Sina: 'Nguyên nhân nào khiến bóng đá Trung Quốc thất bại?'

Trung Quốc đông dân nhất thế giới, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bóng đá của họ nằm trong nhóm đầu.

Tuyển Trung Quốc thất bại 0-2 trước Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á và sắp có cuộc đối đầu với tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình ngày 1/2.

Sina đã có bài phân tích với tiêu đề: "1,4 tỷ dân của Trung Quốc không thể chọn 11 cầu thủ. Nguyên nhân nào khiến tuyển quốc gia thất bại?". Zing lược dịch bài viết này.

Nhầm lẫn về dân số bóng đá của Trung Quốc

Tuyển Trung Quốc lại thất bại trước Nhật Bản. Câu hỏi quen thuộc lại được đưa ra: "Không thể chọn 11 cầu thủ trong số 1,4 tỷ dân?". Nhận xét này phản ánh quan niệm đơn giản về số dân đông tỷ lệ với thiên tài. Tuy nhiên, nó không đơn giản như vậy, bởi lẽ nếu dựa theo số dân, tuyển Trung Quốc đã vô địch World Cup từ lâu.

Dân số và dân số bóng đá là 2 khái niệm khác nhau. Trong 5 quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ có Brazil là cường quốc bóng đá, còn Trung Quốc và Ấn Độ thì không. Nếu cơ sở số dân đông sẽ có nhiều nhân tài, đáng lẽ Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Tuyển Trung Quốc có độ tuổi trung bình gần 30. Ảnh: Osports.

Trong "Bảng xếp hạng chỉ số phát triển bóng đá quốc gia" do Đại học Kinh tế Plekhanov của Nga công bố, rất ít quốc gia đông dân nằm trong top 10. Ở đất nước có dân số đông, ưu tiên giải quyết là sinh kế của người dân và vấn đề lương thực.

Trong thống kê của "Chỉ số phát triển bóng đá quốc gia", vài chỉ số dễ thấy như mức độ phổ biến của bóng đá (tỷ lệ cư dân chơi bóng, số câu lạc bộ, tỷ lệ tham dự các giải hàng đầu...), điều kiện phát triển bóng đá (số người đăng ký đá bóng, số sân vận động, sức chứa sân, số lượng huấn luyện viên...).

Ngay từ năm 2011, FIFA đã đưa ra số liệu rằng số dân chơi bóng đá của Trung Quốc là 26.166.335, đứng đầu thế giới, với 710.000 cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng cũng trong năm đó, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) công bố 8.000 cầu thủ chuyên nghiệp. Vậy số liệu của ai mới đáng tin cậy?

Năm 2017, CFA đã đề xuất "Kế hoạch hành động năm 2020". Các mục tiêu bao gồm đạt một triệu người đăng ký bóng đá trẻ vào năm 2020, 5 triệu người đăng ký tham dự các giải đấu và 60.000 sân vận động mới.

Những mục tiêu này có đạt được hay không chỉ mình CFA biết. Có điều, ban lãnh đạo CFA đã thay đổi năm 2019.

Vậy, dân số bóng đá là gì? Nó bao gồm dân số quan tâm, tham gia và ưu tú. Dân số quan tâm gồm những người xem bóng đá, chú ý đến các sự kiện bóng đá. Dân số tham gia là việc họ duy trì tần suất chơi bóng đá nhất định ở các giải nghiệp dư, cộng đồng hoặc trong khuôn viên trường, hay gửi trẻ em tham gia đào tạo bóng đá. Dân số ưu tú là các học viện bóng đá chuyên nghiệp và bán chuyên.

Tại Trung Quốc, rất nhiều người quan tâm đến bóng đá, mặc dù tỷ lệ này ở giới trẻ đã giảm trong những năm gần đây. Theo thống kê của Nielsen Sports, năm 2018, Trung Quốc có 187 triệu người hâm mộ bóng đá.

Tuy nhiên, khi đề cập đến yếu tố thứ 2 là "dân số tham gia", con số này giảm xuống đáng kể. Trên sân, các cầu thủ lớn tuổi ngày một nhiều. Bóng rổ, thể thao điện tử, các trò chơi và giải trí nhận được sự quan tâm nhiều hơn của giới trẻ.

Trong trường học, các tiết học bóng đá đã được phổ biến rộng rãi ở cấp tiểu học tại thành phố lớn, nhưng hầu như chỉ mang tính hình thức. Nhiều bậc phụ huynh cho con nhỏ tham gia tập huấn ngoại khóa bóng đá, nhưng chủ yếu ở lứa tuổi 5-11. Đến cấp 2, rất ít học sinh lựa chọn theo học bóng đá bởi áp lực học tập ngày một nhiều.

