Tạo động lực cho quan hệ phát triển ổn định và lành mạnh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5.5 - 10.5. Các chuyên gia nhận định rằng, chuyến công du lần đầu tiên tới châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc sau 5 năm qua sẽ định hình tương lai mối quan hệ giữa các bên, tạo động lực mới cho hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Global Times, Trung Quốc và EU là hai lực lượng chính thúc đẩy đa cực, hỗ trợ toàn cầu hóa, cũng như là hai nền văn minh lớn ủng hộ sự đa dạng. Do đó, các chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh trong quan hệ Trung Quốc - EU, tiếp thêm năng lượng cho sự phát triển toàn cầu.

Pháp - điểm nhấn của chuyến thăm

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Pháp diễn ra đúng dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - Pháp. Đây sẽ là dịp ôn lại những thành tựu trong quá khứ, vun đắp quan hệ hai nước và định hướng cho quan hệ song phương trong tương lai.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Tổng thống Pháp Macron trong chuyến công du của mình. Nguồn: Tân Hoa X

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hiện nay, Pháp đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc - EU. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Pháp trên thế giới, sau Đức, Bỉ và Italy.

Theo đó, chuyên gia về địa chính trị và địa lý nhân văn của Đại học Paris-VIII Pierre Picquart cho rằng, với truyền thống ngoại giao lâu đời và sự cởi mở trong quan hệ quốc tế đã đưa Pháp trở thành nước phương Tây lớn đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Do đó, việc chọn Pháp làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu đã nêu bật một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của hợp tác Trung Quốc - EU, cũng như cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với chủ nghĩa đa phương và ngoại giao đối thoại.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để trao đổi sâu sắc quan điểm về quan hệ giữa hai nước, quan hệ Trung Quốc - EU, cũng như các điểm nóng quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về phần mình, Pháp bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, Pháp muốn chứng tỏ rằng, quốc gia này là một trong những quốc gia lớn có thể duy trì các kênh liên lạc ở mọi cấp độ với Trung Quốc. Ngày 25.4, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Pháp đã đồng ý thiết lập một cơ chế hợp tác và đối thoại trên biển và trên không. Động thái này được xem là “một bước quan trọng” thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được.

Ông Lin Jian cho biết thêm, thông qua chuyến thăm này, Trung Quốc mong muốn được hợp tác với Pháp để phát huy truyền thống tốt đẹp của hai nước, đón nhận tương lai và tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, sự đoàn kết và hợp tác, để cùng nhau nâng cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực cho một mối quan hệ hợp tác lành mạnh nhằm đóng góp sự hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu.

Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Pháp tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh Zhao Yongsheng, Trung Quốc và Pháp có thể sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân và nông nghiệp. Ngoài ra, theo Reuters, hãng Airbus của Pháp cũng đang đàm phán với Trung Quốc về một đơn đặt hàng máy bay lớn đầy tiềm năng.

Tăng cường gắn kết tình hữu nghị với Serbia

Trung Quốc đang tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng và vai trò của Bắc Kinh với tư cách là “nhà đầu tư chiến lược” tại Serbia.

Theo đó, quan hệ đối tác Trung Quốc - Serbia lâu nay luôn được ca ngợi là mô hình xuất sắc trong khuôn khổ hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung, Đông Âu và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tình hữu nghị với Serbia có thể bắt nguồn từ sự gắn kết với các nước Nam Tư cũ, hai bên cùng theo đuổi con đường phát triển độc lập và có chung quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế.

Và lần đầu tiên sau 8 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới Serbia và có cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương cũng như các vấn đề nóng quốc tế, đồng thời thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ và đưa ra lộ trình tương lai cho quan hệ song phương.

Chủ tịch Diễn đàn Belgrade vì một Thế giới Bình đẳng Zivadin Jovanovic cho biết, nhân dịp này, một số thỏa thuận mới liên quan đến hợp tác trong tương lai dự kiến sẽ được hai bên ký kết. Qua đó, mở ra một giai đoạn hợp tác mới với các tiêu chuẩn đổi mới và chất lượng cao phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện chiến lược.

Về phần mình, ông Aleksandar Vucic bày tỏ sự tự hào về tình bạn "sắt son" với Trung Quốc. Trong đó, hợp tác thành công BRI giữa Trung Quốc và Serbia là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt này.

Chương mới trong hợp tác Trung Quốc - Hungary

Cũng trong chuyến công du lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hungagry, trùng với dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Hungary. Trong 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Hungary đã có được sự tôn trọng, hiểu biết, hỗ trợ và tin cậy lẫn nhau. Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên ký văn kiện hợp tác BRI với Trung Quốc, và vào năm 2017, hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Lin Jian cho biết, chuyến thăm quan trọng này sẽ nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, mở ra một chương mới trong tình hữu nghị và hợp tác Trung Quốc - Hungary, tạo động lực cho quan hệ Trung Quốc - EU. Qua đó mang lại các yếu tố ổn định và năng lượng tích cực cho một thế giới đang trong bối cảnh hỗn loạn.

Trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, Trung Quốc vào tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto khẳng định sự hợp tác Trung Quốc - Hungary là một thành công, và ông tin rằng chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là câu trả lời cho sự nỗ lực và năng lượng của Hungary để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Với sự quan tâm và định hướng chiến lược của lãnh đạo hai nước, sự kết nối Trung Quốc - Hungary sẽ ngày càng sâu sắc, hợp tác thực chất ngày càng phát triển.

Theo Tân Hoa Xã, cả hai nước đang phát huy sức mạnh tổng hợp sâu sắc của BRI với chính sách “Mở cửa về phía Đông” của Hungary. Từ các chuyến bay chở hàng trực tiếp giữa Budapest và các thành phố của Trung Quốc bao gồm Trịnh Châu và Ninh Ba, đến hoạt động hiệu quả của các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - EU, mạng lưới giao thông được tăng cường đã nâng cao đáng kể vị thế của Hungary như một trung tâm vận tải trong khu vực.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, mặc dù chuyến công du lần này khó có thể thay đổi động lực hiện tại giữa EU và Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tận dụng mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc như Pháp, xây dựng tình hữu nghị với các nước để khiến Trung Quốc trở nên “phù hợp hơn” ở châu Âu.

Như Ý (Theo Global Times, Tân Hoa Xã)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/tao-dong-luc-cho-quan-he-phat-trien-on-dinh-va-lanh-manh-i370280/