Quyền giám sát, phản biện đến đâu?

Đảng, Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân phát huy vai trò giám sát, phản biện đời sống kinh tế - xã hội nhằm đẩy lùi cái xấu, cái ác, tạo điều kiện để cái mới, cái đẹp phát triển. Ấy vậy mà trên cầu Nhật Tân, cây cầu đẹp nhất của Thủ đô, dưới trời Thu Hà Nội, lực lượng Công an huyện Đông Anh đã ngăn cản nhà báo tác nghiệp bằng “nghiệp vụ” chẳng thua kém gì kẻ côn đồ!

Người đàn ông mặc áo đỏ tự nhận là chỉ huy hiện trường có hành động đập thiết bị tác nghiệp (thiết bị ghi hình) của Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam. Ảnh cắt clip/vtc.vn

Sáng 23/9, nhóm phóng viên (PV) một số tờ báo có mặt trên cầu Nhật Tân ở vị trí chiếc taxi dừng bất thường và dưới cầu có tài xế tử vong. Một số công an huyện Đông Anh cũng có mặt tại đây. Ở vị trí này không có biển báo cấm quay phim, chụp ảnh hoặc căng dây khoanh khu vực cấm tác nghiệp. PV Trần Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) trong khi tác nghiệp thì bị một người tấn công. PV Quang Thế chống đỡ bằng cách cầm máy chạy thụt lùi trong khi đối tượng kia “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đến chảy máu mồm và đầu thì choáng. Đối tượng còn lại hung hổ quát tháo… Rất may còn nhiều PV khác và người đi đường đã dùng điện thoại ghi được “những thước phim” nóng - những bằng chứng không thể chối cãi về sự thô bạo và xem thường pháp luật.

Điều băn khoăn: Khi cả nhà báo và công an đang thực thi nhiệm vụ cùng trên một địa điểm, cùng một thời gian… tại sao người thi hành công vụ ở tổ chức này lại chống người thi hành công vụ ở tổ chức khác bằng “võ thuật” và đuổi họ ra khỏi khu vực? Nhà báo Quang Thế tác nghiệp đúng quy trình, đúng quyền hạn. Những hình ảnh trên đã không dừng lại ở mức phản cảm, gây bức xúc mà thật sự đã làm giảm niềm tin phần nào của nhân dân đối với lực lượng công an.

Một lãnh đạo của Công an huyện Đông Anh đã đến Văn phòng Báo Tuổi trẻ ở Hà Nội xin lỗi, thừa nhận hành vi không đúng mực, đưa ra nguyên nhân là do áp lực công việc!

Nhiều người dân ở những vị trí, công việc khác nhau khi xem clip, có những lời bình, đại khái: Ở giữa Thủ đô Hà Nội mà còn vậy thì ở vùng sâu, vùng xa dễ bị khuất lấp đi không?

Vụ hành hung PV Báo Tuổi trẻ đang là câu chuyện nóng về quyền tự do ngôn luận, quyền báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ sự thật. Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu Công an huyện Đông Anh báo cáo và sẽ quyết định điều tra làm rõ vụ việc. Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Công an TP điều tra xác minh việc công an hành hung PV, chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 27/9, thông tin trả lời báo chí theo quy định.

Rồi đây Công an huyện Đông Anh sẽ sửa sai như thế nào? Liệu đây đã phải là trường hợp cá biệt ở Đông Anh “con sâu làm rầu nồi canh” cho cả TP Hà Nội?

Sự việc xảy ra ngày 23/9 thì sáng ngày 24/9, tại buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói: “Coi sự hài lòng của người dân là chỉ số phát triển đất nước…”. Ta hiểu sự hài lòng ở đây bao gồm nhiều góc độ trong đời sống kinh tế - xã hội.

Vụ việc đánh PV trên cầu Nhật Tân cần phải lên án, xử lý đúng mực, kịp thời để dần dần có được chỉ số hài lòng của người dân đối với lực lượng công an nhân dân nói chung và Công an Thủ đô nói riêng. Chừng nào hoạt động giám sát, phản biện của mỗi người, mỗi tổ chức được tôn trọng thì giá trị của chỉ số hài lòng mới có ý nghĩa đích thực.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/quyen-giam-sat-phan-bien-den-dau_t114c68n109716