'Rào chắn' Bal/Bal-E – Khi sức mạnh đến từ số đông

Là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới, tiếp giáp với nhiều đại dương nên không khó hiểu tại sao Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay lại sở hữu bộ sưu tập đa dạng các dòng tên lửa bờ đối hải mạnh mẽ và uy lực.

Tổ hợp tên lửa bờ Bal và Bal-E (biến thể xuất khẩu) được phát triển và đưa vào trang bị chính vì những mục đích như trên. Nó là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại, khả năng cơ động và tung các đòn đánh bất ngờ đủ để hạ gục không chỉ những chiến hạm hạng nặng, mà thậm chí là cả hạm đội của đối phương trong tầm bắn.

Một mắt xích trong hệ thống phòng thủ liên hoàn

Không khó để nhận ra, Quân đội Liên bang Nga hiện tại duy trì đồng thời các tổ hợp tên lửa bờ siêu âm, cận âm và pháo bờ biển. Sự kết hợp giữa Bastion-P với tên lửa siêu âm, tầm bắn xa tới 800km với Bal và Rubezh với tên lửa cận âm, tầm bắn tới 300km và các tổ hợp pháo bờ biển Bereg-E có tầm bắn dưới 100km tạo ra hệ thống phòng thủ bờ biển đa tầm và khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải kiêng nể.

Lợi ích của một hệ thống tác chiến liên hoàn chính là việc các tổ hợp vũ khí hỗ trợ cho nhau về nhận diện, chỉ thị mục tiêu, cũng như tối ưu hiệu năng tác chiến tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao.

Tổ hợp Bal/Bal-E có thể hoạt động độc lập hoặc là một thành phần trong hệ thống phòng thủ đa tầng, liên hoàn. Ảnh: Rostec

Trong hệ thống, các tổ hợp Bastion-P với khả năng hoạt động độc lập cao, radar và hệ thống cảnh giới mạnh mẽ hoàn toàn có thể phát hiện ra mục tiêu và cảnh báo sớm để các tổ hợp Bal và Rubezh sớm có phương án đối phó và tấn công mục tiêu.

Một điều quan trọng hơn nữa là khả năng đồng bộ tín hiệu phát hiện, theo dõi và dẫn bắn mục tiêu giữa các tổ hợp vũ khí phòng thủ bờ biển, chiến hạm và phương tiện chiến đấu trong khu vực tác chiến đã được Nga phát triển và thử nghiệm trong các đợt diễn tập.

Các hệ thống radar giám sát Mineral-ME của tổ hợp Bal/Bal-E có thể dễ dàng kết nối vào trao đổi thông tin với các hệ thống radar Monolith-ME của tổ hợp tên lửa bờ Rubezh hay với các hệ thống radar trên hạm như Pozitiv-ME và Fregat-ME trong khu vực tác chiến giúp mở rộng vùng giám sát thêm hàng trăm km, cũng như tăng khả năng phát hiện, kháng nhiễu và dẫn bắn tên lửa vào mục tiêu được chỉ thị. Ngoài ra, không gian chiến đấu cũng có thể được mở rộng nếu có sự “góp mặt” của thông tin trinh sát vệ tinh và các loại máy bay chiến đấu cánh cố định hoặc trực thăng hải quân.

Nói cách khác, tổ hợp tên lửa bờ Bal/Bal-E hay bất kỳ loại vũ khí nào trong khu vực tác chiến chính không chỉ đơn thuần là một tổ hợp vũ khí đơn lẻ, mà là một phần tử trong hệ thống tác chiến hợp nhất. Trong cùng hệ thống, các tổ hợp vũ khí có thể đồng thời tấn công hay lựa chọn các mục tiêu giá trị để tung đòn kết liễu. Đối đầu với hệ thống như vậy, đối phương sẽ có rất ít cơ hội để phòng ngự hay đáp trả. Cùng với đó, việc đối phó với hệ thống đa tầng, đa lớp như vậy sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ phải tìm phương án đối phó với một loại vũ khí cụ thể.

Vũ khí phát triển từ sự kế thừa

Theo các thông tin được Tập đoàn quốc doanh Liên bang Nga Rostex công bố, những ý tưởng và phác thảo ý tưởng về tổ hợp tên lửa bờ mới có khả năng cơ động cao, nhỏ gọn, đa năng và đáp ứng được cả khả năng trang bị cho quân đội và xuất khẩu đã được Tổ hợp thiết kế KBM Kolomna thực hiện từ giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đây chính là tiền đề để tổ hợp tên lửa bờ Bal ra đời.

Bal/Bal-E đánh dấu xu hướng phát triển vũ khí tên lửa bờ của Liên Xô và Nga tối ưu giữa chi phí và hiệu quả chiến đấu. Ảnh: Topwar.ru

Sau quá trình thử nghiệm cấp quốc gia, tổ hợp tên lửa bờ Bal chính thức được chấp nhận vào trang bị quân đội Liên bang Nga từ năm 2004 với nhiều điểm đặc biệt.

Đầu tiên toàn bộ tổ hợp đã được nâng cấp hệ thống điện tử thế hệ mới giúp giảm kích thước và số lượng phương tiện có trong trang bị, nhưng vẫn đảm bảo được sức mạnh tác chiến tổng thể. Toàn bộ tổ hợp được đặt trên khung gầm xe dã chiến bánh hơi 8x8 MZKT-7930 giúp tăng khả năng cơ động và thời gian triển khai, thu hồi. Khung gầm xe dã chiến do Belarus phát triển này được thiết kế có thể chạy trên nhiều địa hình khác nhau. Đặc biệt trên đường trường, tổ hợp Bal có thể cơ động không khác gì các phương tiện giao thông bình thường.

