Sự thật phía sau vụ Nga đình chỉ thỏa thuận plutonium trả đũa Mỹ

Tổng thống Nga ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận về hợp tác an toàn hạt nhân song phương được thiết lập từ năm 2000. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một đòn trả đũa nặng nề nhắm vào Mỹ.

Ngày 3/10/2016, nga y sau khi Washington tuyên bố ngừng đàm phán với Moscow trong vấn đề Syria do ngừng bắn không thể vãn hồi tại Aleppo, Tổng thống Nga ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận về hợp tác an toàn hạt nhân song phương được thiết lập từ năm 2000, RFI cho biết.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một đòn trả đũa nặng nề nhắm vào Mỹ . Một số người thậm chí khẳng định đây là dấu hiệu của sự trở lại của kỷ nguyên "Chiến tranh Lạnh" Mỹ-Nga. Tuy nhiên, trong giới chuyên gia về hạt nhân hay giới ngoại giao Nga cũng có một số đánh giá khác về vụ đình chỉ thỏa thuận hạt nhân nói trên.

"Washington-Moscow: Băng giá" là tựa đề bài nhận định trên Le Figaro (ngày 5/10/2016). Tác giả nhận xét việc Hoa Kỳ quyết định ngừng thương thuyết với Nga vừa qua, thực ra chỉ là hành động chính thức thừa nhận thất bại của quá trình đàm phán vốn đã chết ngay từ khi Moscow khởi sự cuộc chiến tổng lực nhằm lấy lại thành phố thứ hai của Syria, thủ phủ của lực lượng nổi dậy.

Việc Nga đình chỉ thỏa thuận phối hợp xử lý nguyên liệu plutonium dùng cho mục tiêu quân sự (gọi tắt là PMDA), mở một sân bay thứ hai tại Syria hay đình chỉ một thỏa thuận hợp tác khoa học về hạt nhân khác, tất cả chỉ trong ba ngày đầu tuần thực ra nằm trong một chuỗi những hành động lấn tới của Moscow trong bối cảnh chính quyền Obama chủ trương kiềm chế, hạn chế tối đa việc can thiệp quân sự tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là tại Syria.

Quyết định đặt Mỹ, Nga vào thế xung đột công khai

Đối với chuyên gia luật người Pháp, gốc Nga, bà Karine Bechet-Golovko, quyết định ngừng thực thi thỏa thuận tiêu hủy lượng plutonium quân sự tồn dư - và gắn liền việc áp dụng trở lại thỏa thuận với các điều kiện mà Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây không thể thực hiện được – cho thấy Moscow đang đặt mình vào thế đối đầu với Washington trong một xung đột địa chính trị, mà sẽ chỉ có một bên thắng, một bên thua.

Theo thỏa thuận PMDA được ký năm 2000, dự kiến chương trình sẽ khởi sự kể từ 2018, Hoa Kỳ và Nga có trách nhiệm phối hợp xử lý mỗi bên 34 tấn nguyên liệu plutonium - đã được làm giàu đủ để dùng cho mục tiêu quân sự. Đây là một khối lượng plutonium khổng lồ, ước tính đủ dùng cho 17.000 vũ khí hạt nhân.

Về nguyên tắc, việc hai siêu cường hạt nhân đạt thỏa thuận về vấn đề này đã làm giảm nhẹ rất lớn nguy cơ kho nguyên liệu hạt nhân plutonium này bị đánh cắp hay sử dụng sai mục đích. Việc đình chỉ thỏa thuận có thể để ngỏ một tương lai bất định.

Tuy nhiên, về việc thỏa thuận hạt nhân PMDA bị Nga đình chỉ, điều được coi là bất ngờ với công luận và để ngỏ một viễn cảnh đen tối đối với thế cân bằng hạt nhân chiến lược Mỹ-Nga hiện nay, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Jonathan Marshall, có bài "Thỏa thuận plutonium không ai tiếc", đưa ra một đánh giá khác.

Theo nhà nghiên cứu, trên thực tế, thỏa thuận PMDA vốn đã rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ về mặt tài chính và kỹ thuật, đối với cả hai phía. Riêng về phía Hoa Kỳ, về mặt tài chính, kế hoạch biến plutonium dùng cho mục tiêu quân sự thành nhiên liệu plutonium dùng sản xuất điện dân sự - qua việc pha chế với uranium để tạo thành nhiên liệu hạt nhân ô xít hỗn hợp (MOX) – ban đầu ước tính hơn 3 tỷ USD, nhưng nay đã vọt lên 30 tỷ USD.

