Tạo đột phá từ đổi mới phong cách lãnh đạo

Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm gắn liền đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo; rèn luyện tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nắm chắc tình hình, giải quyết các vấn đề từ cơ sở…; cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã góp phần tạo động lực, đột phá trong phát triển.

Ðô thị phát triển tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Huyện Thuận Thành đang hướng mạnh vào mục tiêu tạo nền tảng vững chắc về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, để tạo bứt phá trong phát triển, trước tiên Ðảng bộ huyện tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; khai thông nguồn lực giải quyết sự trì trệ, nút thắt trong quá trình phát triển. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Ðương cho biết, đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo gắn mục tiêu, yêu cầu phát triển đang được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung giải quyết, trong đó có những vấn đề hạn chế, yếu kém kéo dài như công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; tài nguyên đất không được phát huy hiệu quả; tình trạng khiếu kiện gây mất ổn định an ninh trật tự; gây lực cản trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới…

Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, trước hết là bám sát cơ sở, giải quyết hiệu quả các vấn đề từ cơ sở. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện phân công cán bộ chủ chốt bám sát nhiệm vụ, địa bàn, nắm tình hình lĩnh vực công tác nhằm tham mưu giải pháp. Mặt khác, lãnh đạo huyện coi trọng bám cơ sở, địa bàn trọng điểm để tiến hành tiếp xúc, đối thoại, nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tham mưu giải pháp, cơ chế giải quyết kịp thời những vấn đề người dân quan tâm. Các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân thuộc thẩm quyền của huyện cơ bản được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở; góp phần giải quyết bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, từ đó quản lý nhà nước về tài nguyên ngày càng hiệu quả. Huyện cũng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc quản lý, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường ở nhiều xã trong huyện diễn biến phức tạp. Tình trạng một số xã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất đai liền kề với đất thổ cư diễn ra tại nhiều địa bàn… Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, những năm gần đây, công tác quản lý, khai thác đất đai trên địa bàn huyện được bảo đảm theo quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Từ quy hoạch phát triển, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới như: Phía nam thị trấn Hồ; An Bình; Trạm Lộ; Song Hồ; Ðình Tổ; Hồng Hạc... dọc sông Ðuống được quy hoạch với tổng diện tích lên tới 760ha,... đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số 194 dự án, diện tích 766ha. Huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 31 dự án với diện tích hơn 71ha; đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng 58 dự án với diện tích hơn 363ha. Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng tài nguyên; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động hành chính...; tạo thuận lợi để các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội trọng điểm được thi công, đưa vào sử dụng đúng tiến độ, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Những năm gần đây, huyện Thuận Thành ghi dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả cao. Ðời sống, chất lượng sống người dân được cải thiện, thu nhập tăng nhanh. Cấp ủy, chính quyền toàn huyện đã triển khai các giải pháp tập trung quy hoạch, triển khai phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Ðể phát huy vai trò chủ thể của người dân, phát huy nội lực trong phát triển, Huyện ủy xác định, công tác tư tưởng, vận động phải đi trước một bước. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong cán bộ và người dân trước các chủ trương, mục tiêu phát triển.

Xã An Bình bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thơ cho biết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của huyện, xã tập trung đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, gắn liền chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tập trung khai thác thế mạnh địa phương sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí hàn xì, làm hàng mã, chế biến nông sản thực phẩm, làm đồ gỗ mỹ nghệ… Ðồng thời xã khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, trong đó là nuôi trồng thủy sản tại các vùng chuyển đổi. Ðể "tạo hành lang" cho hướng đi trên, xã tạo thuận lợi cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển. Từ đó cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch tích cực, 6 tháng đầu năm, tổng giá trị thu nhập trên địa bàn đạt 284 tỷ đồng, trong đó thương mại và dịch vụ đạt 132 tỷ đồng.

Với 13 chi bộ trực thuộc, 364 đảng viên, Ðảng bộ xã Hoài Thượng có quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn chặt lãnh đạo triển khai các mục tiêu kinh tế, xã hội; hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Ðảng ủy xã tập trung chỉ đạo toàn diện, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đối với từng nhiệm vụ, đặt trọng tâm vào phát triển sản xuất; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị. Xã đã huy động được hơn 447 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 24 tỷ đồng, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kinh tế của xã 5 năm liền luôn tăng trưởng khá, tốc độ giá trị sản xuất đạt gần 16%. Ðời sống và việc làm của người dân không ngừng được cải thiện, từ đó tiếp tục xây dựng nông thôn mới.

Gần đây huyện Thuận Thành được tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, theo hướng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tập trung; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương. Huyện đã hình thành và phát triển nhanh những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả; mô hình ứng dụng công nghệ cao, trang trại hữu cơ khép kín theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Kinh tế của huyện có bước phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm của huyện giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 8%; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 7,5%, dịch vụ tăng 9,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,5%. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục phát triển khởi sắc; an sinh xã hội được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Bài và ảnh: ÐẶNG HẢI LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-tu-doi-moi-phong-cach-lanh-dao-post715961.html