Vaccine: Sự thật và 'thuyết âm mưu'

Vaccine không chỉ là lá chắn đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh ở mỗi cá nhân, mà còn ngăn virus/vi khuẩn lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, việc điều chế, phát triển và phân phối vaccine lại luôn gặp vấn đề. Tuần lễ Tiêm chủng thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động (từ ngày 24 đến 30/4/2024) nhân dịp kỷ niệm 50 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, qua đó kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và các chính phủ đoàn kết để thúc đẩy việc sử dụng vaccine rộng rãi, bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật.

Theo WHO, mỗi năm thế giới có hơn 2,5 triệu người tử vong do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine. Vaccine là phát minh vĩ đại của nhân loại, tiêm chủng vaccine là phương pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cộng đồng với chi phí thấp.

Trong phòng điều chế vaccine của Đại học Oxford.

Trong phòng điều chế vaccine của Đại học Oxford.

Thành tựu y học quan trọng nhất thế kỷ 20

Vaccine không phải là một phát minh mới của y học, đã ra đời cách đây hơn 200 năm. Vào cuối thế kỷ 18, khi đậu mùa khỉ vẫn còn là cơn ác mộng đáng sợ đã tước đi tính mạng của hơn 400.000 người dân châu Âu mỗi năm, thì bác sĩ Edward Jenner là người đã đặt nền móng cho tiêm chủng giúp chặn đứng nhiều đại dịch từng trở thành “cái chết đen” trong lịch sử nhân loại.

Vaccine truyền thống là chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh, được bào chế nhằm đảm bảo độ an toàn cần thiết cho người sử dụng, đưa vào cơ thể con người nhằm kích thích hệ miễn dịch của con người sản sinh kháng thể chủ động phòng ngừa bệnh tật. Khoảng 80 - 95% người được tiêm vaccine sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.

Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Trước hết, tiêm vaccine là để bảo vệ bản thân, kế đến là bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng, xã hội.

Những thành quả mà vaccine mang lại kể từ khi ra đời đến nay là không thể phủ nhận. Trước tiên phải kể đến bệnh đậu mùa. Trong hàng nghìn năm, bệnh đậu mùa là một bệnh nhiễm trùng gây nên tai họa cho toàn thế giới với tỷ lệ tử vong lên đến 30% và những ai sống sót qua vụ dịch thì cũng để lại dị tật trên mặt hay mù lòa suốt đời. Bệnh do virus variola gây ra.

Phương pháp ngăn ngừa bệnh đậu mùa mắc phải tự nhiên gọi là “chủng đậu mùa - variolation” bắt nguồn từ Ấn Độ từ trước năm 1000 sau Công nguyên, lan sang Trung Quốc, Tây Á và vào châu Âu từ khoảng năm 1721. Tuy nhiên kết quả là rất hạn chế. Cho đến năm 1967, chiến dịch tiêm chủng được WHO bắt đầu, kéo dài khoảng 10 năm mới thực sự thành công. Do đó, mặc dù ước tính 300 triệu người đã chết vì bệnh đậu mùa trong thế kỷ 20, nhưng không ai chết vì virus variola kể từ năm 1978.

Tới năm 1980, WHO tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên đã được thanh toán trên phạm vi toàn thế giới bằng một chương trình tiêm chủng.

Kế đó là bệnh bại liệt, do virus polio gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Virus xâm nhập vào hệ thần kinh, có thể gây tê liệt hoặc thậm chí tử vong chỉ trong vài giờ. Cứ 200 người nhiễm bệnh bại liệt thì có 1 người bị liệt không hồi phục (thường liệt chân) và có khoảng 5 - 10% tử vong do liệt cơ hô hấp.

Sau chiến thắng toàn cầu trước bệnh đậu mùa, chương trình xóa sổ bệnh bại liệt đã được WHO và một số nhà tài trợ khởi xướng. Việc phát triển vaccine chống lại bệnh bại liệt là một thành tựu quan trọng trong lịch sử vaccine. Số ca bệnh bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 95% vào năm 2000. Virus bại liệt hoang dã đã bị loại trừ ở tất cả các quốc gia.

