Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản công

Nêu thực tế còn có lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, chậm giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành địa phương, tại Phiên họp thứ 33, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản công, tài nguyên, đất đai.

Dự án đầu tư công kéo dài, đội vốn, gây lãng phí

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong lĩnh vực đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập cả Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo đều họp, giao nhiệm vụ, đầu việc cho bộ, ngành, địa phương, xác định rõ tiến độ, mốc thời gian hoàn thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt này đã góp phần quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024, nhờ đó, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành, đưa vào khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình chậm". Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng qua thực tế giám sát việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành từ năm 2021 nhưng đến năm 2024 vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình hết sức quan trọng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu một số công trình chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như: cao tốc từ An Giang xuống Cần Thơ, xuống Sóc Trăng – Trần Đề đang thiếu nguyên liệu, thiếu cát và tiến độ rất chậm, nếu không khắc phục được thì khả năng sẽ đội vốn của dự án. Hay với dự án đường Vành đai 4, công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí cho thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư qua địa bàn Hưng Yên, Bắc Ninh dự kiến tăng lên nhiều nghìn tỷ đồng. Đây là những vấn đề cần quan tâm, khắc phục.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhận định Báo cáo của Chính phủ mới tập trung làm rõ kết quả về thực hành tiết kiệm ngân sách nhà nước, tài sản công mà chưa đề cập, phân tích chi tiết sự lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể vấn đề chậm giải ngân đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương; phân tích, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của việc chậm giải ngân.

Liên quan đến việc xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thẳng thắn, ở các huyện, xã thuộc khu vực miền núi đang có lãng phí lớn, nhưng thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý. Đơn cử như huyện Thông Nông, Phục Hòa, Hạ Lang (huyện cũ của tỉnh Cao Bằng) hay tại Hà Tĩnh và một số địa phương khác, có trường hợp công trình, dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn, không thể hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng.

“Báo cáo của Chính phủ phải đánh giá kỹ hơn mức độ thực hiện của các bộ, ngành địa phương liên quan đến 880 dự án, công trình. Theo Báo cáo mới có phương án giải quyết 501 dự án, chiếm 57%, còn 379 dự án chiếm 43%. Nếu đang trong quá trình rà soát thì cần chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân chưa thực hiện được”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Vẫn còn vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau

Báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, nhằm động viên, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Công tác điều hành chi ngân sách được thực hiện chủ động, chặt chẽ, theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, chậm triển khai. Trong mua sắm, quản lý tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 cũng tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ tiết kiệm, cơ sở dữ liệu về tài sản công được tiếp tục cập nhật, vận hành hiệu quả.

"Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà đất của một số cơ quan, đơn vị và địa phương, doanh nghiệp còn chậm". Nêu thực tế này, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai rất nhiều Đoàn công tác đến các địa phương để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, so với năm 2022 tiến độ giải ngân cũng đạt khá hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến hết ngày 31.1.2024 là 661.000, đạt 80,75% sau kế hoạch và đạt 92,99% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

“Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm cũng được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 91/115 bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân lũy kế 13 tháng thấp hơn so với bình quân cả nước. Đây là một thực tế mà Báo cáo của Chính phủ phải nhấn mạnh hơn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tiếp tục có nhiều chuyển biến, nhiều lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả tích cực. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, bảo đảm sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, vẫn còn vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau. Việc hoàn thiện thể chế còn chậm so với Kế hoạch 81/KH -UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận số 19 - KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ chậm sửa đổi. Lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản, quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn bất cập, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm chi ngân sách và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản công, tài nguyên, đất đai.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quan-ly-chat-che-khai-thac-su-dung-co-hieu-qua-tai-san-cong-i372075/