Tăng Abrams thành 'con mồi' của UAV Nga trên chiến trường Ukraine

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ viện trợ cho Ukraine đã trở thành 'con mồi' trước vũ khí chống tăng giá rẻ của Nga, nhất là UAV, buộc Mỹ phải lệnh cho Ukraine rút loại xe tăng này ra khỏi chiến trường Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams được mệnh danh là xe tăng mạnh nhất của Mỹ và cũng được coi là xe tăng hạng nặng tốt nhất thế giới. Sau khi Mỹ bàn giao xe tăng Abrams cho Ukraine, giới quan sát cho rằng, Ukraine có thể sử dụng những chiếc xe tăng này để tạo dựng tên tuổi trên chiến trường Nga-Ukraine.

Nhưng trái với những gì kỳ vọng và dự đoán, xe tăng Abrams đã trở thành "con mồi" săn đuổi cho UAV của Nga. Cách đây vài ngày, truyền thông Mỹ dẫn lời hai quan chức nước này cho biết, do sự đe dọa từ UAV Nga trên tiền tuyến với những vũ khí hạng nặng nên Quân đội Ukraine đã rút xe tăng Abrams khỏi chiến trường.

Vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã giao 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, nhưng cho đến nay, Quân đội Ukraine đã mất 7 chiếc trong số này. Mặc dù Quân đội Ukraine đã rất chú ý đến công tác bảo mật và liên tục cơ động trên khu vực chiến tuyến, nhưng cũng không mang lại nhiều kết quả.

Các loại vũ khí hạng nặng của Ukraine, trong đó có xe tăng, nếu bị quân Nga phá hủy, sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng phòng thủ ở tiền tuyến của họ. Hơn nữa, ngay cả khi chiếc Abrams bị hỏng hóc, thì đó cũng không phải là vấn đề mà Ukraine có thể khắc phục được.

Thứ nhất, các loại vũ khí tiên tiến như xe tăng Abrams phải có dây chuyền sửa chữa chuyên dụng. Xe tăng Abrams của Ukraine do Mỹ viện trợ đương nhiên không có cách nào sửa chữa được ở Ukraine. Còn nếu vận chuyển về Mỹ để sửa chữa, thì việc đi về sẽ rất mất thời gian, mà Ukraine đang rất cần vũ khí lúc này.

Thứ hai, với tư cách là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, dù Ukraine có giống các nước phương Tây đến đâu, thì cũng không thể phủ nhận rằng, ngành công nghiệp quốc phòng hiện tại của Ukraine vẫn kế thừa từ Liên Xô. Do vậy việc bảo trì xe tăng có nguồn gốc phương Tây đương nhiên là khó khăn.

Thứ ba, ngay cả khi Ukraine thực sự có thể sửa chữa được, thì năng lực sản xuất quốc phòng hiện tại của nước này cũng không đáp ứng được yêu cầu. Lý do là việc Nga tăng cường phá hủy hạ tầng năng lượng và nhà máy quốc phòng của Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất quốc phòng của Ukraine.

Vì vậy, dù là xe tăng Abrams hay các loại vũ khí cao cấp khác được Mỹ và phương Tây hỗ trợ cho Ukraine, rất có thể chúng chỉ là “vũ khí tiêu hao”, dùng một lần trên chiến trường Ukraine. Điều này chúng ta có thể thấy rõ, 7/7 chiếc xe tăng Abrams vừa xuất hiện trên chiến trường đều nhanh chóng bị Nga phá hủy.

Do chi phí sản xuất và thời gian để có thể chế tạo ra một chiếc xe tăng hạng nặng như M1A1 Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine là rất cao, nên những loại vũ khí như vậy được Mỹ và phương Tây viện trợ sẽ không quá nhiều. Do vậy, những loại vũ khí này sẽ ít được Ukraine sử dụng hơn và phải cẩn trọng trong sử dụng.

Hầu hết các loại vũ khí Mỹ đều có giá đắt đỏ và xe tăng Abrams cũng không phải ngoại lệ, giá của một chiếc Abrams là khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, UAV tự sát của Quân đội Nga có giá rất rẻ. Một chiếc máy bay không người lái chỉ có giá khoảng 500-1.000 USD.

Khi hai loại vũ khí này đối đầu nhau, cho dù Q uân đội Nga có mất hàng chục máy bay không người lái, nhưng chỉ cần có thể gây sát thương cho một chiếc xe tăng Abrams, thì đó sẽ là một sự đánh đổi quá lãi.

Hơn nữa, Quân đội Ukraine vẫn chưa có chiến thuật sử dụng xe tăng Abrams một cách hiệu quả. Chiến trường Nga-Ukraine chủ yếu diễn ra ở khu vực đồng bằng, địa hình bằng phẳng, ít chỗ trú ẩn; tuy thuận lợi cho việc cơ động của xe tăng, nhưng cũng khiến xe tăng dễ trở thành mục tiêu cho tên lửa và UAV tự sát của Nga và Q uân đội Ukraine không thể bảo vệ chúng.

Trước đó, Quân đội Ukraine đã triển khai xe tăng M1A1 Abrams trong biên chế của Lữ đoàn bộ binh cơ giới 47 để thiết lập tuyến phòng thủ ở khu vực phía tây Avdiivka. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, thành phố này đã hoàn toàn nằm trong tay Quân đội Nga vào tháng 2 năm nay.

Hơn nữa, không chỉ xe tăng Abrams không thể phát huy được sức mạnh, giống như nhiều xe tăng khác được Mỹ và phương Tây hỗ trợ cho Ukraine. Theo tờ New York Times của Mỹ cho biết, Quân đội Ukraine đã mất khoảng 140 xe tăng phương Tây viện trợ, trong đó tổn thất lớn nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức, khoảng 30 chiếc.

Ban đầu, vũ khí của NATO và vũ khí của Liên Xô mà Ukraine kế thừa được Quân đội Ukraine sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột nổ ra, nhiều binh sĩ của Quân đội Ukraine được huy động ồ ạt, chưa được huấn luyện quân sự chuyên sâu, khiến việc sử dụng vũ khí của NATO càng trở nên khó khăn hơn.

Dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, xe tăng Abrams và các xe tăng khác của NATO đã trở thành “con mồi” cho Quân đội Nga. Trước sự đe dọa của vũ khí chống tăng, nhất là UAV của Nga, Mỹ không hài lòng với điều đó và đang tìm mọi cách để hạn chế UAV của Nga.

Về việc máy bay không người lái của Nga xuất phát từ đâu, Mỹ luôn cho rằng nguồn gốc là Iran. Tình cờ xảy ra xung đột giữa Iran và Israel, khiến Mỹ có lý do để trực tiếp tuyên bố mở rộng lệnh trừng phạt đối với máy bay không người lái của Iran.

Tuy nhiên, hiện nay năng lực sản xuất quốc phòng của Nga đã bùng nổ, nên dù Mỹ có cấm vận đến đâu, thì những chiếc UAV giá rẻ này Nga cũng có thể tự sản xuất được. Và điều lo ngại của phương Tây đã tới, khi các loại vũ khí của Nga đều có nguồn gốc trong nước, chứ không còn quá phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài như trước. (Nguồn ảnh: Topwar, NYT, CNN, Ukrinform).

Tiến Minh (Theo Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tang-abrams-thanh-con-moi-cua-uav-nga-tren-chien-truong-ukraine-1987195.html