Phòng khám Quốc tế Sài Gòn bị đình chỉ hoạt động vì sai phạm

Dính loạt sai phạm, bà Nguyễn Thị Hương, chủ hộ kinh doanh Phòng khám Quốc tế Sài Gòn, bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 60 triệu đồng. Phòng khám này bị đình chỉ hoạt động.

Chữa bệnh, quảng cáo “chui”

Theo cơ quan chức năng, Phòng khám Quốc tế Sài Gòn (số 21, đường số 3, Khu dân cư Cityland, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) bị phát hiện sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác), làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay cơ sở khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Ngoài ra, cơ sở này còn quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, vì thế, phải tháo gỡ quảng cáo trên.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn đình chỉ hoạt động của cơ sở này cho đến khi có giấy phép hoạt động và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Hương từng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn (Viện Thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn), địa chỉ số 21, đường số 3, khu dân cư Cityland, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM, thành lập ngày 4/11/2020, mã số thuế 0316570503. Công ty này đã ngừng hoạt động, đóng mã số thuế.

Nhiều trang Facebook quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ đều dẫn về địa chỉ tại số 21 đường số 3, Khu dân cư CityLand, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh chụp màn hình.

Khảo sát trên mạng xã hội ngày 30/1 cho thấy, nhiều Fanpage quảng cáo dịch vụ trẻ hóa bàn tay, bàn chân, trị sẹo như: “Viện thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn”, “Viện trẻ hóa Quốc tế Sài Gòn”, “Viện thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Beauty & Clinic”; Trung tâm điều trị sẹo Sài Gòn (đều dẫn về địa chỉ số 21 đường số 3, Khu dân cư CityLand, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM). Những lời giới thiệu kèm theo là “Thăm khám điều trị sẹo công nghệ cao”; “Cam kết hiệu quả điều trị lên tới 90%”; “Làm đẹp không khó - mà chỉ khó khi bạn chưa tìm đúng nơi để trao trọn niềm tin …”.

Không như quảng cáo, ngay trên trang Fanpage “Viện Thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Beauty & Clinic”, tài khoản D.S bình luận: “Thẩm mỹ viện trị sẹo không những không khỏi, mà còn bị viêm da mãn tính… Đừng ai dại vào thẩm mỹ viện trị sẹo này nhé, không lại tiền mất tật mang đó”.

Tài khoản có tên D.S bình luận trên Fanpage “Viện Thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Beauty & Clinic” - Ảnh chụp màn hình

Phòng khám Quốc tế Sài Gòn (số 21 đường số 3, Khu dân cư Cityland, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM). Ảnh: Hữu Thông.

Cảnh báo hệ lụy từ khám, chữa bệnh “chui”

Gần đây, bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Trưng Vương, Da liễu… cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đang tích cực điều trị cho phụ nữ được chuyển đến từ thẩm mỹ viện trên địa bàn quận 10 trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp nặng.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận 3 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng, gồm một phụ nữ hôn mê sâu sau khi thực hiện nâng ngực, gọt hàm, hạ gò má, nhổ răng khôn tại bệnh viện đa khoa ở TP HCM; một phụ nữ ngụ tỉnh Đồng Nai bị mù mắt sau khi tiêm filler tại cơ sở làm đẹp không phép và một nữ Việt kiều bị tai biến vì tiêm chất tan mỡ ở spa trên địa bàn quận 7.

Thống kê của Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tăng qua các năm: Năm 2023 là 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022, tăng 391 ca so với năm 2021 và tăng 200 ca so với năm 2020.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP HCM, lo ngại, có đến 77,8% người gây tai biến thẩm mỹ nội khoa không phải là bác sĩ; 15,3% bệnh nhân không nhận định được đó có phải bác sĩ hay không; tai biến do bác sĩ gây ra chỉ 6,9%.

Các nguyên nhân gây ra tai biến có thể là thiết bị lỗi, hỏng do không được kiểm định; sản phẩm chưa qua kiểm định; sự phối trộn giữa nhiều sản phẩm khác nhau, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn; các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM, đa số ca tai biến thẩm mỹ được thực hiện tại cơ sở không phép. Đó là các tiệm làm tóc, móng, cơ sở chăm sóc da nhưng vẫn thực hiện thủ thuật, kỹ thuật xâm lấn, dễ dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, tổn thương bộ phận cơ thể (thủng mũi, mù mắt…).

Luật sư Võ Quang Vinh (Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh) cho hay, điều kiện mở cơ sở thẩm mỹ được nêu rõ trong khoản 1, Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ - CP.

Những dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay cơ sở khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hữu Thông

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/phong-kham-quoc-te-sai-gon-bi-dinh-chi-hoat-dong-vi-sai-pham-1952805.html