Phát triển công nghiệp quốc phòng cần cơ chế đặc biệt

Sáng nay (10/10), Ủy ban Quốc phòng và an ninh tổ chức tọa đàm về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Không chỉ là chính sách đặc thù mà phải là đặc biệt

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng đề xuất, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chỉ nên quy định quốc phòng và an ninh; còn phần động viên công nghiệp tách riêng.

"Phải xây dựng cơ sở pháp lý của luật này để bảo đảm hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù và đặc biệt cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bố trí sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao về khoa học công nghiệp", ông Trường nói.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh.

Nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế đặc biệt về nguồn nhân lực ở bên ngoài cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, ông Trường cho rằng, có thể tham khảo Luật Sản xuất quốc phòng của Mỹ ban hành năm 1980. Sau 20 lần chỉnh lý, luật này vẫn đang được sử dụng. Luật này cho phép Tổng thống quyết định đặc biệt cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, không tuân thủ theo những điều bình thường ở luật khác quy định.

"Ở dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các cơ chế, chính sách có quy định nhưng vẫn chung chung, không thực sự rõ ràng", ông Trường nhìn nhận.

Ông Lê Việt Trường cũng đề xuất, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dân sinh bên ngoài có thể làm được (như lương khô, quần áo…) thì mạnh dạn cổ phần hóa để tập trung sức mạnh của Bộ Quốc phòng vào sản xuất vũ khí.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho biết, dự án luật này phải đảm bảo tính thống nhất phải của hệ thống pháp luật.

"Tôi đếm nhanh thì luật này liên quan đến 15 – 16 luật khác nhau như Luật Công an Nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Ngân sách, Luật Lao động... Khái niệm công nghiệp quốc phòng không chỉ là chính sách đặc thù mà phải là đặc biệt. Giống như ban hành chính sách cho Hà Nội và TP.HCM, thì những chính sách này nằm ngoài quy định hiện hành", ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, trong thiết kế thì có rất nhiều chính sách đặc thù, nhưng nếu chúng ta không khẳng định tính đặc biệt thì chúng ta lại quay về Luật Ngân sách.

"Ví dụ ở điều 16 quy định về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp, an ninh: Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các đơn vị và cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh. Tôi nghĩ điều này lại quay trở lại Luật Ngân sách, mà luật ngân sách thì các danh mục về chi ngân sách địa phương thì chắc khó chi cho cái này. Cho nên thiết kế điều luật trong này phải làm sao trên tinh thần cơ chế đặc thù, đặc biệt. Thậm chí phải sửa các luật khác, không thì chúng ta có quy định nhưng áp dụng lại không khả thi", ông Hồng nói.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thủ tục đầu tư không thể rườm rà

Phát biểu tại buổi tọa đảm, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, tất cả các nước đều quan tâm đến công nghiệp quốc phòng, nước nào không quan tâm thì chỉ có thất bại.

"Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến công nghiệp quốc phòng. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã làm công tác tham mưu chiến lược về công nghiệp quốc phòng trong thời gian qua. Đến nay rất cần thiết xây dựng bộ luật hoàn chỉnh về công nghiệp quốc phòng – an ninh", ông Nam nói.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chính quy, hiện đại. Việc xây dựng công nghiệp quốc phòng – an ninh phải đi trước một bước, đủ năng lực sản xuất vũ khí đáp ứng được mức độ hiện đại của quân đội và công an.

“Không phải xây dựng luật này thì chúng ta mới phát triển vũ khí mà chúng ta đã có nền tảng từ trước rồi”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, do đặc điểm, yêu cầu phát triển của ngành quốc phòng - an ninh cần phải có cơ chế đặc thù, riêng biệt phù hợp.

"Một số đại biểu muốn chữ đặc thù trở thành đặc biệt, ban soạn thảo cố gắng nghiên cứu, tiếp thu để đưa vào cho phù hợp nội dung này", ông Nam cho biết.

Về vận động doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng có tư cách pháp nhân kép, hoạt động vừa bảo đảm thảo Luật Doanh nghiệp, đảm bảo đơn vị hành chính, quân sự, chấp hành mệnh lệnh, thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng – an ninh. Do đó cơ cấu của các doanh nghiệp hơi khác với doanh nghiệp bên ngoài.

Về thủ tục đầu tư, ông Nam cho rằng, nếu chúng ta theo trình tự rườm rà thì rất khó.

"Quy trình đầu tư dự án lớn mất khoảng 5-7 năm, khi đó mọi chuyện đã qua rồi. Thậm chí vũ khí đầu tư đã trở thành lạc hậu, kể cả ngành công an cũng vậy, thiết bị công nghệ cao chỉ khoảng 5 năm đã lạc hậu rồi. Chúng ta phải nhận thức mới hơn về tuổi thọ của vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là các thiết bị cho an ninh mạng. Chúng ta thấy Iphone thay đổi năm một thì vũ khí cũng phải thay đổi như thế", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-can-co-che-dac-biet-192231010110405105.htm