Tới nay, các chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới ghi nhận là đã kiểm soát được ít nhất 10 bệnh truyền nhiễm lớn, ngoài đậu mùa và bại liệt, là: sởi, quai bị, rubella, thương hàn, uốn ván, bạch hầu, ho gà, cúm, sốt vàng và bệnh dại. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), tiêm chủng đứng đầu trong danh sách 10 thành tựu y tế công cộng vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Vận chuyển vaccine tại sân bay Changi của Singapore.

Vận chuyển vaccine tại sân bay Changi của Singapore.

Những dấu mốc quan trọng

Việc thực hành tiêm chủng đã có từ hàng trăm năm trước. Nhiều nhà tu hành được cho là đã uống nọc độc của rắn để tạo ra khả năng miễn dịch đối với vết rắn cắn, từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hoạt động đơn lẻ mang nhiều rủi ro.

Năm 1796, với thành công của bác sĩ Edward Jenner, được coi là người sáng lập vaccine tăng khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa. Thì 2 năm sau (năm 1798), vaccine đậu mùa đầu tiên được phát triển. Trong thế kỷ 18 và 19, việc thực hiện một cách có hệ thống việc tiêm chủng bệnh đậu mùa hàng loạt đã lên đến đỉnh điểm trong việc xóa sổ toàn cầu vào năm 1979.

Tiếp sau Edward Jenner, các thí nghiệm của Louis Pasteur trên thực tế đã mở ra sự phát triển của vaccine dịch tả và vaccine bệnh than (lần lượt là năm 1897 và 1904). Vaccine bệnh dịch hạch cũng được phát minh vào cuối thế kỷ 19.

Năm 1923, Alexander Glenny hoàn thiện một phương pháp làm bất hoạt độc tố uốn ván bằng formaldehyde. Phương pháp tương tự đã được sử dụng để phát triển vaccine phòng bệnh bạch hầu vào năm 1926. Việc phát triển vaccine ho gà mất nhiều thời gian hơn, cho đến năm 1948 mới được cấp phép sử dụng ở Mỹ.

Trong khi đó, các phương pháp nuôi cấy mô virus được phát triển từ năm 1950-1985 và dẫn đến sự ra đời của vaccine bại liệt Salk (bất hoạt) và vaccine bại liệt Sabin (uống giảm độc lực sống). Hiện nay, tiêm chủng bại liệt hàng loạt đã loại trừ được căn bệnh này từ nhiều khu vực trên thế giới. Các chủng sởi, quai bị và rubella suy yếu đã được phát triển để đưa vào vaccine.

Đặc biệt, với công nghệ mARN, việc phát triển vaccine (trong đại dịch Covid-19, tính từ đầu năm 2020 đến cuối 2022) đã nhanh hơn nhiều lần và cũng hiệu quả hơn; được coi là bước ngoặt quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực y tế dự phòng hiện đại.

Tiêm chủng cho trẻ em ở Guidan-Roumdji (Niger).

Tiêm chủng cho trẻ em ở Guidan-Roumdji (Niger).

Người đặt nền móng cho ngành tiêm chủng

Năm 1796, Edward Jenner (1749-1823), một bác sĩ người Anh sống ở Berkeley (Gloucestershire) đã tìm ra một giải pháp thay thế an toàn hơn cho “chủng đậu”, từ đó ông được biết đến như là cha đẻ của ngành tiêm chủng. Ông đã lấy mủ từ một vết thương đậu mùa trên tay của một người phụ nữ vắt sữa bò (những người thường xuyên bị mắc bệnh đậu bò, tương tự bệnh đậu mùa ở người nhưng các triệu chứng nhẹ hơn nhiều) để tiêm cho một cậu bé 8 tuổi, James Phipps.

