So sánh học phí của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Đà Nẵng, có nơi 799 triệu/năm

Tại 02 trường đại học bách khoa trọng điểm khu vực miền Trung và miền Nam, mức học phí có sự chênh lệch đáng kể ở mỗi ngành học và chương trình đào tạo.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng là những trường đại học hàng đầu trong đào tạo lĩnh vực kỹ thuật khu vực miền Nam và miền Trung.

Năm 2014, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn kiểm định ABET ở 2 ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính, trở thành trường đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt chuẩn kiểm định ABET.

Năm 2017, trường đạt tiêu chuẩn AUN-QA do Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá. Đây là trường đại học thành viên đầu tiên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và là trường thứ hai trong cả nước được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA, trường thứ tư được đánh giá trong toàn khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nắm giữ vai trò là trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật công nghệ và các nhà quản lý có trình độ cao, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có vai trò chủ đạo trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Năm 2017, trường trở thành 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học châu Âu (HCERES) công nhận.

Tầm nhìn đến năm 2025, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sẽ là trường đại học nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội trong nước và thế giới.

Lưu ý trong các phương thức tuyển sinh

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 5150 chỉ tiêu cho 39 ngành đào tạo bậc đại học chính quy cùng 05 phương thức xét tuyển.

Thứ nhất là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, áp dụng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường Trung học phổ thông năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Thứ hai là Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ( danh sách 149 trường Trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố).

Phương thức thứ ba là xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.

Phương thức thứ tư là xét tuyển theo kết quả Trung học phổ thông kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài.

Phương thức thứ năm là Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập Trung học phổ thông), năng lực khác, hoạt động xã hội, chiếm chỉ tiêu cao nhất từ 75% ~ 90% tổng chỉ tiêu.

Theo đó, năng lực khác được quy đổi là bằng khen, giấy chứng nhận, chứng chỉ tiếng Anh, chứng nhận giải thưởng…. hoặc bằng khen, giấy chứng nhận hoạt động xã hội bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, mỹ thuật….

Trong khi đó, tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tuyển 3650 chỉ tiêu cho 37 ngành/chuyên ngành, chương trình đào tạo với 6 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của Trường; Xét tuyển theo kết quả học tập Trung học phổ thông (xét học bạ); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Với phương thức xét tuyển riêng của Trường được áp dụng cho những thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 thuộc 7 nhóm sau đây:

Nhóm 1 là những thí sinh đạt giải Khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, giải Khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Thời gian đạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.

Theo đó, ngành xét tuyển vào một số các ngành học tại trường, tùy thuộc môn thi đạt giải của thí sinh. Với thí sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được xét tuyển vào một số các ngành tùy thuộc lĩnh vực đạt giải.

Nhóm 2 bao gồm các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích tại các cuộc thi học sinh giỏi các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian đạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.

Thí sinh được xét trúng tuyển vào một trong số các ngành của Trường tùy thuộc vào môn thi đạt giải.

Nhóm 3 là các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích tại các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian đạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển. Thí sinh được xét tuyển vào một trong số các ngành tùy thuộc lĩnh vực đạt giải.

Nhóm 4 là những thí sinh học trường Trung học phổ thông chuyên các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và được xét tuyển vào một trong các ngành của Trường, tùy thuộc môn chuyên của thí sinh.

Nhóm 5 bao gồm các thí sinh đạt học sinh giỏi liên tục lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 được xét tuyển vào một trong các ngành của trường.

Đối với nhóm 6 là những thí sinh đạt chứng chỉ quốc tế SAT(điểm mỗi phần tối thiểu 550 hoặc chứng chỉ ACT từ 24 điểm trên thang điểm 30).

Cuối cùng, nhóm 7 là thí sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 điểm, TOEIC từ 600 điểm trở lên trong thời hạn 2 năm (tính đến ngày kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển).

Về nguyên tắc xét tuyển, trường quy định xét tuyển theo thứ tự ưu tiên Điểm xét tuyển từ cao xuống thấp và xét đến khi đủ chỉ tiêu. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển 01 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Trường hợp có nhiều thí sinh đồng hạng vượt quá chỉ tiêu, trường sẽ xét đến tiêu chí phụ.

