Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

BHG - Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của BCH T.Ư Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về kinh tế tập thể: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Ở tỉnh ta, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng đã phát huy tốt vai trò liên kết rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến chè hiện đại.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, số lượng HTX, THT trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ngày càng tăng. Quy mô của các HTX từng bước được mở rộng, một số HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị; phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 27 HTX thành lập mới, 680 thành viên mới gia nhập HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 769 HTX với 22.150 thành viên. Có 9 THT thành lập mới, nâng tổng số THT đến nay là 1.451 THT, chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm của các thành viên.

Các HTX, THT đã đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp các hộ thành viên ổn định cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 8.476 người; trong đó số lao động đồng thời là thành viên HTX là 6.294 người. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 38 triệu đồng/người/năm. Số lao động làm việc thường xuyên trong THT là 21.180 người.

Hoạt động của các HTX, THT đã tác động vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa; khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.

Đặc biệt, nhiều HTX đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa như: Cam Sành, mật ong, chè, tinh bột nghệ, chổi chít, thực phẩm qua chế biến, sản phẩm rượu ngô men lá truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm, sản xuất rau an toàn… Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn, đồng thời hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất phù hợp với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Các cấp, ngành cũng tích cực hỗ trợ HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các loại hình kinh tế tập thể. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 70 tỷ đồng với 20 HTX vay vốn, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp; giao thông – vận tải; thương mại – dịch vụ; xây dựng…

Tuy nhiên, do phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn đơn lẻ, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh đa ngành nghề; chưa chú trọng xây dựng chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh lâu dài. Cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo bài bản, hầu hết chỉ qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phát triển HTX. Quyền lợi mà HTX đem lại cho các thành viên chưa nhiều, nên thành viên chưa gắn bó, chưa phát huy hết trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng, phát triển HTX. Bên cạnh đó, việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao…

Trên cơ sở nhìn nhận rõ những “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển kinh tế tập thể trong bối cảnh và điều kiện mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của kinh tế tập thể. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, điều hành cho các HTX; thu hút lao động trẻ được đào tạo chuyên môn, khởi nghiệp theo mô hình HTX. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, chính sách thuế đối với các HTX. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh và chuỗi giá trị sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch…

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202208/phat-trien-kinh-te-tap-the-nang-dong-hieu-qua-2b17f7a/