Pháo tự hành 152mm PAT-S 40 năm tuổi được Nga 'hồi sinh'

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga bắt đầu sản xuất pháo tự hành 152mm PAT-S, được phát triển từ 40 trước dưới thời Liên Xô, để trang bị cho các đơn vị bộ binh cơ giới của Nga hiện nay.

Năm ngoái, Công ty Kurganmashzavod của Nga từng công bố một loạt lớn các phương tiện bọc thép hạng nhẹ được nâng cấp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh BMP-2M, BMP-3M nâng cấp với giáp bảo vệ tăng cường, xe bọc thép chở quân BT-3F và BMD-4M nâng cấp động cơ và máy ngắm ảnh nhiệt.

Hãng tin Nga RIA Novosti đưa tin, Công ty Kurganmashzavod bắt đầu sản xuất loạt pháo tự hành 2S25M Sprut-SDM1 nâng cấp với lớp giáp bảo vệ bổ sung, được phát triển dựa trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMD-4M.

Cùng với đó, Công ty Kurganmashzavod cũng tiến hành hoàn thiện và hiện đại hóa dự án pháo tự hành hạng nhẹ 2S18 Pat-S cỡ nòng 152 mm, sử dụng khung gầm của xe chiến đấu bộ binh BMP-3.

Điều đáng chú ý là lựu pháo tự hành cỡ nòng lớn đầu tiên trên thế giới 2S18 “Pat-S” được phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước, bởi Phòng thiết kế đặc biệt của Nhà máy chế tạo máy Kurgan. Tuy nhiên, pháo này không được sản xuất hàng loạt; mà chỉ có một nguyên mẫu được chế tạo.

Vào đầu thập niên 1970 và 1980, các kỹ sư của Nhà máy chế tạo máy Kurgan quyết định phát triển loại pháo tự hành kiểu mới, có cỡ nòng tới 152 mm để sử dụng ở cấp trung đoàn. Nhằm tăng cường hỏa lực cho các đơn vị chiến đấu mặt đất, cũng như đáp ứng yêu cầu của các khách hàng nước ngoài.

Trong vài năm, Công ty Kurganmashzavod và phòng nghiên cứu OKB-9 đã hoàn thành dự án, sản xuất nguyên mẫu Pat-S và đã vượt qua ít nhất một phần của các bài kiểm tra.

Pháo 2A63 được sử dụng làm vũ khí chính trong thiết kế của pháo tự hành Pat-S, có khả năng sử dụng tất cả các loại đạn pháo lựu cỡ 152 mm của Liên Xô trước đó. Pháo sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 mới được phát triển.

Tuy nhiên, Quân đội Liên Xô đã quyết định từ bỏ việc tiếp tục phát triển pháo tự hành 2S18 Pat-S. Có ý kiến cho rằng, loại pháo tự hành này không được Quân đội Liên Xô chấp nhận, do sử dụng pháo nòng ngắn; mặc dù nó có thể cho tầm bắn tối đa lên tới 15 km.

Nguyên mẫu 2S18 Pat-S vẫn ở bãi thử nghiệm Rzhev trong một thời gian dài. Vài năm trước, nó đã được chuyển đến Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự của pháo binh, công binh và thông tin tại thành phố St. Petersburg.

Bây giờ có vẻ như Quân đội Nga đã quyết định quay lại với mẫu pháo tự hành này, nhưng ở một cấp độ kỹ thuật mới, để tăng cường hỏa lực cho các đơn vị bộ binh cơ giới của họ. Có lẽ họ nhận thấy hỏa lực của các đơn vị vị này yếu, nên cần phải tăng cường.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, phạm vi tấn công mục tiêu tối đa như vậy đối với một khẩu pháo tự hành hiện đại, ngay cả với cỡ nòng như vậy, không còn phù hợp. Người ta vẫn chưa biết liệu người Kurgan có đổi pháo 2A63 sang một loại pháo mới mạnh hơn hay không?

Tuy nhiên, nếu pháo tự hành Pat-S vẫn sử dụng pháo nòng ngắn 2A63, thì ngoài khả năng bắn các loại đạn có nổ phá tiêu chuẩn, hiện nay nó còn có thể sử dụng đạn pháo dẫn đường hiện đại, với các loại đạn riêng biệt như loại 3OF39M Krasnopol-M, với tầm bắn lên tới 25 km.

Tuy nhiên, việc tái sản xuất sản phẩm 2S18 ở cấu hình được phát triển vào giữa thập niên 1980 là không hợp lý và việc hiện đại hóa nó là cần thiết. Vì vậy, khung gầm có thể được giữ nguyên, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực thì bắt buộc phải thay thế.

Pháo nòng ngắn 2A63 nhìn chung vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu và có ưu điểm lớn là tương thích với nhiều loại đạn khác nhau, như đạn của các loại pháo cũ 152 mm ML-20, D-1 và D-20. Những loại đạn này Nga vẫn còn nhiều trong kho (Ảnh: Pháo 2A63 trong biến thể pháo xe kéo, trên khung gầm pháo D-30).

Khi phát triển pháo tự hành 2S18 Pat-S, với mục đích nhằm thay thế pháo tự hành 122mm 2S1 Gvozdika cũ hơn, đồng thời tăng cường sức mạnh cho pháo binh trung đoàn bộ binh (bộ binh cơ giới) của Quân đội Liên Xô. Khi cả hai loại có đặc điểm gần giống nhau về tầm bắn và độ chính xác của hỏa lực (Ảnh: Pháo tự hành 2S1 Gvozdika).

Điểm khác biệt duy nhất là pháo tự hành 2S18 Pat-S được phân biệt bởi cỡ nòng lớn lớn hơn và sức mạnh tăng tương ứng. Ngoài ra, việc chuyển sang sử dụng pháo tự hành Pat-S sẽ cho phép hợp nhất pháo binh cấp trung đoàn với trang bị của sư đoàn bộ binh cơ giới (lúc đó NATO đã theo hướng này).

Một điều đáng chú ý là trong nhiều thập kỷ qua, hỏa lực pháo binh mặt đất của Quân đội Liên Xô/Nga về cơ bản không thay đổi. Pháo chiến thuật của Quân đội Liên Xô/Nga vẫn là các loại pháo cỡ nòng 122mm (pháo xe kéo D-30 hoặc pháo tự hành 2S1 Gvozdika).

Mặc dù những loại pháo chiến thuật của Nga được trang bị các phương tiện liên lạc và điều khiển hỏa lực mới, nhưng vẫn là các loại pháo cũ với cỡ nòng 122mm. Còn loại pháo cỡ nòng lớn hơn (152mm), được sử dụng ở cấp độ pháo chiến dịch.

Pháo binh của Quân đội Nga hiện nay khác hẳn quân đội các nước NATO; khi trong nhiều năm qua, NATO đã dần loại bỏ các loại pháo cỡ nòng nhỏ, và chỉ còn duy nhất cỡ nòng 155mm. Điều này thuận lợi cho công tác bảo đảm kỹ thuật, đồng thời tăng khả năng công phá của hỏa lực.

Việc phát triển một loại pháo tự hành mới hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Quá trình nối lại sản xuất pháo tự hành 2S18 Pat-S có thể tận dụng thiết kế cũ, ngoài ra có thể được vay mượn từ các mô hình hiện có. Như vậy Nga có thể nhanh chóng có mẫu pháo mới, đáp ứng nhanh yêu cầu của cuộc xung đột hiện nay.

Tiến Minh (Theo RIA Novosti)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phao-tu-hanh-152mm-pat-s-40-nam-tuoi-duoc-nga-hoi-sinh-1858943.html