Phản đối kiểu dò bài học sinh theo kiểu 'quay lô tô'

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng giáo viên cần xác định rõ kế hoạch kiểm tra, kiểm tra phải đánh giá được năng lực chứ không phải kiểm tra chỉ để biết học sinh có thuộc chữ đó hay không.

Chiều 21-9, UBND TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Hồ Tấn Minh đã thông tin rõ về phát ngôn của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu trong một cuộc họp về "yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt".

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 21-9

"Trong bài phát biểu của Giám đốc, Giám đốc nói giáo viên không được kiểm tra bài đầu giờ "đột xuất và bất chợt" chứ không phải không kiểm tra đầu giờ" - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo nói rõ.

Theo ông Minh, việc kiểm tra đánh giá năng lực học sinh phải tuân thủ theo Thông tư 22. Kiểm tra năng lực học sinh bằng nhiều hình thức như vấn đáp, bằng giấy, qua quá trình học tập, qua thái độ học tập, bằng sản phẩm thực hành chứ không kiểm tra miệng.

"Giáo viên cần xác định rõ kế hoạch kiểm tra, kiểm tra phải đánh giá được năng lực chứ không phải kiểm tra chỉ để biết học sinh có thuộc chữ đó không thì không đánh giá được năng lực của học sinh như thế nào" - ông Minh nêu.

Ông nói thêm giáo viên phải thay đổi tư duy để kiểm tra đánh giá học sinh rõ ràng, quá trình kiểm tra nhằm mục đích gì. Then chốt nhất, nếu kiểm tra tốt thì quá trình đổi mới giáo dục mới thành công. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra đánh giá học sinh.

Theo ông Minh, kiểm tra đánh giá học sinh là hoạt động bình thường trong giáo dục nhưng hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra, giáo viên phải thực hiện theo thông tư hướng dẫn. Ở đây, kiểm tra là quá trình chứ không phải kiểm tra bất chợt.

"Có một số clip trên mạng xã hội, giáo viên cầm cục lô tô, xào qua xào lại… để kiểm tra bài học sinh. Chúng tôi phản đối cách kiểm tra này vì tạo cho học sinh cảm giác lúc nào cũng lo sợ, áp lực không biết hôm nay mình có trả bài không. Hay như hành vi cầm cây viết rà lên danh sách, tạo áp lực lớn cho người học"- ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về phụ huynh đóng các khoản tiền, học phí của học sinh qua bên thứ 3 phải mất phí, ông Hồ Tấn Minh cho biết nhà trường không chỉ có một hình thức hay một kênh duy nhất để thu phí mà có nhiều hình thức, nhiều kênh để phụ huynh được lựa chọn.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục sẽ rà soát và giám sát, nếu mức thu ngoài mức quy định có biện pháp nhắc nhở.

Trước vấn đề tiền máy lạnh, sửa chữa cơ sở vật chất trong phòng học năm học nào cũng triển khai, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết theo quy định tại Thông tư 16/2018 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên tắc và nội dung chính phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Ông Minh cho rằng thủ trưởng đơn vị cần mở rộng các đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn, không chỉ tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/phan-doi-kieu-do-bai-hoc-sinh-theo-kieu-quay-lo-to-20230921174129205.htm