Tại sao môi bạn bị sưng khi vừa thức dậy?

Sưng môi khi ngủ dậy là tình trạng khá phổ biến ở người lớn và trẻ nhỏ.

Sưng môi thường kéo dài và kết thúc trong vài ngày hoặc vài tuần. Dưới đây là một số nguyên nhân gây sưng môi sau khi ngủ dậy:

Phản ứng dị ứng

Tinh trạng sưng môi sau khi ngủ dậy nguyên nhân chính có thể do phản ứng dị ứng một số loại thực phẩm, thuốc hoặc vết cắn, vết đốt của côn trùng.

Một số thực phẩm dễ gây ra phản ứng dị ứng bao gồm: sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt, các loại cá, các loại hạt, động vật giáp xác, đậu nành, lúa mì. Ngoài ra, cũng cần chú ý một số loại gia vị như ớt cay, cây hồi, rau cần tây, rau mùi, rau thì là.

Sưng môi có thể do dị ứng các loại thực phẩm, thuốc, dị ứng cơ địa,...

Dị ứng với một số loại thuốc cũng có thể khiến sưng môi sau khi ngủ dậy. Penicillin và các loại kháng sinh khác là một trong những loại thuốc phổ biến gây ra các phản ứng dị ứng.

Bên cạnh đó, mề đay vô căn có thể gây ra tình trạng sưng môi. Đây là một dạng dị ứng cơ địa rất khó chẩn đoán và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Tình trạng da và nhiễm trùng

Theo Kenneth M.Kaye, thạc sĩ tại Đại học Y dược Harvard, sưng môi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng Herpes gây ra bọng nước lớn trên môi.

Ngoài ra, tình trạng sưng môi trên còn do mụn nhọt hoặc mụn nang gây nên. Mụn nang là loại mụn nghiêm trọng nhất có thể gây nhiễm trùng và để lại sẹo trên môi.

Sưng môi cũng có thể do bị cháy nắng nghiêm trọng. Những ảnh hưởng của cháy nắng trên môi và những nơi khác thường giảm dần trong vài ngày.

Một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn phổ biến được gọi là viêm mô tế bào có thể gây sưng môi hoặc sưng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nếu bị nhiễm trùng.

Tình trạng sưng môi trên còn do mụn nhọt hoặc mụn nang gây nên.

Do cơ và thần kinh

Một loạt các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ trên khuôn mặt cũng có thể khiến chúng ta bị sưng môi sau khi ngủ dậy.

Ví dụ như tình trạng loạn trương lực cơ hay xảy ra với những người chơi kèn trumpet và các nhạc công khác - những người dành hàng giờ để mím môi khi chơi nhạc cụ.

Bên cạnh đó, hội chứng Melkersson-Rosenthal là một tình trạng thần kinh hiếm gặp, gây sưng ở môi và mặt cũng như tê liệt một số cơ.

Gặp vấn đề về nha khoa

Tình trạng sưng môi trên có thể xảy ra do phương pháp niềng răng, phương pháp chỉnh nha, sưng nướu, mọc răng khôn, nhiễm trùng nướu,...

Ung thư môi tuy không phổ biến nhưng cũng có thể gây sưng tấy. Tuy nhiên, ung thư môi thường có biểu hiện đầu tiên là vết loét ở bên ngoài hoặc bên trong môi.

Do chấn thương

Các nguyên nhân gây sưng môi sau khi ngủ dậy có thể là do chấn thương từ va đập, thói quen cắn môi, ung thư môi, u nang ở môi và có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

Ngoài ra, ngủ ở tư thế khó chịu hoặc ngủ dựa vào bề mặt cứng có thể gây áp lực lên môi, gây sưng tạm thời trong khi ngủ.

Chườm lạnh là một trong những biện pháp đơn giản để giảm viêm, sưng môi.

Những biện pháp giảm sưng môi

Chườm lạnh bằng cách bọc một viên đá trong tấm vải mỏng và đặt lên vết sưng để giảm viêm, sưng môi. Bạn nên tránh để đá tiếp xúc trực tiếp với môi vì sẽ dễ bị bỏng lạnh cho môi.

Rửa sạch môi và thoa mật ong lên môi để từ 10 - 15 phút để tăng khả năng kháng khuẩn và làm lành các vết sưng đỏ rất hiệu quả.

Chườm túi trà đen hoặc thoa trà đen đã lọc để nguội và được làm mát sẽ giảm tổn thương trên môi, giảm sưng, kháng viêm và kháng khuẩn.

Nếu tình trạng sưng môi là do cháy nắng thì người bệnh có thể sử dụng kem dưỡng da lô hội.

Bên cạnh đó, nếu môi khô, nứt nẻ thì cần phải dưỡng ẩm môi thường xuyên bằng một số loại son dưỡng.

My Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-sao-moi-ban-bi-sung-khi-vua-thuc-day-ar835318.html