Ngồi trong đêm đợi lấy nước cùng má

Khi đi qua đường Thái Nguyên, TP. Nha Trang, bạn có chú ý tới hàng me già ở đó không? Tôi có một ký ức đẹp với hàng me trên đường Thái Nguyên mà hơn 50 năm trước có tên gọi là đường Gia Long. Ký ức đẹp vì hồi đó cả hàng me dễ chừng gần 100 cây được trồng đang tuổi lớn, lề đường lót đá và rất ít nhà cửa bao quanh. Hàng me chuyển đủ bốn mùa từ khi lá xanh đến mùa ra hoa, kết trái và rụng lá. Tôi vẫn thường đi trên con đường đó để vào một con hẻm nhỏ, ấy là nơi ở của công nhân đường sắt, một con hẻm nhỏ hun hút sâu, có chia nhánh và là con đường cụt. Trong con hẻm đó có một căn phòng nhỏ, nơi má tôi ở.

Con đường Thái Nguyên vào thời ấy có cả trăm cây me cổ thụ, và hiện nay đã rất già, bị chen lấn bởi phố, nhiều cây chết và nhiều cây không phát triển nữa. Cũng vào thời điểm đó, vỉa hè còn rất rộng, vì nhà cửa chẳng có bao nhiêu, ngay khu vực bây giờ là Ngân hàng TMCP Nam Á vẫn chỉ là một mảnh đất trống. Nhà thờ Chánh Tòa vẫn để trống khuôn viên phía trước, tigôn đến mùa hoa nở hồng phủ từ trên nhà thờ xuống rất đẹp.

Hàng me trên đường Thái Nguyên (Nha Trang). Ảnh: G.C

Không biết bao nhiêu lần tôi đi dưới hàng me ấy để tới nhà má. Đất trời chuyển dịch đủ bốn mùa thì tôi đi dưới hàng me đủ bốn mùa. Thường thì cây me trước khi ra hoa lá rụng rất nhiều, gió cứ thổi và lá me rụng, trải thảm cả con đường. Đến mùa me ra hoa, những cánh hoa cũng rụng xuống giống như dự phần tạo cho con đường thêm kỳ ảo. Hồi đó, tuổi thơ của tôi và bạn bè đồng lứa gần như không có gì vui chơi, ngoài việc nghỉ hè đi vào các đồng ruộng vừa cày xong để bắt dế, ra biển tắm, và tôi khám phá thú vui là trèo lên những cây me, hái những trái me non ăn. Thường thì chúng tôi chuẩn bị sẵn một gói muối ớt có thêm đường, rồi leo lên cây me nào đó ưng ý, hái me chấm muối ớt và ăn luôn trên cây. Cũng vào thời đó, me cứ kết trái, chín rụng, chẳng ai hái me làm gì. Bây giờ, người ta mua cả lá me non, mua me chín đem về để chế biến ra các món ăn.

Đó là những ngày tôi đến nhà má. Má lấy một ông tài xế lái xe lửa sau khi chia tay với ba tôi, ông thường xuyên đi tàu nên má ở một mình và cũng phải tự mình mưu sinh. Trong các nghề mưu sinh, má đi chợ giùm, nấu cơm giùm, lên đồng phụ việc, và nghề chính của má là gánh nước đổ thuê cho những nhà giàu trong xóm.

Hồi đó, nước máy không có nhiều, nhà nhà thường đào giếng lấy nước, nhưng nước ăn thì phải lấy ở các trụ nước công cộng. Ngay trên đường, trụ nước công cộng luôn mở nước cả ngày lẫn đêm để cho người dân trong khu vực lấy nước về nấu ăn. Nhà nào cũng có những chiếc lu để chứa nước, và tất nhiên họ “đặt” nước qua những người lấy nước thuê, trong đó có má tôi. Má nhận đổ nước cho một số nhà. Thường thì họ đặt các lu đựng nước phía sau nhà, có cánh cửa nhỏ được khóa lại. Người đổ nước thuê chỉ việc mở cánh cửa phía sau đó để đổ nước, phần lớn là trong đêm, sáng hôm sau ghé lấy tiền.

Không phải một mình má đi đổ nước, cả khu vực có chừng 20 người đổ nước thuê, một số khác là những người tự đi lấy nước hoặc những người giúp việc đi lấy. Hai chiếc thùng lấy nước làm bằng tole có quai, má móc vào đòn gánh mà gánh. Mỗi chiếc thùng chứa 20 lít nước, mỗi ngày có khi má gánh trên vai tới 20 đôi nước như thế.

Vòi nước công cộng trên đường Thái Nguyên bây giờ không còn nữa. Dấu ấn của khu nhà hỏa xa năm xưa cũng đã thay đổi, chủ của những ngôi nhà đó chắc cũng đã rời khỏi, không còn ở nữa. Căn nhà má ở cũng đã trả lại, khi má rời Nha Trang theo chồng vào Sài Gòn.

Nhưng loang loáng trong ánh đèn đêm, trong mùi hương hoa me nở là tôi ngồi cùng má trong đêm, những chiếc thùng xếp dài bên vòi nước đợi lấy nước. Cứ thế, hết người này đến người nọ đưa thùng của mình vào hứng đầy. Rồi đôi vai mong manh gánh đôi nước đầy đi đổ cho người ta. Những đêm đến nhà má, tôi ngồi canh nước cho má, và trong âm thanh nước chảy có âm thanh của những bản nhạc ai mở buồn buồn, trong con hẻm từng giọt nước rơi theo đôi chân má. Để rồi một lần má vấp một viên đá ai bỏ giữa con hẻm nhỏ và té, nước đổ loang ra, loang ra… Má phải nghỉ cả tháng trời không đi đổ nước vì trật chân.

Hàng me trên đường Thái Nguyên vẫn còn đó, mỗi năm vẫn có mùa lá rụng, có mùa hoa. Và ký ức ngồi trong đêm Nha Trang đợi má gánh nước thuê là một phần của tuổi nhỏ của tôi.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202405/ngoi-trong-dem-doi-lay-nuoc-cung-ma-f8e1e31/