Rưng rức miền cao

Giao mùa xuân hạ, tôi có chuyến đi xa. Một chuyến đi dài, cũng gần 10 ngày rong ruổi núi non nhưng biên viễn địa đầu rộng lớn quá, thời gian lưu lại với những miền đất miền người chỉ như muối bỏ bể. Thì đây, đã đang trong lòng Hà Giang mà vẫn mông lung, mà vẫn hoang mang, không thể nào chạm đến.

Có đặt chân lên biên viễn Đông Bắc mới thấu cái rợn ngợp nơi trời thấp đất cao. Địa hình nơi đây không có nhiều đất, lổm nhổm đá xám, điệp trùng đá tôn nhau lên, vời vợi... Tôi đã đi nhiều cung đường ở Hà Giang, thường thì một bên núi một bên vực. Núi cao vòi vọi, núi dựng thẳng đứng. Vực sâu hun hút, sâu đến lộn ruột. Nhìn từ trên xuống, con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ rối, hùng vĩ đến lạnh sống lưng. Có những đoạn đường đất đá lổn nhổn, lở lói, ốm nhom khiến 2 xe máy tránh nhau phải cẩn trọng đến toát mồ hôi. Chắc hẳn nhiều phượt thủ sẽ nhớ đời khi nhắc đến Mã Pí Lèng, dốc Chín Khoanh, cổng trời Quản Bạ, dốc Thẩm Mã, dốc Bắc Sum, dốc Đường Thượng…

Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.470 mét so với mực nước biển.

Nhắc đến Đường Thượng, tôi lại nhói tim.

Là bởi ngay trong chuyến đi, tôi đọc báo và biết được hung tin: cô giáo miền xuôi 13 năm xung phong cắm bản gặp nạn tang thương trên đường cõng chữ lên với trẻ vùng cao sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. Trời đất tuần hoàn, tôi vẫn đinh ninh, tháng Tư lịm dần để tháng Năm nhú chồi, vậy mà… Cô giáo mãi nằm lại đó, dưới đáy vực mờ sương. Vụ tai nạn khiến chồng cô, cũng là một giáo viên nặng nợ với học sinh Đường Thượng - Yên Minh bị đa chấn thương, phải cắt bỏ một bên thận, đối diện với thập tử nhất sinh. Rồi đứa con gái 4 tuổi cũng bị xây xát mình mẩy, một cú sốc đầu đời quá lớn, như trái núi vỡ.

Đôi vợ chồng giáo viên trẻ còn có một cháu trai 10 tuổi, chẳng đặng đừng phải gửi ông bà nội ở quê nuôi dạy vì không thể mang theo cắm bản. Gia đình gặp nạn, những tổn thương về xương thịt rồi cũng sẽ dần kín miệng nhưng vết sẹo tinh thần thì không biết đến bao giờ mới có thể xóa mờ. Và rồi, ai dám chắc núi sẽ thôi đau, sẽ thôi thổ huyết!

Có lên với địa đầu Hà Giang mới biết, con đường gieo chữ quá đỗi gian nan, quá nhiều hiểm nguy rình rập. Nhưng với tình yêu thương, chỉ có tình yêu thương vô bờ mới chuyển hóa thành động lực thiêng liêng để các thầy cô một lòng cắm bản. Ngoài tình yêu thương, tôi tin, tuyệt nhiên không có bất cứ một thứ gì khác có thể nắm níu được bước chân họ ở lại với vùng cao đầy rẫy hiểm nguy, khốn khó, thiếu thốn trăm bề như thế. Chợt nghĩ, sự nghiệp trồng người, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… rất cần được quan tâm và tôn vinh hơn nữa.

Riêng tôi, nếu không được đi nhiều, không đến với núi, không hòa vào núi, thì những gian nguy kể trên có lẽ đã vượt xa sức tưởng tượng khi mà vòng quay cơm áo cứ mãi cuốn hút vào bòng bong phố thị đèn màu.

Vậy nên khi đến với núi, xin đừng lướt qua, xin hãy lắng lòng nhìn thật sâu để thấy núi đau. Tôi đã nhìn thấy nhiều ngọn núi thổ huyết, huyết núi phủ lên phận người, đau đến nhói buốt tâm can, dai dẳng đến mấy thế hệ. Không đau sao được khi mỗi mùa mưa bão, những miền cao đây đó lại có người bị nhà đổ, nước cuốn, đất lở, núi vùi… với biết bao nước mắt, biết bao máu đỏ và vành tang trắng.

Trên cao nguyên khát, muốn có cái ăn phải đổ mồ hôi, rất nhiều mồ hôi. Mồ hôi rơi xuống đá xám, ngấm vào đá xám, làm mềm đá xám. Rồi từ đó mà vạc đá, xẻ đá để trỉa ngô; xới đá trồng tam giác mạch và các loại rau. Nhờ sức người, nhờ kiên gan bền chí mà trên đá mọc lên nhung nhúc màu xanh.

Tôi tạm dừng bữa cơm trưa, dõi theo cậu trai người Mông tên Dế múa khèn giữa trái tim Đồng Văn. Giai điệu của núi rừng chân chất mà vang vọng, tiết tấu giản đơn nhưng ngấm ngầm gợi nhớ xa xăm. Là cái tên, là tiếng khèn, hay là gì mà tôi vẫn mông lung kiếm tìm nơi miền xanh? Có lẽ, tôi cũng đang loay hoay với chính mình, loay hoay với nhớ thương rất thật nhưng chưa một lần chạm thấu. Núi nọ biển này, và em - đường chân trời, vừa thật gần vừa quá xa xôi.

