Phát triển thị trường mua bán nợ

Nợ xấu tăng mạnh, các ngân hàng bị ám ảnh. Vậy nhưng việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu vẫn đang ở vạch xuất phát, chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường. Vậy làm sao để phát triển và đẩy nhanh thị trường mua bán nợ?

Nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tăng.

Nợ xấu tăng nhanh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022.

NHNN cho rằng cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Hiện các ngân hàng đều đang muốn xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu khó đòi bằng cách rao bán tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, Ngân hàng quốc dân NCB liên tục đăng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của cá nhân, doanh nghiệp (DN) là bất động sản, nhà máy… thậm chí mới đây là lô hàng (tài sản hình thành từ vốn vay) của Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận Phát, nhưng chính thông báo NCB cho biết tài sản đảm bảo đã bị tẩu tán, khó có khả năng thu hồi.

Tương tự, không ít ngân hàng đang phải đưa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ và tài sản đảm bảo, không chỉ rao bán 1 lần mà nhiều tài sản còn được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng không thu hút được sự quan tâm.

Ông Bùi Tấn Tài - Phó Tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng ACB cho hay, thời gian gần đây, các tranh chấp rất đời thường có xu hướng phát sinh, ví dụ: tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, tranh chấp giữa bên tặng và bên nhận, tranh chấp do tài sản đã được mang đi thế chấp nhưng chủ tài sản lại bán vi bằng cho người khác… Rất nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng đang đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị Tòa án tuyên vô hiệu.

Thực tế, ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp đều được thực thi theo đúng quy định pháp luật. Tài sản trong lúc thế chấp có sự thay đổi nhưng trong thỏa thuận ngay từ đầu với khách hàng, quy định quyền xử lý tài sản trên đất đều thuộc về ngân hàng. Song thực tế, ngân hàng chỉ được phát mãi quyền sử dụng đất mà không thể xử lý tài sản trên đất phát sinh.

Ông Phạm Văn Phòng - Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng Quân đội cho hay, hiện nay về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá DN song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng không dám. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ như vậy cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

“Thậm chí ngân hàng có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm. Bán đấu giá, bán nợ cũng là biện pháp ưu tiên cuối cùng khi các biện pháp khác không xong” - ông Phòng cho biết.

Mở cửa để hút nhà đầu tư

Theo khẳng định của ông Darryl Dong (IFC Việt Nam), đến nay Việt Nam vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

“Cần nhanh chóng xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình” - ông Darryl Dong nói và cho rằng Việt Nam nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn với khoản nợ xấu được mua. Bên cạnh đó về xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này, theo ông không đúng nguyên tắc thị trường và việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng là một nút chặn.

Không ít ngân hàng đang phải đưa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ và tài sản đảm bảo, không chỉ rao bán 1 lần mà nhiều tài sản còn được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng không thu hút được sự quan tâm.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-trien-thi-truong-mua-ban-no-5718212.html