Tập trung xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp

Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm được các đại biểu thảo luận, hiến kế tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VIII, đó là tập trung xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, quan tâm các dự án đầu tư vào chế biến nông lâm sản, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…

Chỉ đạo quyết liệt nâng cao chỉ số PCI, PAPI

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá (đạt 10,7%). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội có nhiều tín hiệu tích cực… Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục hồi chậm; quản lý trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nhất là việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng trụ sở các cơ quan, đơn vị chuyển biến chậm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch chung tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III.2023 và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… Đồng thời, UBND tỉnh cần khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để phục hồi tăng trưởng; có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp, chợ, điểm trung tâm thương mại ở nông thôn; tập trung triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Đăng Ánh đề nghị UBND tỉnh tập trung triển khai các cơ chế chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung theo các quy định mới của Trung ương. Tích cực tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực, OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX, tổ HTX, kinh tế hộ ở nông thôn. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành trong năm 2023 từ 3,5 - 4%…

Đại biểu Hồ Thúy Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đưa ra giải pháp đồng bộ tăng nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình liên quan đến giải ngân nguồn vốn; đồng thời, có hướng dẫn về thủ tục để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho địa phương có cơ sở thực hiện… Bên cạnh đó, quan tâm dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm sản xuất.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Lượng kiến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thanh lý rừng và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng… Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc các hộ dân xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) sử dụng đất trong phạm vi địa giới hành chính của xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông).

Kết nối, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu nhìn nhận: năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng mạnh so với vụ Đông Xuân năm trước; chăn nuôi tiếp tục đà phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành còn thiếu bền vững; hạ tầng phục vụ sản xuất, tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân…

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đề xuất giải pháp cho kinh tế nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hòe cho rằng, cần thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất hiệu quả cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối các kênh phân phối, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực… Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ cao, nhất là thành tựu công nghiệp 4.0 vào sản xuất...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cũng kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh làm tiền đề triển khai kế hoạch, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050. Tăng cường xúc tiến, mời gọi, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, trong đó quan tâm các dự án đầu tư vào chế biến nông lâm sản, ứng dụng nông nghệ cao trong chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… “UBND các huyện, thị, thành phố cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện các phương án sản xuất, phòng chống dịch bệnh, thiên tai; các chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành; các giải pháp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khuyến nghị nhằm tổ chức sản xuất bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra”, ông Hồ Xuân Hòe đề nghị.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tap-trung-xuc-tien%C2%A0thu-hut-cac-du-an-dau-tu-vao-nong-nghiep-i337864/