Giải ngân vốn đầu tư công - tăng tốc ngay từ đầu năm

Năm 2024, khó khăn, thách thức vẫn 'đeo bám' nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng quan trọng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác của Chính phủ đã đôn đốc công tác giải ngân. Tinh thần đó đã 'truyền lửa' xuống từng bộ, ngành, địa phương. Kết quả giải ngân quý I đã có nhiều tín hiệu tích cực, làm 'đòn bẩy' cho những quý tiếp theo phấn đấu đạt tỷ lệ 95% kế hoạch như mong muốn của Chính phủ đặt ra.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Tập trung giải ngân từ tháng đầu

2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn ĐTC, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC ngay từ những tháng đầu năm, với vai trò của mình, Bộ Tài chính đã có Công văn số 405/BTC-ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về ĐTC và các quy định của Chính phủ hiện hành, gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước bảo đảm nguồn vốn sẵn sàng cho công tác giải ngân và đẩy mạnh kiểm soát chi trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc để kịp thời đưa nguồn vốn đến các dự án, công trình.

Thanh toán vốn đầu tư công trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn của cả nước trong quý I/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo nhận xét của Bộ Tài chính, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn ĐTC đảm bảo theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, trong quá trình phân bổ vốn, các bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển...

Song song với việc khẩn trương phân bổ chi tiết vốn, các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đã được thực hiện hiệu quả trong năm trước cũng được các bộ, ngành, địa phương tích cực áp dụng trong năm nay. Đồng thời, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung tháo gỡ các “nút thắt” cố hữu lâu nay khiến cho việc giải ngân bị chậm.

Đơn cử như Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường kiểm tra hiện trường, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, nhất là các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn cung vật liệu...

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm nút thắt trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư. Đồng thời, tỉnh này cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và ủy quyền cho cấp huyện quyết định các biện pháp hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất… Hết quý I/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được hơn 1.325,2 tỷ đồng, đạt 17%, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023.

Những giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã mang đến kết quả rất khả quan cho công tác giải ngân vốn ĐTC. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn của cả nước trong quý I/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch; đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là thành quả cho sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương đối với công tác này, cả trong việc phân bổ vốn và giải ngân vốn.

Nỗ lực “tiêu tiền” trong những quý tiếp theo

Mặc dù đang có tín hiệu tích cực từ công tác giải ngân, nhưng đây mới là kết quả ban đầu. Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài, tương ứng với đó là một lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân.

Để tránh tình trạng “vốn bị ngâm”, trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2024. Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về ĐTC.

Thực hiện nghiêm công điện, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề ra giải pháp. Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu tất cả các đơn vị được giao kế hoạch vốn ĐTC tập trung rà soát các nguồn vốn được bố trí của năm 2024, khẩn trương tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho từng dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện việc đầu tư và giải ngân vốn theo quy định.

Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khởi động các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc tiến độ giải ngân của tỉnh, huyện; khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trực tiếp tại từng dự án nhằm đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn cho các công trình…

Còn tại Bạc Liêu, lãnh đạo tỉnh này đã đề nghị các chủ đầu tư cần chú trọng, quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn ĐTC kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao…

Là cơ quan thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có công văn yêu cầu toàn hệ thống thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN, kịp thời thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán…

Bộ Tài chính đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, phấn đấu cùng cả nước giải ngân được 95% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.

Theo đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC tại các nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2024.

“Với những nỗ lực đó, kỳ vọng giải ngân vốn ĐTC năm 2024 sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Dương Bá Đức cho biết.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-tang-toc-ngay-tu-dau-nam-149623.html