Sinh viên truyền cảm hứng về cổ nhạc Việt Nam qua mô hình 'bảo tàng sống'

Một nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông và tổ chức sự kiện của Trường cao đẳng FPT Polytechnic đã tự tay lên kế hoạch, dàn dựng và triển khai một chương trình theo mô hình 'bảo tàng sống', qua đó tái hiện nhiều loại hình ca kịch cổ truyền của Việt Nam như ca trù, xẩm, chèo cổ, diễn xướng.

Nhiều loại hình ca nhạc truyền thống được tổ chức tại khu di tích lịch sử - văn hóa Bích Câu Đạo Quán trong khuôn khổ sự kiện "Cổ nhạc Kinh Kỳ".

Diễn ra trong 2 ngày 6 và 7 tại khu di tích lịch sử - văn hóa Bích Câu Đạo Quán (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), sự kiện "Cổ nhạc Kinh Kỳ" bao gồm hàng loạt hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan như: thưởng thức âm nhạc dân gian, thưởng trà, viết thư pháp, mặc thử cổ phục, chơi thử nhạc cụ và trò chơi dân gian.

Một bạn trẻ tham gia trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán.

Đáng chú ý, sự kiện cũng có sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ nhân tiêu biểu trong giới văn hóa nghệ thuật truyền thống như: Nghệ nhân ưu tú Vân Mai, Nghệ nhân ưu tú Văn Trúc, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Nha…

Với sự đồng hành của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, sự kiện đã tái hiện một số loại hình ca kịch dân gian của đất nước như: ca trù, xẩm, chèo cổ, diễn xướng... bằng cách tái tạo, mô phỏng không gian, bối cảnh lịch sử và phục dựng hệ thống các hiện vật, nhân vật lịch sử nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan.

Khách nước ngoài hào hứng tham gia các hoạt động tại “Cổ nhạc kinh kỳ”.

Thực tế, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của sinh viên Trường cao đẳng FPT Polytechnic về chủ đề văn hóa cổ truyền dân tộc. Tiêu biểu, cuối tháng 3 vừa qua, các bạn trẻ đã tổ chức thành công đêm trình diễn “Biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước” tại thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, có thể kể đến Chương trình Giao lưu văn hóa - nghệ thuật "Tân Khúc nguyệt cầm", tại xã Mỹ Lệ (tỉnh Long An) tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật Nam Bộ nói chung, nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng. Chương trình đã mang đến cho khán giả những trích đoạn cải lương đã đi vào huyền thoại như: "Tiếng trống Mê Linh", "Đời cô Lựu"…, với sự thể hiện của các nghệ sĩ gạo cội như: các Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương, Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Thanh Hằng...

Màn trình diễn nghệ thuật sân khấu tại sự kiện ở xã Mỹ Lệ (tỉnh Long An).

Thông tin từ Trường cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, các hoạt động trên thuộc khuôn khổ chương trình đào tạo với phương châm “thực học - thực nghiệp” của nhà trường. Thông qua mỗi dự án, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, có thêm cơ hội cọ xát thực tiễn ngành tổ chức sự kiện.

Theo ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Nhà trường, để có được thành công qua hàng loạt dự án thực tế kể trên, cán bộ, giảng viên và đặc biệt là sinh viên Trường cao đẳng FPT Polytechnic luôn đặt trách nhiệm tăng nhận thức cộng đồng về lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc lên hàng đầu.

Workshop thưởng thức trà tại sự kiện "Cổ nhạc Kinh Kỳ".

“Tuy nhiên, do các sự kiện được tổ chức bởi sinh viên, cho nên thường gặp khó khăn về kinh phí và việc tiếp cận các nghệ sĩ. Vì vậy, Nhà trường chú trọng định hướng để sinh viên tổ chức những dự án về văn hóa truyền thống với đa dạng chủ đề, tối ưu chi phí, quy mô vừa sức nhưng vẫn thể hiện rõ trách nhiệm xã hội”, ông Thành cho hay.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sinh-vien-truyen-cam-hung-ve-co-nhac-viet-nam-qua-mo-hinh-bao-tang-song-post803694.html