Dubai khởi động dự án tái tạo bờ biển lớn nhất thế giới

Dự án Dubai Mangroves sẽ trồng mới hơn 100 triệu cây ngập mặn, tạo nên một hệ sinh thái ven biển trù phú, đa dạng sinh học và có khả năng hấp thụ hơn 1,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Rừng ngập mặn Dubai được coi là dự án tái tạo bờ biển lớn nhất thế giới. (Nguồn: URB)

Rừng ngập mặn Dubai được coi là dự án tái tạo bờ biển lớn nhất thế giới. (Nguồn: URB)

Dubai sẽ khởi động dự án phục hồi rừng ngập mặn ven biển lớn nhất thế giới, trải dài hơn 70km bờ biển, mang tên "Dubai Mangroves."

Dự án đầy tham vọng này hứa hẹn sẽ biến đổi diện mạo bờ biển Dubai, đồng thời mang lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Hơn 100 triệu cây ngập mặn sẽ được trồng mới, tạo nên một hệ sinh thái ven biển trù phú, đa dạng sinh học và có khả năng hấp thụ hơn 1,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Theo URB, công ty phát triển đô thị bền vững thúc đẩy sáng kiến, con số này tương đương với việc loại bỏ 260.000 phương tiện chạy bằng khí đốt khỏi đường phố.

Ông Baharash Bagherian, nhà quy hoạch đô thị và người sáng lập URB, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án: "Rừng ngập mặn là hệ thống phòng thủ tự nhiên của thiên nhiên chống lại xói lở bờ biển và nước biển dâng cao - những vấn đề cấp thiết đối với bất kỳ thành phố ven biển nào, trong đó có cả Dubai."

Dự án Dubai Mangroves ban đầu được đề xuất là một phần của Dubai Reefs (Rạn san hô Dubai), sau đó được tách ra thành một sáng kiến riêng biệt.

Theo ông Bagherian, mục tiêu của dự án là giải quyết các thách thức về môi trường và đô thị. Cụ thể, dự án hướng đến mục tiêu chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Khả năng tự nhiên của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu nước biển dâng - bằng cách dần dần tạo ra vùng đệm giữa biển và đất liền - và loại bỏ carbon dioxide trực tiếp từ khí quyển sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu này.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ, rừng ngập mặn có thể thực hiện điều này nhanh hơn 10 lần so với các khu rừng nhiệt đới trưởng thành và lưu trữ carbon dày đặc hơn từ ba đến năm lần.

Lợi ích của rừng ngập mặn không chỉ dừng lại ở khả năng hấp thụ khí CO2. Chúng đóng vai trò như vườn ươm cho sinh vật biển, tạo môi trường sống tự nhiên cho cá, chim và các loài thực vật khác, qua đó gia tăng tính đa dạng sinh học.

Rừng ngập mặn còn cải thiện trực tiếp nền kinh tế của các cộng đồng ven biển bằng cách hỗ trợ nghề cá và nuôi trồng thủy sản, cũng như cung cấp nguyên liệu cho thủ công mỹ nghệ và xây dựng.

Hơn nữa, rừng ngập mặn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn, giống như nhiều khu vực có hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới.

Dự án Dubai Mangroves được chia thành nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn nghiên cứu hiện tại, dự án sẽ xác định các địa điểm phù hợp nhất để trồng rừng ngập mặn.

Tổng cộng 6 địa điểm tiềm năng đã được xác định, bao gồm Jebel Ali Beach, Dubai Marina Beach, Jumeirah Public Beach, Umm Suqeim Beach, Mercato Beach và Dubai Islands Beach.

Ở giai đoạn thí điểm tiếp theo, các khu vực thí điểm sẽ được trồng rừng ngập mặn để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm. Sau khi giai đoạn thí điểm thành công, dự án sẽ được triển khai trên toàn bộ 70 km bờ biển.

Dự kiến, dự án Dubai Mangroves sẽ hoàn thành vào năm 2040. Dự án này hứa hẹn sẽ trở thành một biểu tượng cho sự phát triển bền vững của Dubai và góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Ngoài dự án Dubai Mangroves, URB còn ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo khác, chẳng hạn như trang bị cho Dubai hơn 1.000km đường dành cho xe đạp vào năm 2040 và dự án Dubai Reefs - một cộng đồng nổi dành cho nghiên cứu biển và du lịch sinh thái, bao gồm rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dubai-khoi-dong-du-an-tai-tao-bo-bien-lon-nhat-the-gioi-post948352.vnp