Hệ thống miễn dịch của con người giống như một thư viện - nó lưu trữ thông tin mọi loại virus, vi khuẩn từng bị đánh bại. Người ta gọi đây là trí nhớ miễn dịch. Các kháng thể có nhiệm vụ “tuần tra” trong máu. Nếu gặp phải mầm bệnh thực sự trong tương lai, hệ thống miễn dịch sẽ nhanh chóng kích hoạt các tế bào trí nhớ và tạo ra kháng thể để đánh bại chúng. Điều này thường xảy ra trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Vaccine chính là cách huấn luyện cho hệ miễn dịch nhận biết và khoanh vùng, tiêu diệt virus gây bệnh.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, các nhà khoa học đã phát triển nhiều loại vaccine như: Vaccine bất hoạt (bao gồm các tác nhân gây bệnh được nuôi cấy, sau đó làm chúng mất khả năng gây bệnh. Mặc dù các tác nhân gây bệnh đã chết, nhưng kháng nguyên vẫn còn. Sau khi tiêm vaccine bất hoạt, hệ miễn dịch của cơ thể vẫn hoạt động tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật. Thành tựu mới nhất là vaccine mRNA. Không giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống bệnh truyền nhiễm như các loại vaccine thông thường khác, vaccine mRNA dạy các tế bào tạo ra một loại protein kích thích miễn dịch tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh. Ngoài ra còn có vaccine sống giảm độc lực, vaccine tái tổ hợp, vaccine giải độc tố, vaccine vector virus…

Sau đó, ông còn tiến hành 11 thí nghiệm tương tự. Nguyên tắc là lấy vi trùng từ động vật mắc bệnh và làm cho virus yếu đi, sau đó tiêm vào cơ thể người qua đường máu.

Theo Jenner, khi loại vi khuẩn bị suy yếu được tiêm vào người, cơ thể sẽ tự phát sinh ra một yếu tố kháng lại bệnh đó. Vì thế, những người đã được tiêm sẽ không mắc bệnh đậu mùa nữa. Ông không những áp dụng phương pháp này cho cậu bé James Phipps cùng 11 trường hợp khác mà còn áp dụng ngay trên cả chính con trai ông. Ông khẳng định rằng, bệnh thủy đậu bảo vệ con người khỏi sự lây nhiễm bệnh đậu mùa và đặt nền móng cho vaccine hiện đại.

Khám phá của Jenner phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức về phong tục tập quán của cộng đồng nông nghiệp địa phương khi nhận thấy những người vắt sữa bị nhiễm bệnh đậu mùa, có thể nhìn thấy như mụn mủ trên tay hoặc cẳng tay, miễn dịch với những đợt dịch đậu mùa tiếp theo xảy ra.

Hơn nữa, Jenner đã áp dụng các phương pháp quan sát và thử nghiệm khoa học. Do đó, ông đưa ra một giải pháp thay thế cho sự thay đổi (việc truyền mủ có kiểm soát từ tổn thương đậu mùa hoạt động của một người sang cánh tay của người khác, thường là tiêm dưới da), đã được thực hiện ở châu Á từ những năm 1600 và ở châu Âu và châu Mỹ thuộc địa đầu những năm 1700.

Nhà nữ khoa học đứng sau công nghệ mRNA

Cuộc đời Kariko Katalin không có từ dễ dàng, nhưng đó là một câu chuyện về niềm tin vô điều kiện vào một ý tưởng có thể làm thay đổi cả thế giới. Katalin Kariko là một trong những người đầu tiên phát minh ra mRNA - công nghệ được sử dụng trong việc điều chế các loại vaccine ngừa Covid-19 tân tiến nhất thế giới.