Giáo dục và bóng đá trở thành cặp đối nghịch. Muốn đi học thì phải nghỉ đá bóng, muốn theo nghiệp đá bóng thì phải từ bỏ việc học, để đi theo con đường đào tạo chuyên nghiệp. Dân số bóng đá ưu tú của Trung Quốc đã sớm bị giảm đi rất nhiều theo cách này.

Bóng đá Trung Quốc thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Ảnh: Sina.

Bóng đá hay kỳ thi tuyển sinh đại học?

Đừng trách các bậc cha mẹ không cho con mình theo học bóng đá chuyên nghiệp. Nếu là cha mẹ, bạn sẽ để cho con mình đi theo hướng nào?

Chìa khóa ở đây là năng suất.

Các ngôi sao bóng đá kiếm được khoảng 10 triệu nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 35,6 tỷ đồng), và 5 triệu nhân dân tệ sau khi bị cắt giảm lương (khoảng 17,8 tỷ đồng). Nhưng chỉ số ít cầu thủ có thể nhận được mức lương như vậy.

Zhi Baojie, cầu thủ từng chơi cho Beijing Renhe ở Chinese Super League, tiết lộ hơn 400 trẻ em cùng nhóm với anh được đào tạo chuyên nghiệp tại Học viện Bóng đá Shenhua. Chỉ có anh, Chen Zhizhao, Sun Yifan và Fan Lingjiang trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Chỉ một trong 100 em tại học viện được trở thành cầu thủ dự bị ở giải hạng Nhì. 99 em còn lại sẽ bị đào thải và cần phải tìm công việc mới, nhưng gặp khó khăn khi thiếu căn bản về học văn hóa.

So với bóng đá, lựa chọn việc thi tuyển đại học và đi làm có tỷ lệ thành công cao hơn. Tổng số học sinh, sinh viên của kỳ thi tuyển sinh năm 2021 ở Trung Quốc là 10,87 triệu em, tỷ lệ trúng tuyển đại học là 40% và tỷ lệ trúng tuyển sau trung học là 90%.

Rõ ràng, những nghiên cứu này cho thấy việc lựa chọn theo con đường học vấn nhận ít rủi ro hơn. Giữa giấc mơ bóng đá và áp lực để tồn tại, bạn lựa chọn thế nào?

Số ít phụ huynh cho con lựa chọn con đường bóng đá. Ảnh: Weibo.

Sự kết hợp giữa thể thao và giáo dục có hiệu quả không?

Tháng 5/2021, ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc về việc thực hiện xây dựng các thành phố trọng điểm để phát triển bóng đá quốc gia được phát hành, trong đó điều 22 nhấn mạnh ở các thành phố trọng điểm cần nâng cao bóng đá trẻ em, hệ thống thi đấu.

Đây là mô hình học hỏi từ Nhật Bản để phát triển bóng đá trong khuôn viên trường. Đề xuất của Tổng cục rất khó thực hiện. Ở quốc gia đông dân, sinh kế của người dân là ưu tiên hàng đầu. Biết bao đứa trẻ Trung Quốc từng mang trong mình tài năng và ước mơ, nhưng cú đấm thực tại đã đánh thức họ.

Quay lại chủ đề lúc đầu, tại sao trong 1,4 tỷ dân lại khó tìm ra 11 cầu thủ? Bởi vì phạm vi lựa chọn không phải là 1,4 tỷ người, thậm chí không phải là 100 triệu, 10 triệu hay một triệu dân. Họ chỉ chọn những người tài năng nhất trong số ít người nghèo, muốn đi theo con đường bóng đá để đổi đời.

Hầu hết người khác đang làm gì? Tất cả đều bận rộn với cuộc sống, đi học, đi thi, đi làm, mua nhà, lấy vợ sinh con, già yếu, bệnh tật... Xét cho cùng, bóng đá không quá quan trọng trong cuộc sống của người Trung Quốc. Việc đầu tiên họ chú trọng là cố gắng có cuộc sống tốt hơn.

Highlights tuyển Nhật Bản 2-0 Trung Quốc Junya Ito kiếm về quả phạt đền dẫn đến bàn mở tỷ số, trước khi ấn định chiến thắng 2-0 cho tuyển Nhật Bản trước Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022 tối 27/1.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sina-nguyen-nhan-nao-khien-bong-da-trung-quoc-that-bai-post1293257.html