Từ nhiền năm nay, một phương án xử lý khác đã được Hoa Kỳ tính tới, rẻ hơn (khoảng 9 tỷ USD) và dễ thực thi hơn về kỹ thuật, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để áp dụng phương án mới, hai bên phải đàm phán lại.

Thỏa thuận ít quan trọng nhất

Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Jonathan Marshall, tổng thống Nga đã sử dụng việc đình chỉ một thỏa thuận đang lâm vào bế tắc như một biện pháp nhất cử lưỡng tiện. Một mặt, để gửi đến Hoa Kỳ và quốc tế một thông điệp mang tính cứng rắn, nhưng mặt khác, một biện pháp như vậy trên thực tế không để lại những hệ quả tồi tệ nào thêm cho quan hệ vốn đã xuống dốc giữa Nga và Mỹ.

Nhà phân tích Andrei Baklitsky, làm việc tại một trung tâm tâm độc lập về quan hệ quốc tế tại Nga PIR, được Sputnik, mạng truyền thông chính thức của nhà nước Nga dẫn lời, cũng cho rằng Moscow đã chọn đình chỉ một thỏa thuận ít quan trọng nhất trong số các hiệp định và thỏa thuận về an ninh hạt nhân, để bày tỏ thái độ bất bình với Mỹ. Ông bảo đảm là "chắc chắn sẽ không có thêm bất cứ thỏa thuận nào (về an ninh hạt nhân) bị đình chỉ".

Chuyên gia trung tâm PIR nhấn mạnh là chính quyền Nga đã xem xét rất kỹ lưỡng, để biết là thỏa thuận nào có thể hy sinh, thỏa thuận nào là không thể xâm phạm… bởi điều này có lợi cho cả Nga và Hoa Kỳ… PMDA là một thỏa thuận chưa hề được áp dụng, hoàn toàn khác với Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến Lược START (Strategic Arms Reduction Treaty).

Về lý do kỹ thuật của việc đình chỉ PMDA, cựu đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko giải thích chi tiết hơn. Theo ông, trong thỏa thuận này, chính Hoa Kỳ đã đơn phương tiến hành việc thay đổi phương án với lý do tài chính và để tiết kiệm thời gian. Quyết định của Hoa Kỳ không bảo đảm là nguyên liệu plutonium thực sự được tiêu hủy, và quá trình này có thể bị đảo ngược. Trong khi đó, phía Nga đã gần như kết thúc việc xây dựng các cơ sở đắt giá theo thỏa thuận.

Cánh cửa ngoại giao để ngỏ

Trong vụ việc này, một điều cũng đáng chú là, về mặt ngoại giao, vẫn theo Sputnik, trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin lớn tiếng đe dọa Washington với sắc lệnh đình chỉ PMDA, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tỏ ra mềm mỏng. Ông nhấn mạnh, hoàn toàn khác với quá khứ, hiện nay giữa Nga và phương Tây không có sự khác biệt về ý thức hệ.

Theo ông Lavrov, Nga và các quốc gia phương Tây cùng chia sẻ các nguyên tắc làm nền tảng cho khối OSCE (Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu) và Liên Hiệp Quốc. Các nguyên tắc chung đó có thể tóm lại là sự phát triển dân chủ của xã hội.

Báo Sputnik khẳng định, giới quân sự và chuyên gia chính trị Nga cho rằng không có dấu hiệu gì cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và đụng độ vũ trang giữa Nga và Mỹ là không thể xảy ra.

Về quyết định của chính quyền Nga đơn phương đình chỉ thỏa thuận hạt nhân PMDA, để trả đũa Hoa Kỳ, những đánh giá là hết sức trái chiều. Có quan điểm cho rằng quyết định này đẩy Nga và Mỹ vào thế đối đầu, viễn cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là nhãn tiền.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định PMDA chỉ là một thỏa thuận không hề quan trọng trong số các thỏa thuận và hiệp định an ninh hạt nhân làm nền tảng cho quan hệ Nga - Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh, và điều này không ảnh hưởng gì đến thế cân bằng hạt nhân giữa hai siêu cường.

Đình chỉ một thỏa thuận hạt nhân trên thực tế đang lâm vào bế tắc với việc đổ lỗi hoàn toàn cho Hoa Kỳ, phải chăng là một đòn tâm lý mới của tổng thống Putin vừa để trấn an công luận trong nước, vừa để kéo lạc sự chú ý của công luận quốc tế, đúng vào lúc các trận oanh kích tàn khốc của không quân Nga nhắm vào Syria tại thành phố Aleppo đang diễn ra trước mắt toàn thế giới?

Trọng Thành

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/su-that-phia-sau-vu-nga-dinh-chi-thoa-thuan-plutonium-tra-dua-my-2063051.html