Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Cần ngăn chặn sai phạm, tha hóa từ sớm

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, các chuyên gia khẳng định, việc xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm thời gian qua thể hiện sự quyết liệt của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu phải ngăn chặn sai phạm, tha hóa biến chất của cán bộ từ sớm, từ xa...

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”

Ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định: “Tôi thấy hiện nay, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang triển khai rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm đều bị xử lý nghiêm trước quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mà xử lý kỷ luật kịp thời, chứ không phải để kéo dài; cũng không phải xử lý nội bộ mà là công khai trước toàn dân.

Những biện pháp này là hết sức cần thiết để làm trong sạch Đảng, để trong Đảng không có những phần tử cơ hội, những phần tử thoái hóa, biến chất, hư hỏng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cần căn cứ vào các quy định đã có để xử lý các trường hợp vi phạm. Phải nêu rõ các trường hợp cán bộ vi phạm vào điều gì, quy định nào, như vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm pháp luật… để có căn cứ xử lý. Đó cũng chính là việc kiểm soát quyền lực, thực hiện quản lý cán bộ, làm trong sạch hàng ngũ, đội ngũ của mình. Chúng ta cần phải nhấn mạnh điều này.

Ở khía cạnh thứ hai, việc phải xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm như vừa qua cũng phản ánh thực tế có một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; coi thường pháp luật, coi thường kỷ luật Đảng; giấu diếm, che đậy khuyết điểm của mình.

Nếu không bị phát hiện và xử lý sớm, có thể những cán bộ này còn gây hại nhiều nữa. Họ che giấu khuyết điểm, sai phạm của họ, lừa dối Đảng, lừa dối Nhà nước, lừa dối nhân dân. Họ bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Từ thực tế này, chúng ta phải suy nghĩ về sự rèn luyện, tu dưỡng của các cán bộ, đảng viên. Mỗi người phải thực sự nêu gương về đạo đức, lối sống, về ý thức trách nhiệm. Nếu không thực hiện được, có vi phạm, sai phạm thì đương nhiên phải bị xử lý.

Tổ chức Đảng cần tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực. Vấn đề này phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Nếu phát hiện sớm vi phạm thì “tuýt còi”, cảnh tỉnh, răn đe. Không có ý kiến nhắc nhở, phê bình sẽ dẫn đến những sai phạm lớn hơn. Đảng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Về phía cán bộ - những người có chức, có quyền - thì phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nếu không rất dễ dẫn đến vi phạm. Mà vi phạm, sai phạm thì trước sau gì cũng bị xử lý. Các cụ đã nói “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, khuyết điểm thì làm sao che giấu Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cán bộ, đảng viên phải thực sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước. Những bậc tiền bối hy sinh tất cả vì sự nghiệp của đất nước, của dân tộc, của Đảng, không tơ hào một cái gì.

Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an: Tổ chức lại khâu giám sát quyền lực

Lâu nay thường có ba công cụ điều chỉnh hành vi con người: công cụ luật pháp, công cụ đạo đức và công cụ tôn giáo. Trong đó, công cụ đạo đức chủ yếu là công tác tuyên truyền, vấn đề này đã được làm thường xuyên. Còn về luật pháp, vấn đề kiểm soát quyền lực ra sao?

Quyền lực mà không bị giám sát thì dẫn đến tha hóa, đó là quy luật tất yếu. Một ông bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, ai giám sát? Hàng chục người đứng đầu, như bí thư, chủ tịch tỉnh vừa qua “ngã ngựa”, ai giám sát? Cho nên cần phải tổ chức lại vấn đề giám sát quyền lực.

Vừa qua, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm được làm rất hiệu quả, tạo ra bước ngoặt tốt, nhưng công tác phòng ngừa vẫn còn hạn chế. Vì thế, hết đợt này đến đợt kia lại có cán bộ vi phạm.

Do vậy, trong phòng, chống tham nhũng, cần phải tập trung vào phòng ngừa là chính. Để làm tốt công tác này, có thể sửa luật, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức lại khâu giám sát quyền lực.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã bị khởi tố, xét xử. Nguồn: VNN

Để mang lại hiệu quả trong giám sát quyền lực, quan điểm của tôi là phải thành lập một ủy ban giám sát quyền lực quốc gia. Còn nếu là cơ quan thanh tra, như thanh tra của tỉnh, ông bí thư tỉnh ủy “quắc mắt” lên thì thanh tra còn dám làm gì?

Do vậy, cần phải có một cơ quan giám sát quyền lực độc lập. Cơ quan này phải do một phó chủ tịch thường trực Quốc hội, là ủy viên Bộ Chính trị làm chủ nhiệm, như thế mới hiệu quả.

Chúng ta còn nhớ, cơ quan kiểm toán, khi chuyển sang Quốc hội phụ trách đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Do vậy, cần phải dám thay đổi, dám làm và có thể sửa đổi cho phù hợp để nâng cao hiệu quả giám sát quyền lực.

TRƯỜNG PHONG - THÀNH NAM (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-can-ngan-chan-sai-pham-tha-hoa-tu-som-post1634568.tpo