Việt nhiều năm nay đã quá quen với chuyện ra rạp xem phim là phải vui, không thích suy nghĩ nhiều, không thích những gì quá sâu sắc, quá khó hiểu vì giàu tính nghệ thuật nên do đó các chủ cụm rạp cũng chạy theo thị hiếu số đông nhằm cứu vãn doanh thu cho mình.

Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nhận thấy các phim ăn khách nhất của Trấn Thành như "Bố già", "Nhà bà Nữ", "Mai" đều chỉ một màu sắc, một dạng câu chuyện. Nó không phải do Trấn Thành đi vào lối mòn mà nói khác đi, nó thể hiện sự nhạy bén của anh. Nhận thấy xu hướng thưởng thức điện ảnh chủ đạo của khán giả là gì, Trấn Thành nuông chiều xu hướng ấy. Các rạp cũng thành thói quen và tạo nên ưu ái cho chính dòng phim dễ dàng ăn khách này.

Song, việc một đột phá như “Đào, phở và piano” gần đây đã mở ra câu hỏi là phải chăng chính chuyện thẩm định đã quá dấn sâu vào vùng an toàn? Có thể không mang lại nhiều trăm tỷ như phim giải trí nhưng vẫn sẽ có những phim nghệ thuật đủ sức trụ rạp trên hai tuần và mang lại lợi nhuận (dù không quá lớn) cho các cụm rạp, đồng thời đáp ứng được một bộ phận khán giả sâu sắc hơn cũng như mang lại động lực nhiều hơn cho những nhà làm phim theo đuổi dòng phim kén khách. Nếu đúng là như vậy, có lẽ, cách thẩm định của các rạp cũng nên mở rộng hơn thay vì chỉ chạy theo một thói quen an toàn như suốt hơn 10 năm qua.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tham-dinh-phim-co-nen-thay-doi-i723887/