Tây Nam bộ 'chia lửa' với chiến trường Điện Biên Phủ

Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân miền Tây Nam bộ cũng bồi hồi ôn lại những tháng ngày đội bom chống đạn, 'chia lửa' với chiến trường, góp phần 'nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng'.

Phân tán lực lượng, cắt chi viện của địch

Những năm 1953 - 1954, thực dân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm, xây dựng đồn bốt tại miền Tây Nam bộ, Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây yêu cầu các đơn vị vũ trang đẩy mạnh chiến tranh du kích, liên tục tiến công kết hợp binh vận, địch vận nhằm phân tán lực lượng, cắt chi viện của địch từ miền Nam ra chiến trường Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 kể lại, lúc đó, quân - dân miền Tây Nam bộ đồng lòng thực hiện phong trào TAPACO, tổ chức tấn công liên tục trên các địa bàn hiểm yếu, khiến địch phải phân tán lực lượng, giảm sức ép cho chiến trường. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân - dân miền Tây Nam Bộ phối hợp chặt chẽ với chiến trường chung, đẩy mạnh tiến công địch, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong tình hình mới.

Phối hợp với chiến trường chính, Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây và các tỉnh xây dựng kế hoạch tác chiến kết hợp công tác binh, địch vận; tập trung tiến công, đánh sâu, đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, căng kéo, kìm giữ chân lực lượng cơ động của địch, phá cơ sở kinh tế, cơ sở hậu cần, buộc địch phải đối phó ngay tại sào huyệt của chúng, không cho chúng điều động lực lượng ra tiếp ứng ở chiến trường chính Bắc Bộ.

Bà Đinh Thị Thoa xem lại các kỷ vật gắn với những ngày tháng gian khổ mà hào hùng

Tại tỉnh Cần Thơ (cũ), Tiểu đoàn 307 bộ đội chủ lực của Phân Liên khu phối hợp hoạt động với địa phương, tổ chức nhiều lần đột nhập vào thị xã Rạch Giá - Rạch Sỏi làm tan rã đội ngũ, thu hàng trăm vũ khí các loại, đánh sập hàng chục lô cốt khiến binh sĩ địch hoang mang rủ nhau mang theo súng về với kháng chiến.

Tại Sóc Trăng, trong 3 tháng đầu năm 1954, quân và dân huyện Châu Thành cũng diệt đồn, bức hàng, bức rút hàng chục đồn, lô cốt, tháp canh, loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên địch, thu 34 súng; ở huyện Thạnh Trị, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer, tháng 1.1954, một đại đội của Tiểu đoàn 308 thọc sâu vào vùng địch hậu, diệt lô cốt tổ chức đánh phản kích, diệt nhiều sinh lực địch. Từ đầu tháng 4.1954, phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, ta phát động phong trào phá các “sóc tự trị vũ trang” do địch lập ra và lần lượt phá được 22 sóc, xây dựng chính quyền cách mạng do người dân tộc Khmer quản lý, có nhiều xã ta xây dựng được lực lượng du kích khá mạnh.

Ở các vùng lân cận như Trà Cú, Càng Long (Trà Vinh)… lực lượng cách mạng dồn dập tiến công, giải phóng được nhiều xã, lập vùng cách mạng, diệt nhiều cứ điểm, khiến địch buộc phải giữ quân đối phó.

Sức mạnh tuổi trẻ và khát vọng chiến thắng

Năm nay đã bước sang tuổi 100 nhưng ông Nguyễn Tấn Phát (tên thường gọi là Ba Bá), nguyên Ủy viên Thị ủy Cần Thơ, vẫn nhớ những ngày tháng “chia lửa” ấy. Năm 1953, với vai trò phụ trách nội ô thị xã Cần Thơ, ông phát động và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân rộng khắp, tổ chức nhiều hoạt động biểu tình, tuyên truyền giáo dục kết hợp với đấu tranh vũ trang. “Chị em nghiệp đoàn mua gánh bán bưng đấu tranh không dời chợ Tham Tướng. Tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên học tập để hiểu biết về cách mạng. Phong trào phổ biến tài liệu vượt Côn Đảo, mọi người vừa đọc vừa truyền tay nhau...”, ông Phát kể.

Là thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Đinh Thị Thoa (sinh năm 1934),hiện sống tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ,xúc động xen lẫn tự hào khi nhắc về những năm tháng gian khó mà hào hùng. Sinh ra và lớn lên tại xã Gia Tường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Thoa tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đoàn thanh niên xung phong có 6 đội được xác định là đội quân công tác đặc biệt, thường trực 24/24 giờ, thực hiện trên 60 loại công việc khác nhau do các đơn vị sử dụng bố trí như: cáng thương binh, vận chuyển đạn, đào hào công sự, hầm pháo, ngụy trang, bảo vệ đường dây thông tin, cảnh giới, làm lán trại...

Bà Thoa thuộc đội 34. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội 34 và đội 40 thanh niên xung phong là mở đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông chiến dịch trong mọi tình huống. Thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đội 34 và đội 40 hoạt động thường trực tại ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau giữa đường 41 (từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và đường 13 (từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc sang). Đây là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu “thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”... nên cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom, anh em thanh niên xung phong lập tức xông ra san lấp hố bom, khôi phục đường. Các tổ quan sát ngồi trên cây đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi xuống cắm tiêu cho đội phá bom. Hôm nào trời mưa, anh em chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, làm lại cầu, mở đường tránh cầu ngầm, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa vũ khí, lương thực ra mặt trận...

“Ngày đó, phần lớn anh em chúng tôi còn khá trẻ, không biết mệt là gì, có lúc đối mặt với cái chết trong gang tấc vẫn không ai nản chí, nao lòng. Giờ nghĩ lại mới thấy hết sức mạnh của tuổi trẻ và khát vọng chiến thắng kẻ thù thật lớn lao”, bà Thoa bộc bạch.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tay-nam-bo-chia-lua-voi-chien-truong-dien-bien-phu-i370696/