Quận Hà Đông sẽ cưỡng chế thu hồi đất thi công kênh tiêu La Khê

Việc chậm bố trí mặt bằng triển khai dự án cải thiện hệ thống kênh tiêu La Khê đoạn qua Quận Hà Đông đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đứng trước thực tiễn và sự chỉ đạo của UBND TP, những ngày này UBND Quận Hà Đông đang quyết liệt vào cuộc GPMB…

Do chậm hoàn thành GPMB nên dự án cứng hóa kênh La Khê qua địa bàn Quận Hà Đông vẫn dang dở

Chậm tiến độ do thiếu mặt bằng

Dự án Cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (cứng hóa kênh La Khê) dài 5,8km từ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) đưa nước đến Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc xã Đông La (huyện Hoài Đức). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng với 2 hạng mục là công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê, chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT Hà Nội.

Đây là dự án trọng điểm của TP, có nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các quận, huyện như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức... dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do chậm hoàn thành GPMB đoạn qua Quận Hà Đông, nên dự án đã nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành.

Ông Nguyễn Quang Mạnh - cán bộ Ban quản lý dự án và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đại diện đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay, sau hơn 4 năm thi công dự án, các nhà thầu đã hoàn thành gần 70% khối lượng công việc. Hiện nay công tác GPMB còn vướng ở các phường của quận Hà Đông, gồm: Quang Trung, Yết Kiêu, Dương Nội, La Khê.

Cụ thể quận Hà Đông còn phải GPMB đất ở, đất hành lang kênh có công trình nhà ở, nhà xưởng vi phạm hàng chục năm qua. Theo thống kê, địa bàn quận còn 221 trường hợp ở phường Quang Trung, Yết Kiêu, Dương Nội, La Khê có công trình nhà ở, nhà xưởng, nhà tạm với diện tích khoảng 0,81ha đã phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường nhưng các gia đình không phối hợp thực hiện.

Một trong số 6 hộ gia đình có công trình nằm trên đất hành lang kênh tiêu La Khê địa bàn TDP Thắng Lợi, phường Dương Nội sẽ phải cưỡng chế đã tự giác chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm

Mặc dù, quận Hà Đông đã tích cực tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, đối thoại ở các nội dung để làm rõ nguồn gốc từng thửa đất cũng như công trình xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, UBND quận cũng dựa vào những tài liệu, sổ mục kê, bản đồ các thời kỳ và giấy CNQSD đất của các gia đình, cá nhân làm căn cứ lập phương án chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Sau nhiều buổi rà soát, xác minh từng vị trí thửa đất, công trình, đối chiếu tài liệu, đối thoại với các hộ gia đình, quận Hà Đông đã xác định được tổng số trường hợp có đất đai, tài sản nằm trong phạm vi phải GPMB. Qua đó, UBND quận xây dựng kế hoạch, phương án chi trả, hỗ trợ, bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất, xin ý kiến UBND TP bố trí tạm cư và tái định cư cho các gia đình đủ điểu kiện theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà, dự kiến kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật được chia thành 3 đợt xử lý đối với các trường hợp. Trong đó, đợt 1 xử lý 13 hộ ở phường Quang Trung và Dương Nội có công trình nhà ở tạm, nhà xường không có người ăn ở tại địa điểm phải GPMB. Thời gian cưỡng chế bắt đầu thực hiện từ ngày 25 - 27/4/2024.

Còn với đợt 2 dự kiến thực hiện cưỡng chế từ ngày 16 - 20/5 là 28 hộ ở các phường Quang Trung, La Khê, Dương Nội có công trình nhà xưởng, nhà ở nằm tại vị trí GPMB thực hiện dự án. Cùng với đó còn có 121 hộ cũng ở các phường: Quang Trung, Yết Kiêu, Dương Nội tiếp tục được tập trung tuyên truyền, vận động, thiết lập hồ sơ cưỡng chế. Với đợt 3 là 60 hộ có công trình sẽ xử lý từ ngày 21- 30/5/2024.

Dự án cứng hóa kênh tiêu La Khê đoạn qua phường Dương Nội còn dang dở do chưa hoàn thành GPMB

Sẽ xử lý theo quy định

Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông Phùng Chí Tâm cho biết, tổng diện tích sau khi rà soát trên toàn địa bàn để thực hiện dự án phải GPMB là 29,15ha đất các loại. Đến nay, quận đã thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ xong cơ bản diện tích của dự án với tổng số tiền hơn 372 tỷ đồng; còn lại 0,81ha của 221 trường hợp ở phường Quang Trung, Yết Kiêu, La Khê, Dương Nội.

Từ cuối năm 2019 đến nay khi thực hiện dự án, UBND quận tiếp nhận 107 đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân 6 phường có dự án đi qua không nhất trí với phương án bồi thường hỗ trợ. Sau nhiều buổi đối thoại nhằm làm rõ nguồn gốc đất đai để bảo đảm quyền lợi cho các gia đình. Tuy nhiên, nhiều gia đình không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc đất đai của mình.

Để dự án không bị chậm tiến độ hơn nữa, ngày 22/11/2023, UBND TP ban hành quyết định 5974/QĐ-UBND gia hạn thời gian thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu quận Hà Đông phải hoàn thành công tác GPMB để chủ đầu tư và nhà thầu thi công nốt các hạng mục công trình của dự án xây dựng kênh tiêu La Khê thời hạn xong trước tháng 6/2024.

Qua đó, ngày 12/4/2024, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định số 1229/QĐ-UBND thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất liên quan đến các gia đình, cá nhân có đất nằm trong phạm vi dự án. Cùng với đó, Ban thực hiện cưỡng chế cũng có tờ trình 766/TTr-BTHCC đề nghị quận Hà Đông phê duyệt phương án cưỡng chế thu hồi đất đợt 1 của 13 hộ gia đình.

Những hộ gia đình có công trình vi phạm trên hành lang kênh tiêu La Khê không tự giác tháo dỡ công trình sẽ bị tổ chức cưỡng chế trong thời gian tới

Trước khi thực hiện cưỡng chế, những ngày này UBND phường Dương Nội và phường Quang Trung tiếp tục đối thoại với các gia đình có công trình, tài sản trên đất liên quan trong đợt 1 cưỡng chế để bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch. Qua đó, tại phường Dương Nội đã có 4/6 hộ phối hợp tự tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án tại khu vực TDP Thắng Lợi.

Còn 9 trường hợp có công trình nhà xưởng, nhà ở nằm trên đất của phường Dương Nội và phường Quang Trung vẫn án binh bất động không phối hợp thực hiện thu dọn tài sản tháo dỡ công trình sẽ được quận Hà Đông cưỡng chế công trình vi phạm tồn tại trên hành lang kênh tiêu La Khê hàng chục năm qua để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà khẳng định, việc UBND quận triển khai tuyên truyền, vận động, đối thoại và đề xuất với TP vận dụng cơ chế chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân có liên quan đến công tác GPMB dự án đã thể hiện rõ trách nhiệm, sự quan tâm. Do vậy, với những trường hợp không tự giác thu dọn tài sản, tháo dỡ công trình sẽ được quận Hà Đông xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-ha-dong-se-cuong-che-thu-hoi-dat-thi-cong-kenh-tieu-la-khe.html