Ký ức đường Trường Sơn huyền thoại của cựu chiến binh Hà Tĩnh

65 năm đi qua, ký ức hào hùng của một thời 'đánh địch mà đi, mở đường mà tiến' trên đường Trường Sơn huyền thoại vẫn còn đọng lại trong mỗi cựu chiến binh Hà Tĩnh.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Cái nắng gay gắt những ngày đầu hạ không thể cản bước chân của các cựu chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh tìm về di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ở xã Hương Đô (Hương Khê). Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, là 1 trong 37 di tích thành phần của hệ thống di tích đường Trường Sơn. Trên chiến trường Trường Sơn, hơn 1 vạn con em Hà Tĩnh đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong những năm gian khổ ác liệt nhất, trong đó có hàng nghìn đồng chí đã hy sinh xương máu của mình và mãi mãi nằm lại với núi rừng Trường Sơn.

 Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh thăm di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (xã Hương Đô)

Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh thăm di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (xã Hương Đô)

Cách đây 65 năm, ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đoàn công tác đặc biệt đã phát triển lớn mạnh thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh. Với vị trí chiến lược, xã Hương Đô, huyện Hương Khê được chọn là nơi đặt Chỉ huy Sở Tiền phương.

Cùng đi với chúng tôi, thỉnh thoảng cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nhân (SN 1948 ở TP Hà Tĩnh) lại đứng lại, hồi tưởng về những ký ức hào hùng khi ông còn làm nhiệm vụ lái xe tuyến vận tải Trường Sơn.

"Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau 45 ngày học lái xe, tôi được điều về Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải, Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến. 6 năm là bộ đội lái xe, tôi đã trực tiếp lái 16 chiếc xe; trong đó có những chiếc xe bị trúng bom địch cháy, có những chiếc xe bị đổ xuống đèo. Đối mặt với nhiều giây phút sinh tử nhưng tôi chưa bao giờ nao núng, chùng bước. Tôi luôn tự hào mình là bộ đội lái xe Trường Sơn" - cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nhân chia sẻ.

Bộ đội vận tải là một trong những lực lượng quan trọng quyết định thành công cách mạng trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Bí mật luồn rừng, mang vác, gùi thồ, tiến tới cơ giới hóa vận tải đường bộ, vận tải đường sông, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống… đã hợp thành một binh chủng vận tải phát triển đến đỉnh cao. Cùng đó, các lực lượng: công binh (mở đường), pháo phòng, bộ binh, giao liên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... cũng đều là "mắt xích" không thể thiếu để đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không ngừng phát triển.

 Cựu chiến binh Lê Hữu Long xem lại hình ảnh đơn vị của ông tham gia gùi hàng trên đường Trường Sơn.

Cựu chiến binh Lê Hữu Long xem lại hình ảnh đơn vị của ông tham gia gùi hàng trên đường Trường Sơn.

Đưa ánh mắt nhìn chậm rãi trên những tấm ảnh đã mờ phai theo thời gian, cựu chiến binh Lê Hữu Long (SN 1940 ở thị trấn Hương Khê) xúc động chia sẻ: “Lực lượng giao liên của chúng tôi với "vai ngàn cân, chân vạn dặm" luôn đảm bảo gùi hàng chi viện cho chiến trường miền Nam theo phương châm "đi không dấu, nấu không khói". Lúc đó, người tôi chỉ nặng 40 kg nhưng trên vai gùi được 20 - 30 kg. Những năm tháng đi bộ gùi hàng trên tuyến đường Trường Sơn đã rèn luyện cho tôi đôi chân dẻo dai, bền bỉ. Nay đã hơn 80 tuổi nhưng tôi vẫn còn mạnh khỏe”.

Suốt 16 năm bền bỉ xây dựng và anh dũng chiến đấu (từ năm 1959 mở đường đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam... Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", chung ý chí "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xung kích trong thời kỳ đổi mới

 Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (xã Hương Đô) là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (xã Hương Đô) là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

Đại tá Trần Bá Linh - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chiến tranh đi qua, số đông cán bộ, chiến sĩ, TNXP Trường Sơn rời đơn vị trở về địa phương hoặc chuyển sang ngành, lĩnh vực công tác mới. Với mong muốn có một mái nhà chung để cùng ôn lại truyền thống, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống mới, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh được thành lập năm 2012”.

Sau gần 13 năm hoạt động, các cấp Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Hà Tĩnh đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại 6 hội cấp huyện, thị và 76 chi hội xã, phường, thị trấn; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và hiệu quả.

 Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh là nơi để cựu chiến binh, cựu TNXP từng một thời chiến đấu trên cung đường Trường Sơn gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ khó khăn.

Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh là nơi để cựu chiến binh, cựu TNXP từng một thời chiến đấu trên cung đường Trường Sơn gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ khó khăn.

Bà Trần Thị Trung - hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Hương Khê chia sẻ: “Hội thực sự là mái nhà chung của những cựu chiến binh, cựu TNXP từng một thời sống, chiến đấu trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại. Bên cạnh đó, thông qua hội, nhiều hoàn cảnh của các đồng chí, đồng đội khó khăn cũng được hội viên cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ kịp thời”.

Thời gian qua, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mới 29 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 nhà, tặng 6 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng)...cho các hội viên. Mỗi năm, các cấp hội đã dành từ 300 - 500 suất quà để thăm hỏi, chia sẻ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật.

Phong trào chiến sĩ Trường Sơn sản xuất giỏi, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo được đông đảo hội viên hưởng ứng tích cực. Hàng trăm hội viên đã trở thành điển hình sản xuất giỏi. Nhiều gia đình hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Các hội viên vừa làm giàu cho gia đình, vừa có điều kiện để hỗ trợ đồng đội vươn lên trong cuộc sống.

 Đồng đội cũ từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình đến thăm hỏi, tặng quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng đội cũ từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình đến thăm hỏi, tặng quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh.

Trong cuộc vận động xây dựng NTM và đô thị văn minh, các hội viên đã gương mẫu hiến hơn 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ tiền và ngày công cùng với địa phương đạt các tiêu chí theo quy định. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 100 hội viên được tín nhiệm bầu vào cấp ủy; giữ chức bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Dù trong lửa đạn chiến tranh hay thời bình, những người lính năm xưa – nay là hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh luôn phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, tích cực phấn đấu trên mọi mặt trận, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

Phan Trâm

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ky-uc-duong-truong-son-huyen-thoai-cua-cuu-chien-binh-ha-tinh-post266763.html