Phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Oman lên tầm cao mới

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Oman (9/6/1992 - 9/6/2022), Ngài Saleh Mohamed Ahmed Al Sagri Đại sứ Oman tại Việt Nam đã chia sẻ về những thành tựu cũng như triển vọng phát triển quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.

Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tiếp đón Đại sứ Oman- ngài Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri.

PV: Thưa Đại sứ, xin Ngài cho biết những tiềm năng, lợi thế và kết quả hợp tác của hai nước sau 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Oman?

Đại sứ Oman: Trong suốt 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã không ngừng nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, cấp độ. Điển hình là sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; trao đổi các chuyến thăm chính thức cấp cao, gặp gỡ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp hai nước.

Hai nước đã ký khoảng 10 Hiệp định\Thỏa thuận và 03 Biên bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại…

Một trong những thỏa thuận quan trọng là thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác kinh tế Việt Nam - Oman; Hiệp định thành lập hội đồng doanh nhân chung; Thỏa thuận thành lập nhóm tham vấn chính trị. Hai bên cũng tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng…

Trong đó, kỳ họp thứ 3 gần đây nhất của Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác kinh tế được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2018, do Bộ trưởng Bộ Công thương hai nước làm chủ trì; kỳ họp Tham vấn chính trị lần thứ Ba được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 tại Muscat do hai Thứ trưởng hai nước chủ trì. Hai cuộc họp này nhằm hỗ trợ phát triển quan hệ hai nước, hướng tới tăng cường các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước thống nhất hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư, an ninh lương thực và dịch vụ; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dầu khí…

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong khi Oman có thế mạnh trong xuất khẩu khí hóa lỏng và có trữ lượng dầu mỏ cao; phát triển năng lượng tái tạo và cảng biển. Oman có rất nhiều cảng biển công suất lớn nhưng hai nước chưa có đường biển trực tiếp…

Đại sứ Oman trao đổi, đánh giá cao vị trí địa kinh tế và địa chính trị của Việt Nam và Oman trên trường quốc tế.

PV: Các dữ liệu tiềm lực trên có phải là động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Oman trong giai đoạn hiện nay, thưa Đại sứ?

Đại sứ Oman: Có thể thấy các Thỏa thuận, Biên bản ghi nhớ, các cuộc họp chung, chuyến thăm lẫn nhau đều nằm trong khuôn khổ củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đó là quá trình liên tục, năng động giữa hai bên. Chúng tôi hy vọng rằng, mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển, và chứng kiến thêm nhiều chuyến viếng thăm bằng đường thủy và đường bộ trực tiếp trong thời gian tới.

Kim ngạch thương mại song phương có thể tăng trưởng đáng kể nếu các hãng tàu và đường bay trực tiếp được mở giữa hai nước. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này trong tương lai gần.

PV: Quỹ đầu tư chủ quyền Việt Nam- Ôman (VOI) được xem là mô hình tiêu biểu cho hoạt động đầu tư song phương, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò quỹ VOI?

Đại sứ Oman: Liên doanh Đầu tư Việt Nam-Ôman (VOI) được xem như cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia. Là công ty liên doanh giữa OIA (trước đây là Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman -SGRF) tại Việt Nam với Tập đoàn Đầu tư Vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC), VOI được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước từ năm 2008. Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, thông qua VOI chúng tôi đã giải ngân hơn 300 triệu USD đến nay.

Quan hệ hai nước cũng chứng kiến mức tăng trưởng trong thương mại đạt 120% kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ. Trao đổi thương mại đạt khoảng 200 triệu USD.

Quỹ VOI đã không ngừng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; trong đó tập trung vào các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nước sạch, nông nghiệp công nghệ cao, và nhiều lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đặc biệt Quỹ VOI hết sức quan tâm yếu tố phát triển con người ở Việt Nam và đã mở rộng đầu tư vào giáo dục - trao học bổng cho sinh viên ĐH Văn Lang và tham gia đồng hành tài trợ Giải cờ vua quốc tế; thực hiện nhiều dự án an sinh xã hội: xây dựng trường học tại miền Trung; thông qua liên doanh VOI-Aikya hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đại sứ Oman chứng kiến ký kết hỗ trợ phát triển thị trwfng vốn và đầu tư chiến lược của Liên doanh Đầu tư Việt Nam-Ôman (VOI)

PV: Thưa đại sứ, Oman là cầu nối giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông và Châu Phi. Ông có cho rằng khả năng Oman mở các tuyến đường biển trực tiếp từ Oman vào Việt Nam là cần thiết và lợi ích? Chúng ta cần sự hỗ trợ gì từ Chính phủ hai nước để hiện thực?

Đại sứ Oman: Không thể phủ định vị trí của hai quốc gia, Vương quốc Oman và Việt Nam đều nằm ở các vị trí chiến lược. Vương quốc Oman liên kết Trung Đông và Đông Phi, còn Việt Nam có vị trí đắc địa ở Châu Á. Cả hai nước đều có đường biên giới trên biển dài hơn ba nghìn km. Vương quốc Oman có các cảng (Duqm, Salalah và Sohar) với tiêu chuẩn quốc tế; Việt Nam có nhiều cảng biển, trong đó quan trọng nhất là ở phía Bắc có cảng Hải Phòng, miền Trung có cảng ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, ở phía Nam có cảng Sài Gòn.

Nhờ có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng này, hai nước có thể tìm được những cơ chế thích hợp để kết nối hai nước bằng đường biển và đường hàng không. Đây là điểm thuận lợi để phục vụ lợi ích hợp tác trong tương lai, đặc biệt là liên kết liên lạc hai nước.

PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng, cơ hội nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Oman sau 30 năm quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp?

Đại sứ Oman: Quan hệ hợp tác hai bên là quá trình liên tục, năng động, cần tới cơ chế để thúc đẩy, theo dõi và kiên trì theo đuổi từ hai nước; thông qua đó củng cố và phát triển trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại và các lĩnh vực quan trọng khác giúp gắn kết hai quốc gia.

Chúng tôi tin tưởng rằng những nỗ lực tốt đẹp của Lãnh đạo hai nước, Quốc Vương Oman Haitham bin Tariq Al Said và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Oman và Việt Nam trên các lĩnh vực sâu rộng, phù hợp với lợi ích chung, thúc đẩy tinh hữu nghị giữa nhân dân hai nước./.

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/phat-trien-quan-he-huu-nghi-viet-nam-oman-len-tam-cao-moi-611495.html