Sớm hoàn thiện dự thảo quy định sửa đổi về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Sáng ngày 16/4, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, thay thế Nghị định 167/2017/NĐ-CP (NĐ 167) của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung NĐ 167.

Còn 74.605 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương qua nhiều giai đoạn chính sách đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý.

Việc thực hiện các quy định đã từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả; tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ… góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đồng thời, đã tạo nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại hóa một số trụ sở của các bộ, ngành, địa phương, DN và tạo nguồn thu NSNN.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, tổng thể tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công (TSC) còn chậm. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Tài chính, tổng số cơ sở nhà, đất theo phạm vi sắp xếp hiện tại là 256.652 cơ sở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 182.047 cơ sở nhà, đất, song vẫn còn 74.605 cơ sở chưa được phê duyệt (chiếm 29%). Công tác tổ chức thực hiện sau khi phương án duyệt còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Nhiều phương án qua nhiều năm vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất được đưa ra đó là, một số quy định tại NĐ 167, NĐ 67 còn chưa đủ rõ hoặc không còn phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, hoặc trong quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc.

Tổng số cơ sở nhà, đất theo phạm vi sắp xếp hiện tại là 256.652 cơ sở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 182.047 cơ sở nhà, đất, song vẫn còn 74.605 cơ sở chưa được phê duyệt (chiếm 29%). Công tác tổ chức thực hiện sau khi phương án duyệt còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Nhiều phương án qua nhiều năm vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện.

Cụ thể, phạm vi và đối tượng thực hiện sắp xếp rộng, khi sắp xếp phát sinh vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là việc sắp xếp lại nhà, đất của các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ; sắp xếp với nhà, đất thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất…

Thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp và quyết định xử lý cụ thể đối với từng cơ sở nhà, đất còn nhiều trường hợp giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện, nhất là đối với các cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý dẫn tới quy trình thực hiện lại kéo dài, dồn công việc sự vụ lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.

Quy định về cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất còn chưa rõ nội dung các bộ, ngành, địa phương được phân cấp, giao nhiệm vụ thực hiện các cơ quan quản lý cấp trên, các sở, ngành, cấp tỉnh, UBND cấp huyện nên một số bộ, địa phương vẫn chỉ giao cho cơ quan tài chính cấp bộ, cấp tỉnh chủ trì thực hiện trong khi số lượng các cơ sở nhà, đất nhiều, phân bổ ở nhiều địa bàn khác nhau, nguồn nhân lực của cơ quan thực hiện hạn chế…

Gấp rút hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, từ những bất cập này và để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tránh lãng phí nguồn lực cho NSNN, Bộ Tài chính được giao dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng góp ý vào dự thảo nghị định. Ảnh: H.T

Ông Thịnh cho biết, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định và lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp vào ngày 8/4 vừa qua. Để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị nhằm tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với dự thảo nghị định lần 3 này của Bộ Tài chính, đồng thời cũng đưa ra thêm một số ý kiến để dự thảo nhanh chóng được hoàn thiện.

Ông Thịnh cho biết, sở dĩ phải qua nhiều bước như vậy vì đây là một nghị định rất khó và quan trọng. Do đó, Bộ Tài chính phải tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị. “ Mỗi ý kiến đều xuất phát từ thực tiễn triển khai thực hiện xử lý lại, sắp xếp tài sản công, nêu rõ được các vướng mắc phát sinh. Hơn nữa, đây đều là các ý kiến tâm huyết nên cần được nghiên cứu một cách thấu đáo. Trên cơ sở giải trình, tổng hợp tiếp thu như vậy, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định lần 3 để tiếp tục lấy ý kiến tại hội nghị hôm nay” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với dự thảo nghị định lần 3 này của Bộ Tài chính, đồng thời cũng đưa ra thêm một số ý kiến để dự thảo nhanh chóng được hoàn thiện.

Ông Trần Xuân Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng đề nghị, nên bỏ đối tượng phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là DN vì việc giao đất, cho thuê đất đối với ND nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, sau khi đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất theo quyết định cho thuê đất, giao đất của cấp có thẩm quyền thì việc quản lý, sử dụng nên được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Cũng theo ông Toàn, trường hợp lựa chọn phương án này, đề nghị Bộ Tài chính rà soát để loại bỏ các quy định có liên quan đến sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của DN ở các điều khoản tiếp sau. Trường hợp vẫn thực hiện sắp xếp đối với DN, đề nghị quy định rõ thêm nội dung không thực hiện sắp xếp với DN đảng để phù hợp với quy định tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ý kiến này của ông Toàn cũng được đại đa số đại biểu tham gia hội nghị đồng tình. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Anh Yến – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, ở phần phạm vi điều chỉnh cần xem xét bổ sung nhà, đất không thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo nghị định này, đó là nhà văn hóa nông thôn.

Bà Yến cho biết, theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT, cơ sở nhà, đất, nhà văn hóa thông được phân loại là đất cơ sở văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà văn hóa thôn cũng là nơi sinh hoạt, hội họp chung (sinh hoạt cộng đồng), phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí công cộng của cộng đồng dân cư tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố. Địa điểm xây dựng các nhà văn hóa chủ yếu trong từng thôn, bản không phù hợp để áp dụng một số hình thức sắp xếp theo quy định của pháp luật về tài sản công như: điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sử dụng, bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, với những ý kiến đóng góp này, Cục Quản lý công sản sẽ tiếp tục tổng hợp, rà soát để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất giúp công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhanh chóng được triển khai, giúp nguồn lực của Nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/som-hoan-thien-du-thao-quy-dinh-sua-doi-ve-viec-sap-xep-lai-xu-ly-tai-san-cong-149015.html