Đường quê muôn nẻo

Dù sống ở làng quê nhưng đố ai đếm được quê mình có bao nhiêu con đường! Đường xóm dưới nối xóm trên. Đường nối làng với làng. Đường liên thôn, liên xã. Đường dẫn ra đồng. Đường lên nương rẫy. Đường tới sân đình trong tiếng trống thập thình giữa mùa lễ hội. Đường lên chùa trong đêm trăng thanh, thánh thót tiếng chuông ngân…

Tôi sinh ra ở một vùng quê có vô số con đường lớn, nhỏ, không tên. Có con đường chỉ là cái bờ ruộng lồi lõm vết chân trâu vừa đủ một người đi. Có con đường quanh co giữa các khu vườn, mùa xuân ngát thơm mùi hoa trái. Có con đường nằm cạnh những bờ tre xào xạc bởi gió nam non thổi mạnh giữa ngày hè và trên ngọn cao rộn rã tiếng gọi bầy “chích chà chích chặc” của loài chim chèo bẻo…

Quê nghèo và tuổi thơ đi qua, với tôi, những con đường ấy đã để lại bao kỷ niệm. Nhớ hoài hồi mình lên 6 tuổi, một ngày mùa đông, cha dắt tôi đi trên con đường dẫn ngang qua cánh đồng nhỏ đến nhà ông thầy giáo làng để học chữ. Đường trơn, có chiếc cầu tre gập ghềnh, nhiều chỗ đầy bùn, có đoạn cha phải cõng. Đó là buổi đầu tiên trong đời tôi đi học và khởi đầu bằng cách tập làm quen với mấy chữ cái a, b, c mà thầy giáo già đã ghi vào cuốn vở. Nhớ những lần mấy chị em tôi đón mẹ ngay trên con đường đầu xóm, khi phiên chợ chiều đã tan. Mỗi đứa một miếng bánh tráng nướng kèm theo lát cơm dừa già nho nhỏ mẹ cho, để rồi đứa nào cũng hí hửng, thích thú, ăn thật chậm, như muốn kéo dài vị béo của dừa, mùi thơm của bánh.

Ảnh internet.

Người quê một nắng hai sương. Quên sao được có lần đang buổi trưa hè, trên con đường từ ruộng, vác cày về nhà, lưng áo trắng mồ hôi muối, vậy mà vào nhà một lát, cha đã vui cười, hỏi: “Các con hôm nay đến lớp có vui không?”. Quên sao được với gánh hàng xén trên vai, mẹ tôi rong ruổi tháng ngày trên các con đường, khi tới xóm dưới, lúc đến làng trên để bán cho bà con, kiếm thêm đồng tiền lời khi vụ mùa chưa tới.

Thật khó kể hết những dấu ấn khó phai mờ gắn liền với những con đường quê nơi chúng ta từng sống. Tôi nhớ những năm chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, khắp các vùng đất trong làng, kể cả những con đường đều bị bom đào, đạn xới. Một đầu thúng đựng áo quần, đồ đạc, đầu còn lại cho đứa em út ngồi vào, mẹ vừa gánh, vừa dẫn chúng tôi chạy giặc cùng dân làng…

Ngày đất nước hòa bình, trên các con đường lại nhộn nhịp những bước chân. Chúng tôi lớn lên, mỗi người đi một nẻo, để rồi bao ký ức về thời non trẻ luôn hiện lên cùng nỗi nhớ; để rồi mỗi lần về thăm quê là thêm một lần bồi hồi khi dừng chân đâu đó ở những đoạn đường mình từng đi qua với bao yêu thương, dù rằng dòng chảy thời gian đã làm đổi thay bao nhiêu cảnh vật. Rất nhiều con đường ở quê tôi giờ đã được trải nhựa hay đổ bê tông kiên cố, nhưng những con đường lớn nhỏ không tên, nhiều chỗ gập ghềnh vẫn còn và vẫn như xưa, dẫn đi muôn nẻo.

Cách đây không lâu, tôi về thăm quê, dừng chân ngay nơi chiếc cầu tre, ở đoạn ngày xưa lần đầu cha cõng tôi đi học. Lòng chợt rưng rưng khi nhìn về cái xóm phía bên kia cánh đồng, nơi ông thầy giáo già đã dạy tôi làm quen với mấy con chữ a, b, c…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202405/duong-que-muon-neo-b601ba3/