Tăng cường công tác xây dựng pháp luật

Về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, ngày 19/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 15/CĐ-TTg về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Xin quý báo cho biết về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật?

(Nguyễn Hải Anh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc xin trả lời như sau:

Về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, ngày 19/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 15/CĐ-TTg về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Công điện nêu, để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới và chuẩn bị tốt nhất các dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau:

- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, góp ý các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm (trong đó không được “chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” (điểm d khoản 2 Điều 9); tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và tiến độ trình các dự án, dự thảo VBQPPL.

- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo VBQPPL tập trung chỉ đạo:

Chuẩn bị đầy đủ về thành phần hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo VBQPPL và các tài liệu trong hồ sơ;

Tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của văn bản;

Tăng cường truyền thông chính sách ngay trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL để tạo sự đồng thuận của xã hội, của Nhân dân và bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân, DN tham gia có chất lượng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL;

Chú trọng rà soát nội dung dự án, dự thảo với các VBQPPL có liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định trong VBQPPL hiện hành và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân;

Tập trung rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các dự thảo VBQPPL; đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết tạo thuận lợi cho người dân, DN.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát các nhiệm vụ xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL được giao trong năm 2024, chủ động đề xuất các nội dung cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật hàng tháng…

Đ.P

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-cuong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-371780.html