Nhiều mức học phí tương đương nhiều chương trình đào tạo khác nhau

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo các chương trình: Chương trình chuẩn, Chương trình tài năng, Chương trình tiên tiến, Chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV), Chương trình dạy và học bằng Tiếng Anh, Chương trình Định hướng Nhật Bản, Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (Úc, Mỹ, New Zealand), Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (Nhật Bản) với các mức học phí khác nhau.

Đối với chương trình chuẩn đào tạo 39 nhóm ngành/ ngành diễn ra trong 4 năm, giảng dạy bằng tiếng Việt, chuẩn tiếng Anh đầu ra là TOEIC, chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin là MOS Excel, mức học phí được quy định khoảng 15 triệu đồng/học kì, tương đương 30 triệu đồng/năm học.

Chương trình tài năng đào tạo 15 nhóm ngành/ ngành, giảng dạy bằng tiếng Việt (dựa trên chương trình tiêu chuẩn với các môn cốt lõi dành cho chương trình Tài năng), học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ, xét tuyển sinh viên Giỏi từ năm thứ 2, kế hoạch đào tạo 4 năm, chuẩn tiếng Anh đầu ra TOEIC và chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đầu ra MOS Excel.

Đối với chương trình tiên tiến đào tạo 1 ngành là ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình chuyển giao từ Đại học Illinois Urbana Champaign, được cải tiến qua các năm để phù hợp với thực tiễn.

Một số môn chuyên ngành có giáo sư đại học đối tác nước ngoài sang tham gia giảng dạy, học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English), địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh.

Tại chương trình đào tạo này, chuẩn tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình tiêu chuẩn đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 và nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn). Chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đầu ra là MOS Excel.

chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) đào tạo 8 ngành và đào tạo kỹ sư hợp tác với 8 trường kỹ sư danh tiếng tại Pháp, học tập bằng tiếng Việt, học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ, xét tuyển tân sinh viên đã trúng tuyển (không phân biệt mã ngành và phương thức tuyển sinh) vào 1 trong 8 ngành thuộc chương trình khi thí sinh đăng ký trên cổng tuyển sinh của trường.

Chương trình có kế hoạch đào tạo trong 5 năm, địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt (quận 10 thành phố Hồ Chí Minh), chuẩn ngoại ngữ tốt nghiệp DELF B1 (Pháp) và TOEIC nghe - đọc ≥ 700 & nói -viết từ 245, chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin là MOS Excel.

Kết thúc chương trình đào tạo, sinh viên nhận bằng kỹ sư - thạc sĩ do Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp (được công nhận tương đương bậc thạc sĩ Châu Âu), phụ lục bằng kỹ sư với trường đối tác Pháp.

Với chương trình dạy và học bằng tiếng Anh áp dụng cho 22 ngành/ chuyên ngành, mức học phí quy định khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English), địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh.

Chuẩn tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 & nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn) và chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đầu ra là MOS Excel.

Đối với chương trình định hướng Nhật Bản đào tạo 2 ngành, dạy chuyên môn theo chương trình chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật giao tiếp - chuyên ngành (1.200 giờ) và văn hóa Nhật, một số môn chuyên ngành ở năm thứ 3 và 4 do các giáo sư Nhật dạy bằng tiếng Nhật, học phí khoảng 30 triệu đồng/học kỳ.

Theo đó, kế hoạch đào tạo diễn ra trong 4 năm, địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt với chuẩn ngoại ngữ đầu ra là tiếng Nhật tương đương JLPT ≥ N3 (hướng đến khi tốt nghiệp tương đương N2). Chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đầu ra MOS Excel. Bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có triển vọng làm việc lâu dài tại các tập đoàn Nhật, đãi ngộ như kỹ sư Nhật.

Bên cạnh đó là chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Úc, Mỹ, New Zealand) đào tạo 15 ngành/ chuyên ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 2-2,5 năm đầu. Địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt (quận 10 thành phố Hồ Chí Minh) với mức học phí khoảng 40 triệu đồng/ học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English).

Trong 2-2,5 năm cuối, sinh viên được chuyển tiếp sang đại học đối tác Úc/ Mỹ/ New Zealand, học phí khoảng 532 - 799 triệu đồng/năm và với kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English).

Chuẩn đầu ra cho chương trình này là tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 & nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn), chuẩn tiếng Anh chuyển tiếp đạt IELTS ≥ 6.0-7.5/ TOEFL iBT ≥ 80-93. Bằng tốt nghiệp do Đại học đối tác Úc/ Mỹ/ New Zealand cấp.

Ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử được đào tạo theo chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Nhật Bản). Cụ thể trong 2,5 năm đầu, sinh viên học tập tại địa điểm cơ sở Lý Thường Kiệt, dạy chuyên môn theo chương trình chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật liên tục trong tuần, học phí khoảng 30 triệu đồng/học kỳ.

Trong 2 năm cuối, người học được chuyển tiếp sang đại học đối tác Nhật, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Nhật, học phí khoảng 91 triệu đồng/năm (theo tỷ giá ngoại tệ tháng 1 năm 2024) và xét tuyển tân sinh viên chương trình chuẩn.

Chuẩn đầu ra chương trình này là trình độ tiếng Nhật chuyển tiếp JLPT ≥ N2. Bằng tốt nghiệp do đại học đối tác Nhật cấp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 99.5% (cập nhật tháng 4 năm 2023), cơ hội học tiếp lên bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại Nhật thuận lợi.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, mức học phí áp dụng trong năm 2024 dự kiến dao động từ 23 - 35 triệu đồng/năm học, xét theo các nhóm, chương trình đào tạo khác nhau.

Với nhóm ngành 1 bao gồm các ngành: Kỹ thuật Tàu thủy, Kỹ thuật Môi trường, Xây dựng Công trình Thủy, Xây dựng Công trình Giao thông, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kỹ thuật xây dựng (chuyên ngành Kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh), học phí dự kiến là 23.900.000 đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí qua các năm được áp dụng theo quy định của Nhà nước.

Với nhóm ngành 2 là các ngành học còn lại tại trường, mức học phí là 28.700.000 đồng/năm học.

Học phí cho chương trình tiên tiến cao nhất với mức 35.000.000 đồng/năm, chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) là 23.900.000 đồng/năm học.

Các ngành học có điểm chuẩn dẫn đầu trường

Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Khoa học máy tính được đào tạo với 2 chương trình là chương trình chuẩn và chương trình tiên tiến.

Trong 03 năm gần đây, ngành học này luôn có mức điểm chuẩn cao nhất trường.

Cụ thể năm 2021, ngưỡng điểm chuẩn cho ngành học này là 28 điểm đối với cả hai chương trình, xét theo phương thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thang điểm 30.

Từ năm 2022 trở đi, trường xác định mức điểm chuẩn cho các ngành học theo công thức tính điểm xét tuyển riêng của trường qua việc tính toán kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 và điểm học tập Trung học phổ thông.

Theo đó năm 2022, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính là 75,99 điểm với chương trình chuẩn và 67,24 điểm với chương trình tiên tiến.

Năm 2023, ngưỡng điểm có dấu hiệu tăng với cả 2 chương trình đào tạo. Ở chương trình chuẩn, mức điểm chuẩn là 79,84 điểm và chương trình tiên tiến có điểm chuẩn là 75,63 điểm.

Trong khi đó tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin thuộc những ngày học "hot" nhất với mức điểm chuẩn cao nhất.

Xét theo thang điểm 30, năm 2021, điểm chuẩn đầu vào ngành Công nghệ thông tin ( Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) là 27,20 điểm với chương trình chuẩn và 26 điểm với chương trình chất lượng cao.

Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao - ngoại ngữ Nhật) có điểm chuẩn là 25,50 và Công nghệ thông tin ( chương trình chất lượng cao, Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) có mức điểm chuẩn là 25,10.

Năm 2022, trường không đào tạo chương trình chất lượng cao. Theo đó, ngành Công nghệ thông tin ( Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) vẫn giữ vị trí điểm chuẩn cao nhất trường với 26,65 điểm, sau đó là Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) có mức điểm chuẩn là 26,5 điểm.

Ngành Công nghệ thông tin (ngoại ngữ Nhật) có điểm chuẩn là 26,1 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng có nhiều biến động với từng ngành học, dẫn đầu trường là ngành Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) với 26,45 điểm.

Xếp vị trí thứ 2 trong lĩnh vực Công nghệ thông tin là ngành Công nghệ thông tin ( Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp), điểm chuẩn là 25,86 điểm.

Ngành Công nghệ thông tin (ngoại ngữ Nhật) có mức điểm chuẩn là 25.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-sanh-hoc-phi-cua-truong-dh-bach-khoa-tphcm-va-da-nang-co-noi-799-trieunam-post242720.gd