Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ Công đoàn

Tại diễn đàn thảo luận chuyên đề: 'Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế' diễn ra chiều 30/11, các đại biểu cho rằng nên có quy định, cơ chế sử dụng quỹ Công đoàn cho việc đối ngoại; đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối ngoại cho cán bộ Công đoàn.

Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế” là diễn đàn số 9 trong số 10 diễn đàn được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Diễn đàn thảo luận chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”

Các diễn đàn nhằm phát huy trí tuệ của đại biểu trong việc thảo luận, đề xuất, đóng góp các ý kiến sâu sắc để giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trực tiếp góp ý kiến tham luận tại diễn đàn, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chủ động đi đầu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Từ năm 2018-2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia và tổ chức 4 đoàn đại biểu dự Hội nghị ACT+1 tại các nước; tổ chức những hoạt động song phương đến thăm, làm việc với Công đoàn Giáo dục các nước cụ thể: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico…; tham gia nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn giáo dục Quốc tế…

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trình bày tham luận tại diễn đàn.

Từ những thách thức phía trước trên con đường hội nhập, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân đề xuất, Công đoàn Việt Nam nên có quy định, cơ chế sử dụng quỹ Công đoàn cho việc đối ngoại; hướng dẫn Quy chế để Công đoàn cơ sở tham gia quốc tế; có quy định sử dụng tài chính Công đoàn cho hoạt động công đoàn; có quy chế thật linh hoạt cho đoàn ra, đoàn vào hàng năm với trường hợp đặc biệt.

Đồng quan điểm, đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện nay hầu hết cán bộ đối ngoại đều là kiêm nhiệm. Để đáp ứng nhu cầu công tác đối ngoại thì việc kiện toàn nhân sự làm công tác đối ngoại là cần thiết, cán bộ đối ngoại phải là chuyên trách không kiêm nhiệm, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thường xuyên và phải có kinh phí, ngân sách dành cho hoạt động đối ngoại.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Nêu rõ thực trạng của địa phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết, hiện nay có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh với khoảng 2.000 doanh nghiệp FDI. Số lượng doanh nghiệp ngày một phát triển, nhất là doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

“Tuy nhiên, LĐLĐ tỉnh không có bộ máy làm công tác đối ngoại chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn chuyên sâu, năng lực ngoại ngữ hạn chế. Vì vậy việc trao đổi thông tin về hoạt động công đoàn giữa LĐLĐ tỉnh và đối tác quốc tế gia phải thông qua phiên dịch”, đồng chí Minh Ngọc bày tỏ.

Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn tham gia hội nhập quốc tế, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đề nghị triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối ngoại cho cán bộ Công đoàn nói chung, trong đó có cán bộ Công đoàn tỉnh Bắc Ninh.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Minh Ngọc trình bày tham luận tại diễn đàn.

Đồng thời xây dựng quan hệ hỗ trợ, giao lưu liên kết trong công tác đối ngoại giữa các đơn vị, địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác đối ngoại Công đoàn.

Là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nông nghiệp Việt Nam cũng đang có nhiều khởi sắc trong hoạt động đối ngoại. Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Đỗ Tiến Dũng chia sẻ, giai đoạn 2018 - 2023, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức 6 đoàn ra với 17 lượt cán bộ, đón 6 đoàn vào với 28 khách quốc tế; đăng cai tổ chức 3 hội nghị, hội thảo quốc tế...

Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Đỗ Tiến Dũng trình bày tham luận tại diễn đàn

Theo đồng chí Đỗ Tiến Dũng, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các diễn đàn quốc tế; phát huy vai trò quan trọng trong Công đoàn Nông Lâm quốc tế. Các hoạt động song phương đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với Công đoàn các nước, đồng thời từng bước mở rộng quan hệ với đối tác mới, khôi phục các mối quan hệ bị gián đoạn…

“Tuy nhiên, công tác hợp tác quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể: Cán bộ làm công tác đối ngoại của Công đoàn ngành chủ yếu là kiêm nhiệm; kỹ năng, kiến thức về công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại Nhân dân nói riêng cũng như trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác đối ngoại; nội dung, kinh phí cho công tác đối ngoại còn bị động…”, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nêu.

Để giải quyết những khó khăn, bất cập nêu trên, đồng chí Đỗ Tiến Dũng cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần kịp thời trang bị cho các cán bộ làm công tác đối ngoại có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực về chuyên môn và tham gia tốt các hoạt động của các tổ chức quốc tế, với các Công đoàn có cùng ngành nghề...

Quang cảnh diễn đàn

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đối ngoại; mở rộng đối tác, đa dạng hóa các hình thức thông tin đối ngoại phục vụ nhu cầu của ngành; chỉ đạo hoạt động tìm hỗ trợ, tài trợ từ quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong hợp tác quốc tế; gắn kết chặt chẽ hoạt động của Công đoàn với hoạt động của cơ quan chuyên môn.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-dao-tao-boi-duong-kien-thuc-doi-ngoai-cho-can-bo-cong-doan-163412.html