Bal cũng là tổ hợp tên lửa bờ đầu tiên của Nga dùng đạn tên lửa diệt hạm cỡ nhỏ, bay cận âm và có hành trình bay phức tạp thay vì các loại tên lửa siêu âm. Dù chúng có tốc độ bay nhanh, tầm bay xa, nhưng lại quá to lớn, nặng nề và khó phù hợp trong tác chiến cơ động nhanh. Trong thực tế, tổ hợp Bal được đưa vào trang bị để thay thế cho các tổ hợp tên lửa bờ Redut (Định danh NATO là SSC-1 hoặc Sepal) và Rubezh (SSC-3 hoặc Styx) thời Liên Xô vốn sử dụng các loại đạn tên lửa diệt hạm nặng nề và thiếu khả năng cơ động.

Mỗi tổ hợp Bal có 4 xe phóng (8 tên lửa mỗi xe), 4 xe tiếp đạn và 2 xe chỉ huy, hỗ trợ. Việc ứng dụng công nghệ điều khiển mới giúp mỗi xe phóng đạn chỉ cần 3 thành viên điều khiển. Thời gian triển khai, thu hồi của tổ hợp tên lửa bờ này ở điều kiện dã chiến chỉ khoảng 10 phút. Điểm đặc biệt của tổ hợp Bal là ngoài việc sục sạo, tìm kiếm mục tiêu bằng hệ thống trinh sát tự thân, nó có thể tiếp nhận thông tin về mục tiêu từ các đơn vị chiến đấu khác ngay trong quá trình di chuyển để khi chuyển trạng thái có thể khai hỏa được ngay.

Nhờ sự nhỏ gọn của trang bị, tổ hợp Bal có thể được vận chuyển đường không bằng các máy bay cỡ lớn như An-124 Ruslan hoặc An-22.

Nhỏ gọn, cơ động cao và hỏa lực mạnh mẽ và được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại là những điểm đặc biệt của Bal/Bal-E. Ảnh: RIAN.

Nhỏ, nhưng là sát thủ

Yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi tổ hợp Bal chính là đạn tên lửa diệt hạm Kh-35/Kh-35U Uran với tầm bắn lần lượt là 120-260km.

Tốc độ bay cận âm, khả năng bay bám địa hình ở độ cao thấp và cực thấp (có thể xuống tới 5m), quỹ đạo bay phức tạp và nhỏ gọn chính là những lợi thế chính của đạn tên lửa Uran.

Chính vì hình dáng có nhiều nét tương đồng với dòng tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ, nhiều chuyên gia đã coi Uran là “Harpoon” của Nga.

Giống như các dòng tên lửa diệt hạm có tầm bắn vươn xa khỏi đường chân trời, Kh-35/Kh-35U sử dụng cơ cấu dẫn đường hỗn hợp. Đạn tên lửa trên bệ phóng được nạp thông số về vị trí mục tiêu từ hệ thống điều khiển. Trong các pha bay đầu tiên, đạn tên lửa bay theo hệ dẫn đường quán tính. Tới giai đoạn tiếp cận, đạn tên lửa sẽ hạ độ cao xuống cực thấp và mở radar sục sạo mục tiêu chủ động để tấn công vào vùng mớn nước trên thân tàu chiến.

Với đầu nổ phá mảnh nặng 145kg, tên lửa Kh-35/Kh-35U được lập trình để phát nổ khi xuyên qua lớp vỏ thép của tàu. Vụ nổ không chỉ tạo sức sát thương lớn, mà còn tạo ra các vụ cháy khiến thân tàu bị biến dạng không thể khắc phục và chìm. Trong các bài thử nghiệm tên lửa Kh-35/Kh-35U được đánh giá có khả năng vô hiệu hóa các chiến hạm có lượng choán nước tới 5.000 tấn, thậm chí là lớn hơn với nhiều đạn tên lửa tấn công cùng lúc.

Đạn tên lửa diệt hạm Kh-35/Kh-35U có tình phổ dụng cao khi được trang bị trên nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau của Nga. Ảnh: RIAN.

Giới chuyên gia đánh giá, sự nguy hiểm của tên lửa Kh-35/Kh-35U không phải nằm ở tốc độ, quỹ đạo bay của tên lửa, mà là số lượng tên lửa có thể được sử dụng tấn công đồng thời.

Mỗi tổ hợp Bal có thể khai hỏa tối đa tới 32 đạn tên lửa gần như cùng lúc. Việc đối phó với với số lượng lớn tên lửa tấn công tiếp cận như vậy sẽ khiến mọi hệ thống phòng thủ trên hạm bị quá tải. Với chi phí mỗi đạn tên lửa chỉ khoảng 500.000 USD, việc tiêu tốn vài triệu USD để hạ các chiến hạm hạng nặng có giá trị tới hàng tỷ USD là cuộc chơi bất đối xứng.

Ngoài ra, trong thử nghiệm mới đây, tổ hợp tên lửa Bal còn có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ với tầm bắn lên tới hơn 500km.

TUẤN SƠN-NGỌC HƯNG (theo Rostec)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/rao-chan-bal-bal-e-khi-suc-manh-den-tu-so-dong-679665