Sau vinh danh Michelin, các chủ quán ở TPHCM canh cánh nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực

Nỗi lo về nhân sự từ trình độ, chuyên môn cho đến cách phục vụ thực khách… là những điểm chung mà nhiều quán ăn, nhà hàng bày tỏ tại tọa đàm 'Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TPHCM trong danh sách Cẩm nang Michelin'.

TPHCM có 55 quán ăn, nhà hàng vào danh sách cẩm nang ẩm thực Michelin. Ảnh: Phúc An

Theo đó, buổi tọa đàm do Sở Du lịch và Hiệp hội ẩm thực TPHCM phối hợp tổ chức vào sáng 15-6 tại Khách sạn Sheraton, quận 1. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo sở du lịch, hiệp hội du lịch và hiệp hội ẩm thực TPHCM; cùng các chủ quán ăn, nhà hàng góp mặt trong danh sách cẩm nang Michelin.

Ngoài phần trao thư chúc mừng cho ông Peter Cường, chủ nhà hàng Anan Saigon (đạt 1 sao Michelin); ban tổ chức còn trao cho một cá nhân đến từ nhà hàng Vietnam House nhận giải thưởng dành cho chất lượng phục vụ (Michelin Service Award); 38 nhà hàng, quán ăn được Michelin đề xuất (Michelin Selected) và 16 nhà hàng có đồ ăn ngon và giá cả phải chăng (Bib Gourmand).

Sau tiết mục này là đến phần tọa đàm với sự điều phối của đại diện Hiệp hội ẩm thực TPHCM cùng sự tham gia của nhiều nhà hàng, quán ăn nhận thư chúc mừng. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm khi nhà hàng nhận sao Michelin hay được gợi ý từ cẩm nang ẩm thực này thì nhiều ý kiến đều trăn trở xung quanh chuyện nguồn lực nhân sự.

Đại diện cho thương hiệu Bếp Mẹ Ỉn (đạt Bib Gourmand), chị Phạm Thanh Hoa cho hay, dù là quán ăn bình dân hay nhà hàng cao cấp thì hiện nay có một nỗi lo chung là nhận thức của nhân sự. Chị cho rằng, nhiều người lao động trong ngành dịch vụ này vẫn còn giữ quan niệm đây là nghề lao động tay chân nên họ bị giới hạn về tính chuyên nghiệp.

Đại diện một nhà hàng nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phúc An

Đồng quan điểm, đại diện nhà hàng TRE Dining (đạt Michelin Selected), thông tin một bộ phận nhân sự làm việc ở các quán ăn, nhà hàng ở TPHCM nói riêng hay Việt Nam nói chung còn yếu kém về số lượng lẫn chất lượng. Một số lao động làm việc mang tính thời vụ chứ chưa thật sự gắn bó với nghề phục vụ.

Nhìn nhận nguồn nhân lực và tình hình hoạt động của doanh nghiệp là không thể tách rời, đại diện nhà hàng Vietnam House (đạt hai chứng nhận Michelin Selected và Michelin Service Award), cho rằng việc các quán ăn, nhà hàng lọt vào cẩm nang ẩm thực Michelin là một cơ hội tốt để quảng bá, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Từ đó, tạo ra lợi thế tốt trong việc tìm kiếm và tăng cường đào tạo nhân lực trong hoạt động buôn bán.

Phản hồi ý kiến, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho hay du lịch – ẩm thực nằm trong định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố đến năm 2023. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch – ẩm thực phải đi song song nhau ở tính hiệu quả và bền vững, thân thiện môi trường.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phúc An

Chia sẻ về những nỗi lo nguồn nhân lực trong ngành F&B, bà Ánh Hoa thông tin sở đang hoàn thiện dự thảo trình lên Hội đồng Nhân dân thành phố phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân sự cho quán vừa và nhỏ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý thành phố sẽ cùng phối hợp với các chuyên gia, hiệp hội ẩm thực để cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí, hứa hẹn là địa phương tiên phong thí điểm. Qua đó, trong thời gian tới, con số quán ăn, nhà hàng vào cẩm nang Michelin không chỉ dừng lại ở 55 mà còn nhiều hơn thế nữa.

Phúc An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/sau-vinh-danh-michelin-cac-chu-quan-o-tphcm-canh-canh-noi-lo-chat-luong-nguon-nhan-luc/