Phát triển theo mô hình nào đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 ?

Tại Hội thảo khoa học, có rất nhiều ý kiến phản biện đề nghị tổ tư vấn dự thảo quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sửa chữa nhiều điểm không hợp lý.

Ngày 31/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chủ trì Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Dự thảo của tổ tư vấn quy hoạch do Phó Giáo sư Trần Trọng Thanh trình bày, TP Hồ Chí Minh về vị trí vai trò so với thế giới, có quy mô dân số trung bình, vị trí chính trị quan trọngp, quy mô kinh tế chiếm 15,6%, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước. Chỉ số tăng trưởng xếp sau một số tỉnh, thành về một số chỉ số (chỉ số xanh xếp thứ 49, kinh tế số chiếm 18% trong khi Bộ Chính trị yêu cầu phải đạt 40%)

Theo dự thảo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh sẽ có cảng trung chuyển Cần Giờ. Phối cảnh của Port Coast.

So với vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), TP Hồ Chí Minh là 1 trong 6 tỉnh trong vùng, quy mô kinh tế giai đoạn 2011-2020 chiếm 60%; GDP đầu người 14.500 USD/người/năm. Dự báo tăng trưởng thời gian tới vẫn trung bình 8,3%/năm, do đó TP giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt vùng ĐNB.

Dịch vụ và công nghiệp là 2 ngành quan trọng quyết định quy mô kinh tế và tăng trưởng của TP. Tuy nhiên, TP chưa có ngành dịch vụ tiên tiến, chưa giữ vai trò trung tâm như du lịch, bất động sản; tăng trưởng của TP chủ yếu theo chiều ngang, dựa vào những ngành truyền thống và chưa có ngành mang tính đột phá.

Cũng theo trình bày của Phó Giáo sư Trần Trọng Thanh, hiện nay đô thị TP phát triển theo vết dầu loang; có định hướng bám sông, biển nhưng còn xa lạ; nông nghiệp truyền thống và đô thị chưa phát huy; du lịch và dịch vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn phát triển chưa đồng đều.

Về hệ thống đô thị, TP hiện có 17 khu công nghiệp (KCN), 1 khu công nghệ cao (CNC) và 3 khu chế xuất (KCX), vẫn còn 5 huyện. Việc chuyển đổi công năng sử dụng đất còn rất chậm; phát triển hạ tầng như: giao thông, cấp nước, điện, xử chất thải, giáo dục đào tạo, thể thao… còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội; quy mô chưa đạt quy chuẩn đô thị; công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế và yếu kém.

Do đó, để TP Hồ Chí Minh phát triển thì phải gắn với vùng, hợp lực cộng sinh với vùng để cùng phát triển theo nhiều mô hình, như: chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; kết nối hạ tầng; kết nối quản trị và cần sự hỗ trợ của các bộ ngành. Đồng thời, chuyển đổi các KCN thành khu CNC thì TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước.

Đối với đô thị, quỹ đất phải tập trung vào một đầu mối để phát triển; Sau năm 2030, phát triển TP Hồ Chí Minh có 5 đô thị (đô thị đặc biệt, trung tâm; đô thị song hành là TP Thủ Đức; 3 đô thị vệ tinh kiểu mới).

Hiện nay TP Hồ Chí Minh phát triển quá tải, do đó tổ tư vấn kiến nghị cần ưu tiên kết nối hạ tầng cấp vùng; ưu tiên phát triển những dự án theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, như: cảng trung chuyển Cần Giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ…

Phản biện lại các ý kiến của tổ tư vấn quy hoạch, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, một số số liệu chưa trùng khớp. Còn ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP đề nghị, tổ tư vấn cần chỉ rõ thêm nguyên nhân, vai trò đầu tàu của TP bị suy giảm trong những năm qua, để từ đó khắc phục trong tương lai.

Về phát triển kinh tế, chưa thấy kịch bản sau năm 2030, chưa thấy tính đột phá. Tương tự, Giáo sư Nguyễn Trọng Hòa (thành viên tổ phản biện), đề nghị làm rõ các liên kết vùng có khả năng là ưu thế của TP Hồ Chí Minh là y tế, sức khỏe, đào tạo nhân lực.

Về phát triển đô thị trong dự thảo quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Về chiến lược, cần cắt cao tốc, cắt một phần huyện Bình Chánh, quận 7, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi để trở thành một TP trong TP Hồ Chí Minh như TP Thủ Đức. Do đó UBND TP cần cân nhắc.

Sau khi nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị tổ tư vấn tiếp thu và xem xét kĩ lưỡng.

Về kinh tế, TP phải thực hiện kinh tế xanh với kinh tế số, do vậy từng ngành kinh tế phải có yếu tố mới, vượt trội. Khi liên kết kinh tế vùng thì phải có không gian cứng, không gian mềm, và cần khẳng định công nghiệp TP Hồ Chí Minh phát triển vi mạch điện tử, bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ…

Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị tổ tư vấn định hướng công nghiệp mới, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… là vi mạch bán dẫn, chip điện tử.

Đối với nông nghiệp đô thị, ở TP Hồ Chí Minh là nghiên cứu, phát triển, chuyển giao chứ không đơn giản là nông nghiệp sản xuất hàng loạt sản phẩm rồi đem bán. Đối với dịch vụ phải chất lượng cao, không phát triển theo kiểu cũ mà phát triển đạt chuẩn quốc gia, quốc tế để trong quá trình hoạch định chính sách, nhà đầu tư theo đó mà đầu tư. Về liên kết vùng, trong báo cáo tư vấn phải viết rõ, cần định hướng, ưu tiên cái nào trước.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-theo-mo-hinh-nao-den-nam-2030-tam-nhin-den-2050.html