Ra mắt sách và triển lãm 'Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật'

Triển lãm tranh và ra mắt sách 'Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật' sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng, thứ 4, 20/12/2023 tại phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Sách "Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật" dày gần 300 trang, kích cỡ 25x30cm do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép, công ty Liên Việt in. Cuốn sách chọn lọc gần trăm tác phẩm trên nhiều chất liệu từ bột màu, màu nước, tổng hợp, lụa, các ký họa trên giấy sáng tác từ năm 1954 đến 2004. Họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển.

Còn triển lãm tranh trưng bày 42 tác phẩm, kéo dài từ 20/12 đến 29/12/2023.

Họa sĩ Linh Chi (1921-2016), một trong các học trò khóa mỹ thuật kháng chiến (1951-1954) do thầy Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Ông tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Tháng 9/1944, khi mới 23 tuổi ông đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên trưng bày 43 tác phẩm sơn dầu và bột mầu tại Phòng Thông tin Tràng Tiền (Hà Nội).

Trong tranh của ông, người xem có thể thấy đề tài rất đa dạng từ phụ nữ áo dài, sơn nữ, phong cảnh nông thôn, miền núi và các chất liệu sở trường của ông như lụa, bột màu, khắc gỗ…

Trong đó, lụa là chất liệu ông vẽ nhiều nhất và để lại dấu ấn riêng. Lụa chỉ là một chất liệu để ông vẽ, ông tỏ bầy cảm xúc của mình, ông không quá nương vào cái loang nhòe vốn có của lụa mà bất kể họa sĩ nào vẽ lụa cũng khai thác. Ông vẫn diễn khối bằng đậm nhạt nhưng chỉ gợi chứ không vờn tỉa gò gẫm.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tranh lụa của ông có nhiều mảng phẳng và nghiêng về đồ họa, giữa gợi khối bằng đậm nhạt với mảng phẳng, giữa mảng phẳng và đi nét là mỹ cảm riêng có của ông. Lụa vẫn là lụa nhưng đã mới hơn, hiện đại hơn.

Nhà báo Đào Mai Trang nhận xét, tranh của Linh Chi chứa đựng một góc tinh thần thuần hậu Việt Nam, dung dị, thanh bình, chan chứa tình cảm và đầy hoài niệm về một vẻ đẹp hiện thực nhưng có lẽ ngày càng rời xa thực tại xô bồ của cuộc sống bên ngoài phòng vẽ của ông. Ông đã chọn cách lặng lẽ và bình yên sống, lặng lẽ và bình yên chăm chút cho hội họa với cái đẹp của cuộc đời, theo tâm trí ông. Bởi đấy chính là con người ông, không vì hoàn cảnh mà thay đổi

Từ năm 1954 đến khi nghỉ hưu, ông về công tác tại Nhà in Quốc gia sau đó chuyển về tại Xunhabasa (Cơ quan xuất nhập khẩu sách báo). Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài sáng tác.

Tuy sống hết sức khiêm nhường, nhưng với tài năng hội họa của minh, họa sĩ Linh Chi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tranh của ông hiện đang được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng lớn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Đông Phương Moscou (Nga); Bảo tàng Á – Phi Vacsava (Ba Lan); Bảo tàng Á – Phi (Thụy Sỹ)... Rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Linh Chi đã được công chúng đón nhận và hiện đang được lưu giữ trong các bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nơi, trong và ngoài nước.

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật":

"Thiếu nữ Hà Nội", màu nước, 1957

"Phố Lãn Ông", lụa, 1997

"Hoa giấy", bột màu và màu nước, 1989

"Hai cô Mường", bột màu, 1956

"Con gái", lụa, 1981

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ra-mat-sach-va-trien-lam-hoa-si-linh-chi-song-trong-nghe-thuat-post560962.antd