Quyết định kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền

NGUYỄN NGỌC THÁI - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng NamViệc tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất sẽ giúp HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền và giảm áp lực cho các kỳ họp thường lệ, cần nghiên cứu tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh phù hợp. Theo đó, thời gian tổ chức các kỳ họp nên rút ngắn; xem xét hợp lý thành phần mời tham dự; các Ban HĐND tỉnh đổi mới phương thức, hình thức giám sát, khảo sát, thẩm tra để bảo đảm về mặt thời gian và chất lượng.

Giảm áp lực cho kỳ họp thường lệ

Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X vừa chỉ tổ chức trong một ngày nhưng HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận 17 nội dung, chưa kể nội dung về công tác nhân sự và đã ban hành 13 nghị quyết (trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật). Tuy thời gian không nhiều, nhưng các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, góp ý sâu sát cho các nội dung trình kỳ họp, nhất là các đề án trước khi biểu quyết thông qua. Từ kỳ họp này có thể rút ra kinh nghiệm: để tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh nói chung, kỳ họp chuyên đề và kỳ họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất nói riêng nhằm quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Nam

Trước hết, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 - điều khoản sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan”. Như vậy, từ ngày 1.7.2020 khi Luật số 47/2019/QH14 có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND các cấp chỉ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được luật giao, không tiếp tục áp dụng các văn bản dưới luật có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND.

Từ quy định của luật, hiện nay các nội dung HĐND tỉnh phải xem xét, quyết định tăng lên rất nhiều, nhất là trên lĩnh vực đầu tư phát triển, tài chính - ngân sách... Thực tế, các nội dung này phát sinh liên tục, yêu cầu cần xem xét, quyết định ngay, nếu chờ đến kỳ họp thường lệ hàng năm sẽ chậm trễ trong triển khai thực hiện và có thể dẫn đến hiệu quả không đạt như mong muốn.

Mặt khác, tại các kỳ họp thường lệ trước đây, nội dung trình kỳ họp rất nhiều; với dung lượng quá lớn của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết... đã gây không ít khó khăn cho việc thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; còn đối với các đại biểu kiêm nhiệm, việc nghiên cứu, góp ý lại càng phức tạp. Điều đó dễ dẫn đến việc các đại biểu chỉ tập trung vào một số đề án, báo cáo liên quan trực tiếp đến địa phương, đơn vị mình mà ít quan tâm đến các nội dung khác. Bên cạnh đó, do thời gian tổ chức các kỳ họp thường lệ cách xa nhau, một số đề án tuy chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa được thẩm tra kỹ nhưng do yêu cầu về tiến độ vẫn được "thông cảm" thông qua.

Tổ chức các kỳ họp phù hợp để nâng cao chất lượng

Từ phân tích như trên cho thấy, việc tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất sẽ giúp HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền và giảm áp lực cho các kỳ họp thường lệ. Do vậy, cần nghiên cứu tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh một cách phù hợp. Tại các kỳ họp thường lệ chỉ tập trung xem xét, quyết định các nội dung thường kỳ, còn các đề án về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, việc cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, giải quyết các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ... sẽ được trình tại các kỳ họp chuyên đề. Tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh theo hướng này, cần quan tâm một số nội dung.

Theo đó, tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề, kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất (khoảng từ 1 - 2 tháng tổ chức một lần). Do số lượng các kỳ họp tăng lên đáng kể, thời gian tổ chức các kỳ họp cũng nên rút ngắn từ 1 - 1,5 ngày. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét hợp lý thành phần mời tham dự các kỳ họp, nhất là các kỳ họp chuyên đề, kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất ngoài đại biểu HĐND tỉnh chỉ nên mời đại diện các cơ quan liên quan trực tiếp đến nội dung kỳ họp. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tham mưu các nội dung cho UBND trình HĐND tỉnh. Cũng do tần suất tổ chức kỳ họp tăng lên, các Ban HĐND tỉnh cần nghiên cứu đổi mới phương thức, hình thức giám sát, khảo sát, thẩm tra để bảo đảm về mặt thời gian và chất lượng. Đồng thời, đòi hỏi Văn phòng phải nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ để tổ chức thành công các kỳ họp.

Với hình thức tổ chức này, nội dung trình mỗi kỳ họp HĐND tỉnh sẽ không quá nhiều, tạo điều kiện cho các đại biểu, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có điều kiện nghiên cứu sâu, tham gia nhiều ý kiến hơn vào các đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết trước khi HĐND thông qua. Đối với các đề án chuẩn bị chưa đạt yêu cầu về nội dung, quy trình có thể tạm thời chưa xem xét để các cơ quan tham mưu bổ sung, hoàn chỉnh mà không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện (vì thời gian giữa hai kỳ họp không quá xa).

Như vậy, việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh hợp lý sẽ tăng cường trách nhiệm các cơ quan tham mưu nội dung trình kỳ họp của đại biểu HĐND, qua đó nâng cao chất lượng các quyết định của HĐND tỉnh.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/quyet-dinh-kip-thoi-cac-noi-dung-thuoc-tham-quyen-i320236/