Phát triển công trình xanh: Cần thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, giữa lúc thế giới lại đang đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu càng lúc càng trầm trọng, thì “công trình xanh” dường như đang trở thành một khái niệm thời thượng hơn bao giờ hết. Tại hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị” do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đề cập đến việc phát triển công trình xanh như là một trong những biện pháp phát triển đô thị bền vững.

Công trình xanh là gì? Chắc hẳn nhiều người sẽ trả lời rằng đó là công trình có nhiều cây xanh. Cách giải thích này theo các chuyên gia thì mới chỉ đúng một phần, bởi ngoài yếu tố về cây xanh còn là yếu tố về chất liệu xây dựng, mật độ xây dựng...

Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đưa ra định nghĩa, một công trình xây dựng được gọi là “xanh” khi đáp ứng được các tiêu chí về sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sống trong tòa nhà và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Nếu như trước giờ, trong tâm thức của người Việt Nam, nhà ở chỉ mang ý nghĩa là nơi chốn đi về, thì kể từ nửa thập niên trở về đây, khi mà hiện tượng biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét đến cuộc sống mỗi cá nhân, công trình xanh đang dần trở nên phổ biến hơn.

Diamond Lotus - một trong những công trình xanh hiếm hoi tại TP.HCM

Theo GreenViet, công ty chuyên tư vấn về công trình xanh, trong năm 2010 – 2011, Việt Nam chỉ có 2 công trình xanh. Con số này đã là 15 công trình vào năm 2012 – 2013. Đến năm 2017, GreenViet ước tính có hơn 42 công trình xanh trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng các công trình xanh này chủ yếu tập trung ở các dự án nhà máy, cao ốc văn phòng. Riêng công trình xanh là chung cư, trung tâm thương mại hay trường học thì vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ có 5/42 dự án.

Tại TP.HCM, có thể kể đến những công trình xanh được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đang trong quá trình triển khai và sẽ đi vào vận hành trong một vài năm tới, như chuỗi dự án Diamond Lotus tại quận 8, dự án Ngôi nhà Đức tại quận 1.

Mặc dù đã phổ biến hơn trước nhưng so với một đô thị 10 triệu dân như TP.HCM thì số lượng công trình xanh hiện nay quả là vô cùng ít ỏi. Vì sao dòng sản phẩm được xem là cơ sở cho sự phát triển bền vững này lại chưa có vị trí xứng đáng trên thị trường BĐS?

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chi phí. Theo ông, tùy vào mức độ “xanh” của công trình mà mức đầu tư có thể cao hơn từ 2 – 7% so với một công trình bình thường.

Yếu tố này sẽ khiến các chủ đầu tư phải cân nhắc trong giai đoạn thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nhất là khi ý thức của người dân về việc sử dụng công trình xanh chưa cao, dẫn đến nhu cầu chưa nhiều.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, chủ đầu tư Diamond Lotus - dự án áp dụng tiêu chuẩn xanh LEED của Mỹ, cũng trăn trở về vấn đề này. “Tuy công trình xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Chủ đầu tư như chúng tôi hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề về chi phí cao, trong khi thị trường lại chưa có đủ thông tin về dòng sản phẩm này”, bà Mẫu nói.

Để cải thiện tình hình, bà nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích khi sống trong một công trình xanh. “Người dân trước giờ đa phần chỉ cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Các điều kiện còn lại như môi trường, chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng… vẫn bị bỏ ngỏ”.

Dự án Ngôi nhà Đức được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ

Về phía cơ quan quản lý, ông Thịnh cho biết Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó có dự thảo thông tư quy định về đánh giá, công nhận công trình xanh.

Song song đó, Bộ cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về lối sống thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ cũng sẽ kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tín dụng vào hoạt động tiết kiệm năng lượng, thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, vay trung và dài hạn đối với các dự án công trình xanh.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bat-dong-san-c-99/phat-trien-cong-trinh-xanh-can-thay-doi-nhan-thuc-nguoi-tieu-dung-45213.html