Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tích cực phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các cấp triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có nhiệm vụ cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh.

Đại diện Phòng Tài nguyên nước Sở TN&MT kiểm tra công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông Chu thuộc địa bàn xã Xuân Dương (Thường Xuân).

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa có tiềm năng nước mặt lớn. Cùng với đó, nguồn nước ngầm cũng phong phú về trữ lượng và chủng loại. Các nguồn nước trên đang được khai thác, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, giao thông - vận tải thủy, bảo tồn cảnh quan sông nước... Từ thực tiễn này, để bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tài nguyên nước của mỗi tổ chức, cá nhân, thì hoạt động cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước luôn được ngành TN&MT xác định là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, toàn tỉnh thực hiện cắm trên 1.600 mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc 66 đoạn sông, suối trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở nội dung quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Đến nay sau 4 đợt triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã cắm được 95% số mốc trong tổng số hơn 1.600 mốc phải cắm. Trong đó, năm 2019 cắm được 213 mốc tại các đoạn thuộc sông Mã trên địa bàn các huyện Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn; sông Lạch Trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa; sông Nhà Lê trên địa bàn TP Thanh Hóa; sông Lạch Bạng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn; sông Chu thuộc huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... Năm 2020 cắm được 375 mốc tại các đoạn thuộc sông Mã trên địa bàn các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc, TP Thanh Hóa; sông Lèn trên địa bàn các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc... Cũng trên các tuyến sông trên, năm 2021 cắm được 537 mốc; năm 2022 cắm được 393 mốc.

Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 5/4/2023 của UBND tỉnh cũng như sự chỉ đạo, giám sát của Sở TN&MT, Công ty CP TN&MT Trung Nam đã và đang thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại các đoạn thuộc sông Lạch Bạng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và sông Chu trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân và Thiệu Hóa.

Giám đốc Công ty CP TN&MT Trung Nam Vũ Đình Trường cho biết: Thời gian qua, công ty đã tập trung nhân lực, vật lực triển khai cắm mốc theo đúng yêu cầu kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này công ty đã cắm được 95/111 mốc theo Kế hoạch số 84/KH-UBND. Đây cũng là đợt cắm mốc cuối cùng theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh. Dự kiến trước ngày 30/4/2024 công ty sẽ hoàn thành việc cắm mốc, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào quản lý, sử dụng. Với thời gian và kết quả thi công trên, công ty đã vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch đề ra.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên nước Sở TN&MT Lê Hùng Cường, để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngoài lựa chọn đơn vị tư vấn, thi công có kinh nghiệm, trong quá trình thực hiện, phòng chức năng của Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tiến độ và việc cắm mốc diễn ra theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cũng theo ông Cường, mục tiêu của việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng, chống lấn chiếm đất, xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo sự ổn định của bờ; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa - thể thao, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi hoàn thành việc cắm mốc, Sở TN&MT sẽ bàn giao cho các địa phương sử dụng, quản lý theo đúng quy định. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quan-ly-hanh-lang-bao-ve-nguon-nuoc/208354.htm