Sáng ngời truyền thống phụ nữ Khu 8

Từ nhiều năm qua, Ban Liên lạc phụ nữ (PN) Khu 8 (Trung Nam bộ) thường tổ chức họp mặt để ôn lại quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm buồn, vui trong chiến đấu;... cũng như thăm hỏi, động viên nhau giữa cuộc sống đời thường.

1. Khu 8 (Trung Nam bộ) được thành lập từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gồm các tỉnh: Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho, Bến Tre, An Giang, Gò Công và TP.Mỹ Tho (nay là các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang). Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Khu 8 đã kiên cường chiến đấu, lập nên chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại, tạo nên những chiến thắng vang dội khiến quân Pháp phải khiếp sợ như những trận: Cổ Cò, Giồng Dứa, Mộc Hóa, Sa Đéc, La Bang, Kinh Bùi và các chiến dịch: Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre,... góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương vào năm 1954.

Phụ nữ Khu 8 vui mừng ngày họp mặt (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng quà cho phụ nữ Khu 8)

Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Khu 8 luôn trung thành, tận tụy, không ngại gian khổ, hy sinh, trí dũng, kiên cường, quyết đánh và quyết thắng, vận dụng sáng tạo, hiệu quả đường lối chính trị và quân sự của Đảng để cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi vẻ vang đó có phần đóng góp rất quan trọng của các cô, chú nguyên cán bộ PN Khu 8.

Tại cuộc họp mặt truyền thống PN Khu 8 lần thứ 20 được tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp vừa qua, nhiều cô, chú dù tuổi cao, sức yếu vẫn vượt chặng đường xa để đến dự. Các cô, chú hầu như đi lại khó khăn, có người phải có con cháu đi theo để chăm sóc. Họ mừng mừng tủi tủi sau thời gian dài mới được gặp nhau do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như nhói lòng khi nghe tin lại có một đồng đội, đồng chí đã mãi ra đi...

Phụ nữ Khu 8 đến thăm cô Năm Vạn

Đan xen trong những lời thăm hỏi ân cần, động viên nhau, ai cũng xúc động, mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại khi nhắc về cô Năm Vạn (Lê Thị Huệ) - nguyên Hội phó Ban Chấp hành PN Khu 8, từng có thời gian dài làm Trưởng ban Liên lạc PN Khu 8. Tất cả mọi người đến dự họp mặt với mong muốn để được gặp, thăm cô Năm. Đó là người PN có nhân cách tuyệt vời như lời của cố Phó Thủ tướng Chính phủ - Trương Vĩnh Trọng từng nói.

2. Trang sử cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác xã hội của cô Năm Vạn liên tục trải dài suốt 70 năm (1946 - 2016) đi qua 2 thế kỷ, là những hoạt động sôi nổi, phong phú, hào hùng và thu hút nhiều giai tầng, nhiều thế hệ lãnh đạo PN tỉnh Đồng Tháp. Những ai từng gặp cô Năm dù chỉ một lần cũng đều cảm mến tấm lòng, tình cảm chân thành của cô dành cho mọi người. Trong kháng chiến, tình cảm của cô đối với đồng chí, đồng đội như là người mẹ, người chị trong nhà dành tình yêu thương, sự bao dung đối với đàn em của mình. Có cán bộ Hội kể cho chúng tôi nghe một trong những câu chuyện xúc động của cô Năm đối với người chị em trong PN Khu 8. Đó là trong một lần làm nhiệm vụ, hai người “giành” nhau để được… chết thay. Hiện tại, người đó cách đây mấy tháng đã về với đất, còn cô Năm thì sức khỏe cũng yếu dần.

Cô Mười Chưởng chia sẻ cảm xúc tại cuộc họp mặt

Cô Mười Chưởng (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh Long An - Trần Thị Kiều) mấy năm nay tuổi cao sức yếu cộng với mấy lần bị té, đi lại khó khăn nhưng cô vẫn cố gắng đến dự cuộc họp mặt. Cô Mười Chưởng xúc động nói: “Vẫn biết là quy luật của tạo hóa, ai sinh ra đời cũng không tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử, thế nhưng tôi vẫn nghẹn lòng khi mỗi lần họp mặt PN Khu 8 là số lượng thành viên lại giảm đi. Các đồng đội của tôi ai cũng về với Bác. Đi dự họp mặt lần này, tôi nghĩ có lẽ là lần sau cùng tôi đến thăm cô Năm Vạn - người chị kính mến của PN Khu 8”.

Còn đối với cô Lê Minh Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM), những năm tháng được sống, được sát cánh cùng PN Khu 8 là những tình cảm đẹp nhất trong cuộc đời của cô. Tình cảm cô đối với cô Năm Vạn như người mẹ hiền. “Vì là người nhỏ tuổi nhất khi tham gia PN Khu 8 nên tôi được các anh chị ở đây hết mực yêu thương, chỉ dạy, nhất là cô Năm Vạn. Bây giờ tôi đã 70 tuổi, còn cô Năm đã ngoài 90. Tuổi cao, sức yếu, cô chẳng còn nhận ra ai nữa... Đồng đội đến thăm cô, ai cũng rưng rưng nước mắt” - cô Trang chia sẻ.

Về với cuộc sống đời thường, mỗi người mỗi nơi nhưng trên hết, những đồng đội, đồng chí năm xưa vẫn thăm hỏi nhau mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật. Dù thời gian có qua đi nhưng những hình ảnh ấy góp phần làm sáng ngời truyền thống PN Khu 8./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/sang-ngoi-truyen-thong-phu-nu-khu-8-a136613.html