Nắng chiều tiếp tục ruổi rong. Từ Đồng Văn qua Mèo Vạc là một cung đèo. Đi trên “sống mũi ngựa” - Mã Pí Lèng, có nhiều đoạn đường, nhiều khúc cua tay áo đang trải sức người bồi đất vạc đá để mở rộng tầm nhìn, cũng là để thu hẹp hiểm nguy.

Rảo bước trên cung đèo này, tôi nghĩ ngay đến lớp lớp thanh niên xung phong thời kỳ 1959 - 1965 của thế kỷ trước, dùng ý chí và sức người để mở đường Hạnh Phúc. Thời ấy, hơn 1.300 nam nữ phơi phới thanh xuân của 8 tỉnh Nam Định, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang tình nguyện ăn bờ ngủ bụi cùng khoảng 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc anh em trên cao nguyên khát, quyết tâm phải nối liền giao thông từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, suýt soát gần 200km với địa hình một bước lên trời một bước xuống vực. Không đếm xuể bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống để đắp xây con đường huyền thoại.

Những đứa trẻ miền cao Hà Giang.

Nay, bia đá chứng tích còn lưu những con số hằn sâu khổ ải. Là 2.246.321 ngày công. Là 2.899.638 mét khối đất đá đào đắp. Là 42 cây cầu và 392 chiếc cống các loại… Hết thảy đều làm thủ công, chỉ có sức người và dụng cụ thô sơ như búa tạ, xà beng, cuốc xẻng, xe cút kít… Thống kê như thế để mỗi người tự tưởng tượng, tự hình dung lấy bằng trải nghiệm, bằng vốn sống và cả lòng biết ơn.

Sực nhớ, quá nửa trăm năm sau ngày khánh thành đường Hạnh Phúc, mãi đến cuối xuân 2016, đó là lần đầu tiên tôi được đi trên con đường huyền thoại thuộc quốc lộ 4C với những vòng xe cảm phục. Con đường trải máu và hoa. Ròng rã 6 năm nghiệt ngã, 14 thanh niên xung phong mãi mãi nằm lại trên đá xám. Một lần nữa, câu nói của đại văn hào Lỗ Tấn lại vang lên trong tôi, rằng “trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Hẳn vậy, mọi thành tựu trên cuộc đời này không tự dưng sẵn có, mà chính do con người kiên gan bền chí, khổ ải để tạo nên.

Miên man thế nào, tôi chợt nghĩ đến “Chuyện của Pao” với âm sắc buồn như những triền sương xám. Phải rồi, là đàn môi. Tiếng đàn môi cứ quẩn quanh, vấn vít đâu đây. Tiếng đàn môi dội vào núi hoặc cũng có thể vạch núi bước ra, đậu trên những đôi má sơn nữ riu ríu than hồng, miệt mài nương rẫy.

Đoạn này bồng lai, Nho Quế lách mình qua hẻm Tu Sản. Phía trên dòng ngọc bích huyền thoại, lác đác những em bé Mông bám vào vách đá cheo leo cắt cỏ, điệu nghệ như những chú dê núi đánh vật với địa hình khấp khểnh kiếm miếng ăn. Phải chăng, trong bể dâu này, để được sống chưa bao giờ là dễ dàng với cả con người lẫn vạn vật, đầy chông gai và bất trắc bủa vây.

Đi qua nhiều miền đất, miền người của Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh… tôi mới nghiệm ra rằng, nơi đây, sự sống sinh ra trên đá. Nên đá là lịch sử, là văn hóa, là trầm tích khốn khó trong cuộc tồn sinh. May thay trên đá ấy, không chỉ có vòng đời của ngô lúa nhọc nhằn tuần hoàn năm tháng mà còn có cả hoa đào, lê, mơ, mận xúng xính điểm tô. Là đá nở hoa!

Cũng cần nói thêm, nếu không quen với “cái sự khổ” thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đến cao nguyên khát, càng phải đắn đo hơn nữa với những vùng đất xa xôi như Săm Pun, Lũng Cú, Xín Cái, Sơn Vĩ, Sủng Là… Bởi thực tế đôi khi không như chúng ta nghĩ, không chỉ có sắc màu lung linh trong những bức ảnh “sống ảo” của mùa vàng ruộng bậc thang, của bạt ngàn trắng tím tam giác mạch, của dòng Nho Quế thẳm xanh, của sự phấn khích và mãn nguyện khi chinh phục mõm đá tử thần. Mà biên viễn Hà Giang luôn thừa thãi ghập ghềnh, nhìn đâu cũng thấy đá tai mèo nhe nanh giương vuốt, núi cao vực sâu lởm chởm chực chờ.

Nhưng, cuộc đời này chỉ có một lần để sống, để trải nghiệm. Và Hà Giang, phía ấy luôn nắm níu gọi mời.

Ngay lúc này đây, lại nhớ những buổi chiều trên núi cao, lồng lộng gió trời, mơ màng sương tung cánh trắng thiên di. Phía đó núi xanh, sông xanh, thung xanh và tóc em xanh… Hết thảy thiên thanh. Có phải nợ duyên không mà sao tôi cứ rưng rức với miền cao?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/rung-ruc-mien-cao-i696302/