Sóc Trăng: Đề xuất làm nhiều hồ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn... ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất làm nhiều hồ chứa nước ngọt.

Đề xuất làm nhiều hồ chứa nước ngọt

Qua 5 tháng đầu năm với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài gây ra khô hạn, xâm nhập mặn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đời sống và hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là các địa phương ven biển như huyện Long Phú, Trần Đề. Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất làm nhiều hồ chứa nước ngọt quy mô lớn tại một số địa phương để chủ động nguồn nước cho sinh hoạt của người dân và phục vụ nông nghiệp trong thời gian tới.

Phân trường Phú Lợi, nơi có điều kiện thuận lợi để làm hồ chứa nước ngọt - Ảnh: L.X.C

Phân trường Phú Lợi, nơi có điều kiện thuận lợi để làm hồ chứa nước ngọt - Ảnh: L.X.C

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết sở đã có cuộc họp bàn về đề xuất quy hoạch các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Nhã, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khảo sát, đề xuất quy hoạch các hồ nước mặt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, qua rà soát, nhiều địa phương trong tỉnh đã đề xuất làm hồ chứa nước ngọt.

Cụ thể, huyện Cù Lao Dung đề xuất 1 hồ có quy mô kéo dài khoảng 20km tại một số xã trên địa bàn huyện; huyện Kế Sách đề xuất làm 3 hồ; huyện Mỹ Tú đề xuất 1 hồ tại xã Mỹ Phước; thị xã Ngã Năm đề xuất 1 hồ tại Phân trường Thạnh Trị; thị xã Vĩnh Châu đề xuất 6 hồ; TP.Sóc Trăng đề xuất 1 hồ; Sở Xây dựng Sóc Trăng đề xuất 1 hồ ở Phân trường Phú Lợi, thuộc xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành).

Phân trường Phú Lợi - Ảnh: Lương Xuân Cao

Phân trường Phú Lợi - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo đánh giá, các địa phương đề xuất làm hồ chứa nước ngọt đều có cơ sở thuận lợi, đất dành để làm hồ nước là đất công, vị trí hồ phù hợp với quy hoạch trong thời gian tới của địa phương. Việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt là rất cần thiết, bởi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển.

Dự báo không lạc quan về nước ngọt trong vùng ĐBSCL

"Theo dự báo của các tổ chức thế giới và ngành chuyên môn, khoảng 10 - 20 năm tới, nước mặn sẽ xâm nhập sâu, nếu không có giải pháp căn cơ, lâu dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện hồ chứa nước ngọt phải đảm bảo cung cấp nguồn nước chứa cho toàn tỉnh và nguồn nước sử dụng chính là nguồn nước mặt, hồ có khả năng dự trữ cung cấp nước từ 200.000 - 300.000m3 ngày/đêm và phải phù hợp quy hoạch của tỉnh, vị trí hồ chứa nước phải đảm bảo đầu vào và đầu ra. Sau khi nghe báo cáo đề xuất, Sở NN-PTNT sẽ tổng hợp các đề xuất về hồ chứa nước ngọt của các địa phương, trình UBND tỉnh xem xét”, ông Huỳnh Ngọc Nhã cho hay.

Phân trường Mỹ Phước - Ảnh: L.X.C

Phân trường Mỹ Phước - Ảnh: L.X.C

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay tình hình hạn mặn và nước ở thượng nguồn bị nhiều con đập thủy điện ngăn trở, nguồn nước sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm. Vì vậy, vùng này phải tính đến phương án làm nhiều hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp. Đây là phương án mà Nhà nước và từng địa phương phải có kế hoạch thực hiện. Nếu không có kế hoạch, trong tương lai hạn mặn và thiếu nước ngọt sẽ là vấn đề khó giải quyết đối với đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng.

VKK - Lương Xuân Cao

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/soc-trang-de-xuat-lam-nhieu-ho-chua-nuoc-ngot-phuc-vu-sinh-hoat-va-san-xuat-217407.html