Bà cũng là hình mẫu người phụ nữ đã vượt qua rào cản của bệnh tật và đau khổ, đơn độc trên hành trình tìm ra công nghệ mRNA, không chỉ tạo ra loại những vaccine Covid-19 hết sức hiệu quả mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Katalin Kariko sinh năm 17/1/1955 ở thị trấn Kisujszallas (Hungary) trong một gia đình làm nghề bán thịt. Sự yêu mến bộ môn sinh học thôi thúc, trong hoàn cảnh nghèo khó, bà đã dốc hết tâm trí cho việc học tập với mong ước đổi đời.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Kariko tiếp tục học lên tiến sĩ, rồi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học thuộc Học viện Khoa học Hungary ở Szeged. Bà theo đuổi công nghệ mRNA từ lúc còn là sinh viên đến khi trở thành nhà nghiên cứu hóa sinh. Nhưng do chi phí quá tốn kém, nên đến đầu những năm 1980, học viện đã phải ngưng tài trợ tiền cho các chương trình nghiên cứu của bà.

Kariko Katalin đã sớm nhận ra mRNA có chức năng truyền đạt thông tin quy định cấu trúc của protein, nó nắm tất cả bí quyết tạo ra hàng tỉ tỉ protein trong cơ thể con người. Vì vậy, bà tin chắc nó sẽ có tác động rất lớn đến thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, hành trình nghiên cứu mRNA của Kariko không dễ dàng.

Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Kariko còn nhận rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi 30, Kariko phải đi nhiều nước châu Âu để tìm việc làm, nhưng bất thành. Đến năm 1985, vợ chồng bà quyết định dốc sạch túi, bán hết những tài sản có giá trị cùng con gái vượt Đại Tây Dương, đến Mỹ.

Thời gian đầu ở Mỹ, Kariko được nhận vào làm trợ lý cho tiến sĩ Elliot Barnathan tại Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, công việc này không giúp bà có được tài trợ để tiếp tục nghiên cứu mARN. Mọi thứ ngày càng xấu đi sau khi tiến sĩ Barnathan rời Đại học Pennsylvania, và Kariko rơi vào cảnh khánh kiệt cả tiền trợ cấp lẫn công cụ nghiên cứu.

10 năm sau khi đến Mỹ đã trở thành quãng thời gian tồi tệ nhất trong đời của Katalin Kariko, khi bà vừa bị sa thải từ Đại học Pennsylvania, vừa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. 3 năm sau đó, năm 1998, bà đi photo tài liệu thì gặp giáo sư miễn dịch học Drew Weissmen. Trong lúc chờ photo, Kariko đã kể cho Weissmen về mRNA. Giáo sư Weissmen nhận ra đó là một nguồn tri thức vô giá. Ông quyết tâm đầu tư tiền của, cộng tác với Kariko để cùng phát triển mRNA trong lĩnh vực y sinh học.

Nhiều tạp chí khoa học đã từ chối đăng tải công trình của Kariko và Weissmen, vì cho rằng quá phi lý. Tuy nhiên, sự kiên trì không biết mệt mỏi của hai nhà nghiên cứu cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2005, Kariko và Weissman đạt được một bước đột phá lớn, khi họ lần đầu tiên đưa mRNA tổng hợp vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.

Công trình của họ nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà sinh học tế bào gốc Canada Derrick Rossi, người sau này đã góp phần sáng lập hãng dược Moderna và đối tác tương lai của Pfizer, BioNTech.

Công nghệ mRNA được các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna áp dụng triệt để trong việc điều chế vaccine Covid-19. Khi nói về thành tựu phi thường này, Kariko Katalin cho biết, nó đã lấy đi của bà 30 năm cuộc đời cũng như đem đến rất nhiều tai họa. “Nhưng dù thế thì cũng đáng” - bà Katalin nói.

Vaccine và “thuyết âm mưu”

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, thông tin lan truyền rất nhanh chóng. Thật không may, thông tin sai lệch cũng vậy. Những hiểu lầm về vaccine có thể bắt đầu từ một tin đồn đơn giản, một sự hiểu sai khái niệm, hoặc thậm chí là sự tuyên truyền thông tin sai lệch một cách có chủ đích.

