Quan tâm nội dung giáo dục địa phương cho học sinh

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình (được hiểu là địa phương cấp tỉnh). Học sinh trên toàn tỉnh rất hứng thú khi được tiếp cận với nội dung giáo dục này.

Học sinh lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trình bày nội dung về GDĐP trong một tiết học - Ảnh: T.L

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương cho biết, nội dung GDĐP tỉnh Quảng Trị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào giảng dạy bắt buộc kể từ năm học 2020 - 2021. Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh.

Là trường có hoạt động GDĐP tốt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ Hồ Thị Hải Thanh cho biết, nhà trường rất chú trọng lồng ghép nội dung này trong các hoạt động trải nghiệm giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

Hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức xuyên suốt từng năm học với nhiều việc làm thiết thực theo từng tháng. Cụ thể, đó là giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, truyền thống cách mạng cho học sinh thông qua việc giáo dục lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng và tìm hiểu làng nghề truyền thống, văn hóa dân gian. Những hoạt động này luôn được học sinh, phụ huynh, thầy, cô giáo nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường.

Với cấp THCS và cấp THPT, nội dung GDĐP có thời lượng 35 tiết/năm học. Đến nay, nội dung GDĐP đã được dạy ở lớp 6. Riêng nội dung GDĐP của lớp 7 và lớp 10 tỉnh đã trình bộ góp ý, chỉnh sửa, dự kiến sẽ ban hành sớm để các trường đưa vào giảng dạy. Trong khi chờ đợi phê duyệt của bộ, sở cho phép các nhà trường căn cứ vào chủ đề của tài liệu GDĐP đã biên soạn nhằm đưa ra nội dung phù hợp với thực tế của tỉnh để dạy học. Khi tài liệu GDĐP được ban hành, các trường chủ động thực hiện dạy học đảm bảo đủ số tiết yêu cầu để học sinh có cơ hội tiếp thu kiến thức về địa phương sâu sắc hơn.

Em Nguyễn Lê Mai Phương, học sinh lớp 10 Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà cho biết, để chuẩn bị cho tiết học nội dung GDĐP của lớp, cô giáo chia học sinh thành các nhóm, tìm hiểu về chủ đề 1: Địa lý các ngành kinh tế Quảng Trị. Nhóm của em được phân công tìm hiểu về “Phát triển ngành nông nghiệp của Quảng Trị”. Các bạn trong nhóm đã thống nhất lên đề cương và phân công công việc cụ thể cho mỗi người, sử dụng phần mềm trình chiếu Canva để làm việc nhóm.

Sau đó đại diện của nhóm lên trình bày trước lớp những kiến thức nhóm thu hoạch được về chủ đề và trả lời những câu hỏi của các bạn trong lớp. “Nhờ tiết học GDĐP mà chúng em có cơ hội hiểu rõ nông nghiệp là một trong những trụ cột kinh tế chủ lực của tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh…

Đặc biệt, chúng em được thưởng thức sinh tố ngon tuyệt từ quả bơ booth được trồng thành công tại miền Tây Gio Linh. Đây là tiết học thực sự thú vị, hấp dẫn. Chúng em mong được học các tiết GDĐP tiếp theo để hiểu biết hơn quê hương của mình”, Mai Phương chia sẻ.

Nhận xét của đa số giáo viên cho biết, nội dung GDĐP đã tạo ra cơ hội tuyệt vời để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hoặc xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn giúp phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ khiến cho nội dung GDĐP trở nên gần gũi, hấp dẫn với học sinh.

Theo ông Mai Huy Phương, yêu cầu của Bộ GD&ĐT về nội dung tài liệu GDĐP là phải được biên soạn theo hướng mở, giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân…

Vì vậy, Sở GD&ĐT, Ban biên soạn tài liệu GDĐP đã xác định mạch chủ đề của nội dung GDĐP từ lớp 1 đến lớp 12 một cách chặt chẽ, khoa học. Từ đó xác định mức độ cần đạt được của từng chủ đề tương ứng với trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất của học sinh để biên soạn tài liệu phù hợp.

Mỗi chủ đề, ngoài việc cung cấp kiến thức, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm phong phú như: tham quan, học tập, xử lý tình huống, kỹ năng ra quyết định... Qua đó, góp phần hình thành nhận thức, thái độ và cách ứng xử phù hợp cho học sinh đối với bản thân, gia đình và quê hương mình.

Vì nội dung GDĐP liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều phân môn nên các trường được chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt như: phân công giáo viên dạy các chủ đề theo môn học, sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn…

Mục đích nhân văn của GDĐP là góp phần bồi dưỡng cho học sinh kiến thức nhiều mặt về địa phương, từ đó giúp học sinh hiểu biết để có tình yêu sâu sắc hơn và sống có trách nhiệm hơn với quê hương.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171539&title=quan-tam-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-cho-hoc-sinh