Rộn ràng làng nghề làm bánh ú tro

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến làng Hoán Mỹ, khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào một ngày cận Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch).

Các “thợ gói” bánh ú tro.

Vào hè, nắng vàng hoe trải dài trên cánh đồng lúa sau cổng chào bề thế vào làng Hoán Mỹ với nghề làm bánh ú tro truyền thống, đang rộn ràng gói bánh, nấu bánh, chở bánh… tỏa hương thơm thoang thoảng quanh làng.

Bà Nguyễn Thị Vân (65 tuổi) cho hay, hàng năm, cứ trước Tết Đoan Ngọ khoảng một tháng, cả làng rộn ràng bởi nhiều người đến nhà đặt cọc tiền mua bánh. Trong làng, người thì lên núi hái hay mua lá đót về gói bánh, người chuẩn bị đắp lò, củi lửa, nồi nấu, dây gói… Ai có việc gì cũng tạm gác lại, tập trung cho gói bánh mồng 5. Nhà nào gói nhiều thì kêu hơn 10-15 thợ gói, nhà gói ít thì kêu thêm vài thợ gói. Mọi người quây quần giữa nhà, vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả.

Vừa gói bánh tro, ông Lê Phước Thiện (68 tuổi) “bật mí” cách thức làm bánh ú tro. Theo đó, trước khi nấu bánh tro, người làng Hoán Mỹ đi xin hoặc đốt thân cây mè để lấy tro, sau đó lọc lắng lấy nước (màu vàng - P.V) rồi hòa nước tro với vôi ăn trầu để lắng lại, gọi là nước tro mè. Tiếp đến, chọn nếp (nếp đặc biệt) ngâm với nước tro mè để khi nấu lên bánh sẽ có màu vàng. Có 2 loại bánh ú tro: bánh có nhân đậu đen xanh lòng và không nhân. Đậu đen đem luộc, bóc vỏ, xay nhuyễn, vo tròn rồi đem thắng đường tán… sau đó mang phơi khô. Để chín bánh, phải nấu khoảng 4 - 5 giờ. Từ mồng 1 tới mồng 3, cả làng nhà nhà đều gói, nấu bánh ú tro để có sản phẩm đem giao cho khách hàng. “Mấy ngày gần Tết Đoan Ngọ, tôi phải thuê người gói bánh mới kịp giao cho khách. Mặc dù bận rộn nhưng ai nấy đều hào hứng vì bánh rất “hút hàng”. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể gói bánh được, làm nhiều hóa quen tay thôi. Do lượng đặt hàng lớn nên tôi chỉ làm trong khả năng của mình, nhiều người đặt thêm, tôi không dám nhận”- ông Thiện chia sẻ thêm.

Công đoạn kiểm tra nước trong nồi nấu bánh ú tro.

Là người nấu bánh tro nhiều nhất khu vực này, theo ông Trần Phước Dũng, công đoạn chuẩn bị lá gói, chuẩn bị nguyên liệu tới gói bánh, nấu bánh đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo. Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình ông sản xuất 100.000 bánh ú tro, với giá bỏ sỉ khoảng 14.000 đồng / 1 chục (10 cái). Sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 40 triệu đồng. Với thâm niên 30 năm trong nghề làm bánh, theo ông Dũng, bánh ú tro có hương vị thơm ngon, tác dụng thanh nhiệt, rất hợp để thưởng thức trong thời tiết oi bức đầu hè. Bánh ú tro thơm mát được ăn kèm với đường cát vàng hoặc cát trắng.

Dù có truyền thống gói bánh ú tro phục vụ cho Tết Đoan Ngọ từ xưa đến nay, song người dân làng Hoán Mỹ không ai lý giải được bánh tro có từ khi nào, không ai biết ông tổ nghề là ai mà cũng chẳng ai hay gốc tích nó từ đâu. Chỉ biết, nó đã trở thành nghề truyền thống của làng.

Qua tìm hiểu, được biết, hiện làng nghề Hoán Mỹ có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro với khoảng 500 “thợ gói” vào dịp Tết Đoan Ngọ và các dịp ngày Rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng. Trong đó, dịp Tết Đoan Ngọ và Tết cổ truyền, lượng bánh tiêu thụ gấp 100 lần ngày thường. Đa phần số lượng bánh ú tro cả làng sản xuất đều có bạn hàng đặt trước để bỏ mối cho các người bán ở các chợ khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng… Nếu du khách đến làng vào ban đêm sẽ thấy cả làng sáng lên bập bùng bởi cả trăm lò bánh đang đỏ lửa, ấn tượng vô cùng. Năm nay, cả làng ai nấy đều phấn khởi vì lượng bánh được khách đặt mua khá nhiều.

Nghề nấu bánh ú tro đã, đang được người dân làng Hoán Mỹ gìn giữ và phát triển như nét văn hóa độc đáo của đất và người xứ Quảng.

Tiên Sa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ron-rang-lang-nghe-lam-banh-u-tro-post261891.html