Những thông tin sai lệch này có thể dẫn đến sợ hãi và nhầm lẫn, và trong một số trường hợp, dẫn đến sự bùng phát của các bệnh mà con người lẽ ra đã kiểm soát được. Nếu như vaccine và tiêm chủng được coi là thành tựu y học vĩ đại của thế kỷ 20, thì cũng lại có một luồng ý kiến chống lại, mà giới khoa học chân chính gọi là “thuyết âm mưu”.

Đầu tiên, không ít người cho rằng vaccine gây ra chứng tự kỷ. Quan điểm sai lầm này bắt đầu với một nghiên cứu thiếu sót được công bố vào năm 1998 mà sau đó đã bị rút lại do các lỗi nghiêm trọng và các vấn đề đạo đức. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu sâu rộng liên quan đến hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đã không tìm thấy mối liên hệ giữa vaccine và chứng tự kỷ.

Ý kiến dạng này cũng cho rằng miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch do vaccine tạo ra. Tuy nhiên mắc một căn bệnh nào đó đôi khi có thể giúp tạo ra sự miễn dịch, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, ngoài ra có thể đi kèm với những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Ví dụ, mắc bệnh thủy đậu có thể giúp chúng ta miễn dịch suốt đời, nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da hoặc viêm phổi. Trong khi đó, vaccine cung cấp sự bảo vệ tương tự mà không có nguy cơ bị bệnh nặng.

Chưa hết, nhiều người còn cho rằng vaccine chứa các thành phần có hại, thực tế thì vaccine chứa các thành phần cần thiết để giữ cho chúng hiệu quả và an toàn. Một số thành phần nghe có vẻ đáng sợ, như formaldehyde và thủy ngân.

Tuy nhiên, lượng formaldehyde trong vaccine rất nhỏ - trên thực tế, thấp hơn nhiều so với lượng cơ thể chúng ta tự tạo ra mỗi ngày. Hầu hết các loại vaccine không có thủy ngân và thimerosal, một dạng thủy ngân, vì đã được loại bỏ khỏi tất cả các loại vaccine dành cho trẻ em vào năm 2001.

Một suy đoán nguy hiểm nữa khi cho rằng vaccine làm suy yếu hệ miễn dịch của con người. Nhưng thực tế cho thấy, vaccine đã luyện cho hệ thống miễn dịch của con người mạnh mẽ hơn; bằng cách được làm quen với một phiên bản vô hại của virus hoặc vi khuẩn, hệ miễn dịch học cách bảo vệ chống lại chúng. Với cách đó, nếu không may gặp phải virus hay vi khuẩn thực, cơ thể sẽ biết làm gì để chống lại.

Nói như tiến sĩ Kariko Katalin - người đứng sau công nghệ mRNA, cũng là người có công rất lớn trong việc điều chế vac-cine ngừa Covid-19 thì những “thuyết âm mưu” vô căn cứ đó chỉ khiến cho con người mong manh hơn trước sự đe dọa của dịch bệnh mà thôi.

Ngày 7/5, Hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo hãng bắt đầu thu hồi vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới vì hiện nay "dư thừa các loại vaccine hiệu chỉnh sẵn có" đối với dịch bệnh này. AstraZeneca cũng cho biết, hãng này cũng sẽ rút lại giấy phép tiếp thị vaccine Vaxzevria ở châu Âu. Thông báo của AstraZeneca nêu rõ: “Do nhiều phiên bản vaccine đã được phát triển để phòng ngừa các biến thể của virus gây bệnh Covid-19, nên hiện nay dư thừa các vaccine hiệu chỉnh sẵn có". Hiện tại, AstraZeneca đang đối mặt vụ kiện tập thể, trong đó vaccine do hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển này kết hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển bị cho là gây tử vong và thương tật nghiêm trọng đối với hàng chục người dùng. Mặc dù phản đối cáo buộc, song trong một tài liệu pháp lý trình lên Tòa Thượng thẩm của Anh hồi tháng 2 vừa qua, hãng thừa nhận rằng trong những trường hợp rất hiếm gặp, vaccine có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS).

PHAN QUANG VŨ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vaccine-su-that-va-thuyet-am-muu-10279977.html