Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.

Từ tờ báo mang tên Trường Sơn…

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật vận tải chiến lược trong chiến tranh của Quân đội ta, đồng thời là biểu tượng sáng ngời tình đoàn kết của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cũng là đỉnh cao của mặt trận báo chí, văn hóa, nghệ thuật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hầu hết các cơ quan báo chí của Trung ương thời đó đều cử các phóng viên vào chiến trường Trường Sơn. Bộ tư lệnh Trường Sơn có hẳn một tờ báo mang tên Trường Sơn do Cục Chính trị trực tiếp quản lý.

Báo chí thời đó đã góp phần lan tỏa khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Báo Trường Sơn ngày ấy có trụ sở luôn nằm cạnh Bộ tư lệnh Trường Sơn với các phóng viên thường xuyên tỏa đi các chiến trường. Trong đó có nhiều người sau đó trở thành các cây bút nổi tiếng như nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng…

Phạm Tiến Duật đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Gửi em cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Nhớ, sau đó là các tập thơ: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971).

Có nhà thơ gọi Phạm Tiến Duật là Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ. Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân hỏa tuyến nào đã từng công tác, lao động, chiến đấu trên đường Trường Sơn mà không thuộc thơ của Phạm Tiến Duật.

Phóng viên Lê Lựu vào Trường Sơn, đi bám sát các trận đánh, bám sát bộ đội, thanh niên xung phong rồi cho ra đời ngay những bài báo nóng hổi từ các chiến trường.

Trở về hậu cứ, ông lại cần mẫn viết văn, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng mang tên Mở rừng. Tác phẩm đã điêu khắc hình tượng người lính với chất liệu hiện thực cuộc sống ở Trường Sơn khi ấy.

Người lính anh hùng, kiên cường, mưu trí đã chiến thắng giặc Mỹ tinh khôn lắm của nhiều tiền, vũ khí tối tân. Họ hiện lên thật đẹp, trữ tình với những mối tình đầy thi vị, cũng thật sử thi hoành tráng với những chiến công... Trên hết là họ có tâm hồn thật đẹp, trong sáng, thánh thiện. Đó là điểm tựa để người lính sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, vì đồng chí, đồng đội. Nhưng cũng có lúc họ buông xuôi, hèn nhát, tham sống... Nhờ thế mà tiểu thuyết mang tính chân thực cao.

Văn công biểu diễn trên Đường Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU

Văn công biểu diễn trên Đường Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU

Đến “dàn đồng ca khổng lồ” của báo chí, văn nghệ sĩ

Các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn với các tác phẩm văn học-nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ tạo thành “dàn đồng ca khổng lồ” trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn-Bộ đội Cụ Hồ.

Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng, nhiều trường ca ca ngợi, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh. Chính sự đa dạng của các loại hình văn học-nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa và thương hiệu báo chí, văn nghệ sĩ Trường Sơn.

Nhà thơ Tố Hữu khi vào chiến trường Trường Sơn đã viết trong bài thơ nổi tiếng “Nước non ngàn dặm” với những câu hừng hực khí thế của non sông: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/Trường Sơn, vượt núi, băng sông/Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”.

Tháng 9/1969, nghe tin Bác đi xa, cả chiến trường Trường Sơn bồi hồi xúc động. Chính từ sự xúc động dâng lên đến đỉnh điểm của sự tiếc thương vô hạn đối với Người, nên Phạm Thông - một người chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn, một người con của quê hương Quảng Nam trên tuyến đầu đánh Mỹ, đã thốt lên khi nghe được tin Người đã đi vào cõi vĩnh hằng: “Giữa Trường Sơn nghe tin Bác mất/ Núi sông này quặn thắt nỗi đau” (Trích trong bài thơ “Nghe tin Bác mất”).

Phạm Thông cũng như tất cả những người chiến đấu, công tác trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nức nở, tiếc thương trước hình bóng của Người: “Tháng chín miền Trung mưa giăng lối/ Đường hành quân ra trận lệ nhòa”. Và trong niềm tin yêu kính trọng, tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ đã được người chiến sĩ Trường Sơn nhắn gửi: “Dưới hầm sâu, giữa lòng địch hậu/ Nơi lao tù, trước lúc hiểm nguy/ Chúng con khẽ gọi thầm tên Bác/ Thắp niềm tin soi sáng lối đi”.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu viết bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” trong một đêm rất khuya năm 1972 trên đường Trường Sơn.

Khi Bác Hồ đã qua đời ba năm, cả dân tộc Việt Nam đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng cam go và khốc liệt. Nằm trong căn hầm, nhìn ra không gian vằng vặc ánh trăng chiếu sáng khắp núi rừng tĩnh lặng. Lúc đó, hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc và bài thơ Cảnh khuya được Người viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp bất chợt hiện về, xao động tâm tư, Nguyễn Trung Thu lấy lòng bàn tay mình và ghi trên ấy những dòng thơ đầu tiên trào dâng tha thiết, để rồi sáng hôm sau thì thi phẩm hoàn thành một cách nhẹ nhàng ngỡ như phúc lộc trời cho.

Nhạc sĩ Trần Chung đọc được trên báo Nhân Dân, ngay lập tức những nốt nhạc đầu tiên ra đời, hân hoan và đậm chất tráng ca từ đó đến giờ.

Bài thơ, bài hát “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” đã nói hộ tâm trạng của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, chiến đấu, lao động, công tác trên tuyến đường này: “Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước/Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước/Con đường Bác mới đi qua”.

Giữa núi rừng Trường Sơn, nhìn những đoàn quân nối tiếp ra mặt trận, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối cảm xúc, phác thảo một bản hành khúc ngắn gọn. Ông đặt tựa đề là “Chiến sĩ Trường Sơn” và hát thử cho anh em trong đoàn nghe, được mọi người tán thưởng. Đó là vào cuối tháng 4/1966. Bài hát sau được đổi tên là “Bước chân trên dải Trường Sơn”, một hành khúc trầm hùng, nội dung tinh tế, sâu sắc, đậm chất trữ tình: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn…/…Ta đi theo ánh lửa của trái tim mình…”

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Những cống hiến lớn lao, hy sinh cao cả của Bộ đội Trường Sơn thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi công những người lính Trường Sơn cùng biết bao thanh niên xung phong, dân công gái trai, các văn nghệ sĩ... đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của Đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh Mỹ”.

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ, nguyên phóng viên Báo Trường Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/binh-chung-dac-biet-o-truong-son-post683718.html